Văn nghệ trong nước
Họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: Gian nan bán tranh ủng hộ họa sĩ nghèo
15:07 | 14/01/2010
Như TT&VH đã đưa tin, từ ngày 9 đến 18/1 tại 218A Pasteur, Q.3, TP.HCM diễn ra triển lãm Hội họa nhân ái nhằm bán tranh của hơn 70 họa sĩ hiến tặng để giúp đỡ các họa sĩ nghèo. Đây là hoạt động thường niên đã diễn ra trong suốt 5 năm qua với nhiều ý nghĩa cao đẹp. Nhân dịp này, TT&VH có cuộc trò chuyện với họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: Gian nan bán tranh ủng hộ họa sĩ nghèo

Chủ trương hạ giá để dễ bán tranh

* Thưa ông, xuất phát từ đâu để triển lãm Hội họa nhân ái diễn ra định kỳ như vậy?

- Vào năm 2006, họa sĩ Đào Minh Tri lúc đó đang làm Chủ tịch Hội, anh Tri và nhiều họa sĩ khác thấy rằng các họa sĩ cao tuổi, có đóng góp cho mỹ thuật qua các thời kỳ hiện đang sống rất khó khăn. Do đó, họa sĩ Đào Minh Tri đã phát động các họa sĩ hội viên mỗi người hiến tặng một bức tranh, để làm triển lãm nhằm giúp các họa sĩ nghèo đón Tết.

Tiêu chí để Hội họa nhân ái hướng đến là các họa sĩ nghèo từ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên, có vài trường hợp đặc biệt chúng tôi vẫn giúp đỡ vì hoàn cảnh của họ quá khó. Cũng có họa sĩ lão thành đã từ chối được giúp, như NSND - họa sĩ Lương Đống, ông nói rằng nên để dành xuất quà của ông tặng người khó khăn hơn, vì ông đã có con cháu lo rồi. Đó là một hành động cao đẹp của giới mỹ thuật TP.HCM hiện nay với thế hệ đi trước. Vì nhiều họa sĩ lão thành có nhiều đóng góp, nhưng cả đời họ nhiều khi không bán được một bức tranh nào.
 
* Các họa sĩ có nhiệt tình tặng tranh không thưa ông?


Số tiền bán tranh của Hội họa nhân ái qua các năm: 2006 được 11 triệu, 2007 - 114 triệu, 2008 - 145 triệu, 2009 - 45 triệu (do khủng hoảng kinh tế), 2010 hiện được khoảng 160 triệu.
- Năm nay, tuy chỉ có hơn 70 họa sĩ nhưng có đến 99 tác phẩm do có người tặng cùng lúc hai bức tranh. Thường thì, các họa sĩ được đề nghị tặng tranh cho triển lãm sẽ được hội phát màu, toan và họ chỉ bỏ công ra vẽ. Nghĩa là, tranh trong triển lãm đa phần là tranh mới được sáng tác. Nhưng cũng có nhiều họa sĩ không nhận màu, toan của hội mà họ tự đầu tư hết. Lại có họa sĩ khi vẽ xong tác phẩm lẽ ra đem tặng triển lãm, nhưng vì thấy tác phẩm mới thích quá nên họ giữ lại và tặng tác phẩm cũ. Điều này cũng bình thường thôi, vì có ai chịu cho không cái tốt nhất bao giờ. (Cười).

* Và chất lượng tranh còn thể hiện qua giá bán các tác phẩm... chẳng hạn như tranh của Lê Kinh Tài trong triển lãm này chỉ có 1.000 USD trong khi có nhà sưu tập mua tranh của họa sĩ này đến cả vài chục ngàn USD?

- Tất nhiên là vậy. Về tranh của Lê Kinh Tài có giá thấp còn vì cỡ tranh khá nhỏ, nên giá như vậy là vừa phải rồi. Cũng phải nói rõ rằng, các họa sĩ và Hội Mỹ thuật chủ trương hạ giá để dễ bán tranh, kích cầu người mua trong tình hình kinh tế còn khó khăn. Còn việc bán đúng giá thì phải tìm được đúng người mua. Người mua quyết định giá một bức tranh do họ thích hay không, chứ không phải Hội Mỹ thuật hay các họa sĩ quyết định. Các tác phẩm đã bán được trong triển lãm này, đa phần do các nhà sưu tập tranh vốn là chỗ quen biết với các họa sĩ mua, chứ không phải công chúng yêu tranh rộng rãi.

Thành phố nên mua tranh để làm quà “ngoại giao” 
 

Thiếu nữ và sen (100x100cm) của Nguyễn Trung được mua với giá 3.500 USD,
mức giá cao nhất trong số các bức tranh đã bán tính đến hôm nay.


* Xem ra, đầu ra của Hội họa nhân ái cũng khá gian truân?

- Mỗi năm triển lãm chỉ bán được vài tác phẩm thôi. Có nhiều lý do, trong đó có việc triển lãm không quảng cáo nên khó thu hút các doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ xem triển lãm như tấm lòng của đồng nghiệp dành cho đồng nghiệp, mà tấm lòng thì bao giờ cũng quý.

* Cá nhân ông có nghĩ đến việc nâng cao chất lượng cũng như mở rộng đầu ra cho triển lãm? Vì tranh bán được càng nhiều, giá càng cao thì Hội họa nhân ái càng ý nghĩa?

- Có chứ, nhưng nói thật là muốn cũng không được. Vì rằng hiện nay, giá tranh và đầu ra của tác phẩm là việc của từng họa sĩ. Người nào giỏi quan hệ, làm thị trường tốt thì sẽ bán được nhiều tranh, được giá. Đa phần các họa sĩ chỉ biết chăm chú vào vẽ thôi. Hội không thể làm thị trường, làm giá thay cho các họa sĩ được.
 
Có chăng là, nếu thành phố, mỗi năm chịu bỏ tiền ra mua tranh thông qua triển lãm thì đầu ra sẽ ổn định. Không phải là tôi “tư duy bao cấp”, nhưng vì mỗi năm, các ban ngành đoàn thể làm công tác ngoại giao rất nhiều. Các cơ quan bỏ bao nhiêu tiền để mua tranh tặng đối tác thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là không ít. Thêm nữa, tôi thấy các cơ quan tặng tranh ngoại giao phần nhiều là hàng thủ công mỹ nghệ chứ không phải mỹ thuật. Như một bức tranh thêu có thể có giá hàng ngàn USD chứ đâu phải ít. Trong khi, chỉ cần thành phố giao cho hội khoảng 4.000 USD mỗi năm, thì hội sẽ tuyển chọn ít nhất 10 tác phẩm từ trung bình khá trở lên để thành phố đối ngoại, có phải hay hơn hàng mỹ nghệ không? Và điều này sẽ khiến nhiều họa sĩ thấy vinh dự mà tự nâng cao giá trị tác phẩm cho những lần triển lãm sau.

* Xin cảm ơn họa sĩ.

                                                                                                             Theo TT&VH






Các bài mới
Các bài đã đăng