Trước đó, Maseco kiện Đông Hải Audio và công ty TM-DV-SX Cali vì kinh doanh các bản phối karaoke mà Maseco đã đăng ký bản quyền. Maseco cũng gửi văn bản tới 2 công ty trên và 12 công ty khác, yêu cầu ngưng sử dụng và thu hồi những đĩa midi karaoke nói trên. Ngày 22/1 là thời điểm các doanh nghiệp bị kiện phải cung cấp hồ sơ phản tố đến tòa.
Kiện qua kiện lại
Theo ông Đỗ Hướng Dương, Phó tổng giám đốc Maseco, những bài karaoke mà các công ty trên đang kinh doanh giống bản của Maseco đến từng dấu chấm, phẩy. “Kể cả nhạc sĩ đàn bài hát do mình sáng tác cũng không thể giống nhau 100% giữa lần trước và lần sau, làm gì có chuyện họ tạo ra bản phái sinh giống bản phái sinh của chúng tôi đến 100%, từ nốt nhạc, nhạc cụ, dấu câu… được”, ông Dương nói và khẳng định: “Chúng tôi chỉ nói chuyện bằng chứng cứ. Nếu bên kia có chứng cứ thuyết phục thì chúng tôi thua, nhưng họ chưa đưa ra được bằng chứng nào cả”.
Ngày 16/10/2009, trước khi vụ việc được đưa ra tòa án, các bên đã có buổi gặp nhau để giải quyết vấn đề. Tại cuộc họp này, đại diện một số doanh nghiệp có tên trong “danh sách đen” của Maseco cho rằng mình vô can vì những đĩa midi này được mua lại từ một đơn vị khác, và phân phối kèm theo đầu đĩa của mình. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hướng Dương, phân phối sản phẩm mà không có bản quyền cũng là vi phạm pháp luật.
Trong khi Maseco đang đi kiện thì 16 nhạc sĩ có tên tuổi, như Quốc Dũng, Đức Trí, Vũ Quốc Việt, Võ Thiện Thanh, Tuấn Khanh…, đồng ký tên vào một văn bản gửi Cục bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho rằng họ chưa bao giờ cho phép Maseco sử dụng các bài hát do mình sáng tác để tạo ra bản phái sinh, và kiến nghị Cục thu hồi giấy chứng nhận bản quyền đã cấp cho Maseco. Về chuyện này, phía Maseco khẳng định có đầy đủ chứng cứ chứng minh mình đảm bảo quyền tác giả khi tạo ra các tác phẩm phái sinh này.
Sáng tạo hay không sáng tạo?
Việc tạo ra các bản midi karaoke, được gọi là bản phái sinh, xưa nay không được xem là một sản phẩm sáng tạo, mà chỉ là dựa theo các bài hát được hòa âm, sản xuất trước đó. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng, Cục Bản quyền tác giả chứng nhận quyền tác giả cho 3.000 bài hát karaoke nói trên là không đúng.
“Nhiều bài hát do chúng tôi sản xuất, và họ lấy đó để làm thành bản karaoke, thế thì chúng tôi ăn cắp của họ hay họ ăn cắp của chúng tôi?”, ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio bức xúc.
Ngược lại, ông Đinh Quốc Tuấn, giám đốc công ty Đại Việt Luật - đơn vị đại diện pháp lý cho Maseco, cho rằng nhạc sĩ của Maseco vận dụng nhiều dụng cụ âm nhạc để tạo ra một bản hòa âm karaoke riêng biệt, nên đó hoàn toàn là một sản phẩm sáng tạo. “Nhiều bài hát khi được các doanh nghiệp sản xuất và đưa ra thị trường chỉ sử dụng nhạc cụ guitar, nhưng khi phối thành bản karaoke, nhạc sĩ của Maseco đã đưa rất nhiều nhạc cụ khác vào”, ông cho biết.
Theo đại diện của Cục bản quyền tác giả, các bản phối karaoke này được xác định là một sản phẩm sáng tạo. “Sản phẩm phái sinh có rất nhiều dạng, như chuyển thể, cải biên… Từ một bản gốc có thể tạo ra rất nhiều bản phái sinh. Đó hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo. Và bất cứ sáng tạo nào cũng xứng đáng được bảo vệ, nếu nó đã tôn trọng và đảm bảo quyền liên quan đến tác phẩm gốc”, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết. Cũng theo ông Hoan, Cục đã làm đúng mọi trình tự, hồ sơ quy định khi cấp giấy chứng nhận bản quyền cho 3.000 bản midi karaoke của Maseco.
Theo ĐV
|