Văn nghệ trong nước
Đến lượt phim nhà nước lao đao!
14:52 | 15/01/2010
Đầu năm 2009, một số nhà sản xuất phim tư nhân còn phàn nàn về việc ít có cơ hội lên sóng truyền hình trung ương vì nhà đài ưu ái các hãng phim nhà nước hơn. Nhưng tình thế đã lật ngược nhanh chóng từ nửa năm trở lại đây kèm theo những hồ hởi về doanh thu quảng cáo và báo động về chất lượng giờ Vàng.
Đến lượt phim nhà nước lao đao!
Điển hình của dòng phim giải trí hút quảng cáo

Phim lên sóng nhờ quan hệ!

Đó là kết luận thẳng thắn của khá nhiều đại biểu tại hội thảo về chất lượng phim truyền hình vừa qua.

Sự xuất hiện ồ ạt phim tư nhân thuộc dòng giải trí đã làm đa dạng hoá giờ Vàng phim Việt song đồng thời cũng gây không ít phản ứng từ khán giả xem đài. Đáng nhắc tới là bộ phim sitcom hợp tác sản xuất với tư nhân đầu tiên của VFC - Những người độc thân vui vẻ - phải dừng phát sóng trước sức ép dư luận. Rồi đến Có khi nào ta yêu nhau, Cô nàng bất đắc dĩ, Ngôi nhà hạnh phúc… bị chê tơi tả trên các diễn đàn mạng lẫn những phương tiện truyền thông.

Nguyên nhân của tình trạng trên được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói thẳng ra rằng: “Vì nhà đài ưu ái người ngoài hơn người nhà, xem trọng các hãng phim tư nhân hơn bởi họ đảm bảo hơn về doanh thu quảng cáo”.

Thực tế các bộ phim do tư nhân sản xuất luôn đạt được con số quảng cáo kỷ lục. 1 tỷ đồng mỗi tối phát sóng không còn là chuyện hiếm kể từ khi có Cô gái xấu xí. Ngay cả Ngôi nhà hạnh phúc không nhận được nhiều thiện cảm của người xem mà doanh thu mỗi tập vẫn vượt qua 9 số 0.

Tuy nhiên, nghịch lý ở phim truyền hình Việt là: con số quảng cáo và lượng rating không tỷ lệ thuận với nhau. Nhiều nhà sản xuất bênh vực bộ phim của mình trước những chê bôi của báo chí rằng: phim tôi dở sao quảng cáo vẫn nhiều thế? Các nhà tài trợ, các doanh nghiệp đâu có dễ dàng bỏ tiền ra quảng cáo sản phẩm của mình ở một bộ phim không có người xem?

Hẳn là nhà sản xuất kia quên rằng: ở Việt , người dân chưa phải bỏ tiền ra xem đài (trừ truyền hình số và cáp) như nước ngoài. Cho nên, có bao nhiêu khán giả xem bộ phim này mỗi tối là điều không ai có thể thống kê được mà chỉ có thể dựa vào đoán định theo cảm tính. Các nhà tài trợ, các doanh nghiệp chỉ dựa vào cảm tính đó, lẫn tần suất xuất hiện của phim trên báo chí để đo độ hot của phim.

Song, với công nghệ PR hiện nay, một bộ phim hay một ngôi sao được nói nhiều, nhắc nhiều trên báo chí không có nghĩa là bộ phim đó hay ngôi sao đó được nhiều người quan tâm, càng không có nghĩa là được nhiều người yêu thích. Nhất là khi hiện nay, nhiều người còn phải trả tiền cho mỗi lần xuất hiện.

Những người độc thân vui vẻ là một minh chứng sống cho việc doanh thu quảng cáo mỗi tập vẫn cao nhưng người xem thì hoặc hờ hững, hoặc phản đối kịch liệt.

Trong khi đó những bộ phim mang tính chính luận, sát sườn với cuộc sống của người dân như Ma làng, Luật đời, Gió làng Kình, Ngõ lỗ thủng… dù được người xem từ thành thị đến nông thôn quan tâm, đón nhận nhưng doanh thu quảng cáo chưa vượt được quá 850 triệu đồng/tối. Rõ ràng, chất lượng phim - lượng rating - quảng cáo không phải lúc nào cũng song hành và thuận chiều.

Thế nhưng, suốt từ nửa năm 2009 trở về đây, các phim chính luận hoàn toàn vắng bóng trên giờ Vàng cả hai kênh VTV1, VTV3. Nếu như trước đó, giờ Vàng vẫn duy trì được hai dòng phim trên hai kênh: một bên mang tính chính luận - một bên mang tính giải trí thì ranh giới đó đến nay đã bị xoá hẳn.

Nhiều phim chất lượng thấp nối tiếp nhau chiếm sóng. Đã xảy ra tình trạng phim đã sản xuất hoàn thiện phải nằm chờ những phim sản xuất theo kiểu gối sóng công chiếu trước. Trong khi cách sản xuất gối sóng gây ra quá nhiều bất cập, điển hình như Cô nàng bất đắc dĩ: chất lượng “đầu voi, đuôi chuột”, diễn viên thay vai, đạo diễn đổi giữa chừng gây ra nhiều cái “khớp” về diễn xuất…

"Gió làng kình", bộ phim có lượng rating cao nhưng doanh thu
quảng cáo ở mức thường thường bậc trung


Nhiều đạo diễn đã bày tỏ khúc mắc trước thực tế trên và lo lắng nguyên nhân là gì nếu không phải là quan hệ cá nhân của hãng phim với người bán sóng cũng như sự xem trọng doanh thu hơn chất lượng của nhà đài.

Ưu thế thuộc về ai?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định: “Nếu các nhà làm phim vẫn phải tiếp tục chịu sức ép quá lớn từ quảng cáo, nếu chúng ta vẫn tiếp tục không có cơ chế khuyến khích làm phim hay, giữ cơ chế khoán giá làm phim từ ban đầu, sau đó phim hay hay phim dở, chỉ cần hút nhiều quảng cáo, là được xếp hạng như nhau, thì ưu thế chắc chắn thuộc về phim tư nhân. Còn phim nhà đài muốn cạnh tranh thì phải bỏ sở trường để làm sở đoản”.

Hiện tại, trong lịch phát sóng được công bố của nhà đài, mới chỉ có Bí thư tỉnh uỷ là bộ phim có vấn đề, có số phận sẽ nối tiếp dòng phim chính luận bị cắt đứt mấy tháng qua. Vây quanh nó là danh sách những phim giải trí với nội dung, đề tài na ná nhau hứa hẹn những con số quảng cáo phá kỷ lục đang lên hình hay đang ngồi chờ lên hình. Chưa thấy dự án phim chính luận nào được khởi quay ngoại trừ Ma làng phần 2 của Nguyễn Hữu Phần. Và lớp khán giả yêu chuộng thể loại này sẽ phải chấp nhận “nhịn đói” một thời gian dài nữa.

Song, nói một cách khách quan, sự lấn lướt của dòng phim giải trí do tư nhân sản xuất trong thời gian qua – trong đó có những sản phẩm tốt – đã tạo nên sự khác biệt trong cách làm phim truyền hình hiện nay. Đồng thời cũng là tiếng cảnh báo những người làm phim bằng vốn nhà nước: nếu không có sự đầu tư nghiêm túc về nghề lẫn những tìm tòi, đổi mới cho phù hợp với khẩu vị của khán giả thì chắc chắn sẽ thất bại về chất lượng, kém về doanh thu và lép vế trong cơ hội phát sóng.

Những hãng phim tư nhân đã có thương hiệu và “chịu chơi” như Phước Sang, BHD… khi đã có sẵn quan hệ và thị phần trên sóng nhà đài sẽ không dễ bỏ qua mảnh đất màu mỡ này. Nhất là khi họ có đầy đủ khả năng về tài chính để đầu tư, nâng cấp sản phẩm của họ một cách hoàn hảo nhất, đảm bảo với nhà cung cấp sóng lợi nhuận quảng cáo khổng lồ lẫn chất lượng của giờ Vàng.

                                                                                                       Theo Toquoc



Các bài mới
Các bài đã đăng