Văn nghệ trong nước
TP.Hồ Chí Minh: Hai vụ khiếu kiện gây xôn xao đầu năm
09:23 | 14/01/2010
Đó là vụ Cty Maseco đòi kiện "ngược" các đơn vị sản xuất băng đĩa "vi phạm bản quyền bài phối midi karaoke, đã được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (BQTGVHNT) cấp từ năm 2007" và vụ thí sinh đoạt giải "Nghệ sĩ đa năng 2009" kiện BTC vì nhùng nhằng không trả tiền thưởng đúng hẹn.
TP.Hồ Chí Minh: Hai vụ khiếu kiện gây xôn xao đầu năm
Thí sinh thắng cuộc Dương Thị Hồng Nhung (trái).

Từ vụ kiện "ngược" lạ đời...

Theo bà Trương Thị Thu Dung - GĐ Trung tâm Rạng Đông - ban đầu, Maseco chỉ kiện một số công ty sử dụng bản phối karaoke đã đăng ký bản quyền. Nhưng đứng trước nguy cơ mình cũng bị kiện ngược lại một cách vô lý, 25 đơn vị kinh doanh băng đĩa trên địa bàn TPHCM (trong đó có Rạng Đông) đã đề nghị Cục BQTGVHNT xem xét lại việc cấp phép cho 3.000 bài phối midi karaoke của Cty Maseco.

Bà Dung phân tích: Từ trước đến nay đã có khoảng 400.000 bài hát được thu âm. Thường thì sau khi bên sản xuất ra đĩa, bên làm nhạc karaoke lấy bản phối chính để hòa âm lại. Các nhà sản xuất nhạc karaoke - không riêng gì Maseco - vẫn thường làm lại như thế để lẩy ra giai điệu chính cho người ta dễ ca, vì trên bản chính thường rất phức tạp. Lâu nay, các nhà sản xuất băng đĩa vẫn du di cho phép nhà sản xuất karaoke dùng lại bản phối, vì nghĩ hai bên có thể cùng có lợi là bài hát dễ tiếp cận công chúng hơn.
 
Tuy nhiên, sau khi phối lại trên nền hòa âm của các nhạc sĩ đã được các hãng băng đĩa thu âm, Maseco lại đi đăng ký bản quyền ở Cục BQTGVHNT và nghiễm nhiên đi kiện ngược lại các hãng khác "ăn cắp" bản phối karaoke của mình. Quá sốc, các hãng sản xuất băng đĩa phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình và khẳng định, nếu cục không giải quyết ổn thỏa, họ sẽ kiện ra tòa.

Bỗng dưng bị liên lụy chuyện này, 16 nhạc sĩ cũng gửi kiến nghị phản đối việc cấp phép của Cục BQTG VHNT. Lý do mà họ đưa ra là các bản phối âm midi karaoke là bản phát sinh từ các bản hòa âm của các nhạc sĩ. Họ cũng chưa bao giờ chấp nhận cho Maseco sử dụng các bản hòa âm phối khí của mình, cũng như chưa ủy quyền cho Maseco đăng ký sở hữu trí tuệ các bản phối âm.

Trả lời công văn của các nhà sản xuất băng đĩa, Cục BQTGVHNT khẳng định việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bài phối âm các tác phẩm âm nhạc trong chương trình ca nhạc karaoke vi tính của Maseco là đúng quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục. Và cục cũng đủ thẩm quyền để ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã cấp cho Maseco, nếu phát hiện các bài phối do ông Trần Việt Hùng sao chép của các tác giả khác đúng như khiếu nại của 25 công ty và 16 nhạc sĩ.

Nhìn chung, về luật, Cục BQTG VHNT không sai khi trả lời văn bản trên bởi lẽ trong trường hợp phát sinh sau khi đăng ký bản quyền, các đơn vị có quyền cung cấp bằng chứng để cục hủy giấy chứng nhận đã cấp.

Tuy nhiên, thời hạn mà cục đưa ra cho các nhà sản xuất quá gấp (13 ngày, cung cấp 3.000 bản phối gốc để đối chứng), cũng xem như một cách "làm khó" cho doanh nghiệp. Bà Dung cho rằng, công văn trả lời của cục có những câu chưa thỏa đáng, có ý chỉnh lại thái độ của các đơn vị khiếu kiện, khiến các hãng lại soạn tiếp công văn để phản hồi...

... đến lý do "treo" tiền thưởng

Sau gần 2 tháng mà BTC cuộc thi "Nghệ sĩ đa năng 2009" vẫn chưa trao giải thưởng 10.000USD, thí sinh thắng cuộc Dương Thị Hồng Nhung đã phải gửi đơn kiện tại Tòa án Nhân dân quận 1, TPHCM. Đơn vị bị kiện là đại diện Trung tâm Văn hóa TPHCM - GĐ trung tâm Nguyễn Hữu Nghị - Trưởng ban tổ chức cuộc thi. Đơn vị này liên kết với Cty Rainbow (Hàn Quốc) và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM để tổ chức cuộc thi nói trên.

Lý do mà đại diện BTC đưa ra thật khó thuyết phục: Vì Hồng Nhung đã có chồng..., nên xem như khó đi Hàn Quốc học trong một năm và BTC phải xem lại trường hợp này. BTC cũng đã họp lại để thỏa thuận, thí sinh Hồng Nhung sẽ chỉ nhận 50% giá trị giải thưởng(!), sau khi đi học được 6 tháng thì nhận tiếp phần còn lại. Trước đó, ngay trong quy chế BTC cũng không làm chặt, không ghi rõ thí sinh dự thi phải chưa kết hôn. Ngoài ra, việc cung cấp chỗ ăn ở cho thí sinh đoạt giải quá bất tiện (ở chung cùng căn hộ với đàn ông Hàn Quốc, trong đó có đại diện Cty Rainbow).

Trong chuyện này, rõ ràng phía đối tác Hàn Quốc chịu trách nhiệm phần chính, nhưng phía Trung tâm Văn hóa TPHCM cũng phải rút kinh nghiệm vì đã chọn một đối tác mà không tìm hiểu kỹ, để mất uy tín của đơn vị. Hơn thế nữa, cách mà ông giám đốc trung tâm giải thích với công luận không ổn. Một đơn vị đứng ra liên kết tổ chức một cuộc thi sắc đẹp và tài năng nghệ thuật không thể viện hết lý do này đến lý do khác để từ chối không trao giải thưởng cho thí sinh, trong khi chỉ cần căn cứ vào hợp đồng và quy chế thi đã có thể giải quyết ngay tranh chấp không đáng có này?

Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm về cách làm ăn lâu nay không bài bản, đến khi có chuyện mới hoảng hốt kiến nghị, dẫn đến việc bị "hành" lại, cũng như việc không nghiêm khắc rút phép những đơn vị tổ chức cuộc thi vi phạm đã tạo tiền đề cho nhiều vụ việc kiện tụng tốn kém mà nhiều khi không giải quyết tận gốc vấn đề.

                                                                                                                    Theo LĐ






Các bài mới
Các bài đã đăng