Văn nghệ trong nước
Thị trường băng đĩa cuối năm: Thật giả khó lường
14:55 | 02/02/2010
Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, thị trường băng đĩa tại TPHCM lại bước vào một mùa kinh doanh mới. Thế nhưng, khác với mọi năm, trong thời điểm hiện tại, thị trường băng đĩa đang chứng kiến những sự trái ngược, một bên là sự sôi động mua bán kinh doanh băng đĩa lậu và một bên là tình trạng hoạt động cầm chừng của các nhà sản xuất chân chính.
Thị trường băng đĩa cuối năm: Thật giả khó lường
Chọn băng đĩa trong Hội chợ băng đĩa 2009 tại số 92 Lê Thánh Tôn. Ảnh: An Dung

Rúng động thị trường băng đĩa lậu

Ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM, nhận xét về thị trường băng đĩa năm 2009 bằng một từ: “lạ”. Theo ông, trong năm 2009, lượng băng đĩa lậu, nhất là loại có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, tăng cao hơn hẳn những năm trước. Các đoàn kiểm tra đã liên tục phát hiện nhiều ổ in sang đĩa lậu, thu giữ một lượng lớn các loại đĩa in sang trái phép, không tem nhãn, có nội dung xấu. Các ổ in sang dạng này đôi lúc hoạt động khá rầm rộ với các trang thiết bị hiện đại, việc in sang đĩa, mua bán đĩa được thực hiện công khai.

Ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng Kiểm tra văn hóa phẩm Xuất nhập khẩu thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM:

Sự xuất hiện nhiều bất thường của băng đĩa lậu tuy rằng lạ nhưng thật ra cũng dễ lý giải. Hiện nay, các loại phim, ảnh, ca nhạc xuất hiện rất nhiều trên mạng với chất lượng cao, trong đó không thiếu các sản phẩm đồi trụy, phản động. Các đầu nậu sản xuất chỉ việc chép về, sử dụng những phần mềm xử lý video để tạo thuyết minh, phụ đề. Cùng với các phương tiện máy móc ngày càng hiện đại khiến cho việc ghi ra đĩa với số lượng lớn trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, những vụ phát hiện, bắt giữ vừa qua cũng cho thấy không hẳn là không thể ngăn chặn việc in sang và kinh doanh băng đĩa lậu hiện nay. Thực tế cho thấy, sự phối hợp mạnh tay của các lực lượng công an, ban ngành đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực. Có nhiều nơi bị kiểm tra, phạt gắt gao đã phải đóng cửa.
Điều này được coi là bất thường, vì mọi năm các hoạt động in sang kiểu này được thực hiện rất lén lút. Chính vì sự bùng phát việc in sang lậu, mua bán đĩa sao chép…, đã dẫn đến việc công tác kiểm tra, xử phạt của các lực lượng, ban ngành quản lý nhà nước trong lĩnh vực băng đĩa tất bật, vất vả hơn. Đặc biệt, vào những ngày đầu năm 2010, Công an TPHCM đã phát hiện được một ổ sản xuất, kinh doanh và chứa băng đĩa lậu lớn nhất từ trước đến nay, tại nhà số 84 và 86 đường số 7, phường Tân Kiểng, quận 7, do Lê Thanh Vũ làm chủ và nhà kho số 360B đường Bến Vân Đồn, quận 4. Điều đáng nói là tại những địa điểm trên, lực lượng công an đã phát hiện được cả một dây chuyền sản xuất đĩa CD, VCD, DVD hoàn chỉnh. Việc này cho thấy sản xuất đĩa lậu đã ngày càng trở nên quy mô. Theo ước tính của các đơn vị chức năng, đường dây sản xuất kinh doanh đĩa lậu nói trên chiếm từ 50% đến 60% thị trường đĩa lậu tại TPHCM.

Và quả thật, sau vụ phát hiện và bắt giữ, thị trường băng đĩa lậu TP hoàn toàn rúng động. Tại các cửa hàng bán băng đĩa trên địa bàn TP xuất hiện tình trạng khan hiếm đĩa lậu, điều đã rất lâu không diễn ra. Theo chủ một cửa hàng chuyên bán đĩa DVD lớn trên đường Lý Chính Thắng, từ sau vụ bắt giữ nói trên, lượng đĩa lậu trên thị trường đã giảm hơn một nửa. Nếu trước đây, mỗi tuần các cửa hàng nhận từ 8-10 phim DVD mới, thì trong tuần sau vụ bắt giữ chỉ còn nhận được từ 3-5 phim. Các loại đĩa CD, DVD âm nhạc còn giảm nhiều hơn. Vào thời điểm ngay sau vụ bắt giữ, hầu như không có đĩa mới thuộc dạng in sang lậu nào xuất hiện trên thị trường.

Không chỉ các tiệm cung cấp băng đĩa lẻ chịu ảnh hưởng, các đầu nậu băng đĩa lậu chuyên bán sỉ cũng nhốn nháo vì vụ phát hiện và bắt giữ trên. Tại các cửa hàng băng đĩa lớn trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 và đường Trần Hưng Đạo, quận 5, các chủ tiệm đều lắc đầu trước những yêu cầu mua hàng số lượng trung bình.

Có thể nói, vụ bắt giữ đường dây sản xuất và kinh doanh băng đĩa lậu do Lê Thanh Vũ làm chủ đã làm rung rinh toàn bộ thị trường băng đĩa lậu TPHCM. Tuy nhiên, cần phải nói rằng vụ bắt giữ trên vẫn chưa đủ sức đánh sập thị trường băng đĩa lậu của TP. Chỉ vì sau hơn một tuần chao đảo, đến những ngày cuối tháng 1-2010, tại các cửa hàng có bán băng đĩa lậu, tình hình bắt đầu có dấu hiệu trở lại như cũ, những phim mới, những đĩa nhạc ăn khách đã xuất hiện trở lại trên kệ. Theo quan sát của phóng viên, tại một số cửa hàng bán sỉ trên đường Trần Hưng Đạo, đã xuất hiện trở lại một lượng lớn đĩa không tem và các chủ tiệm cũng bắt đầu nhận lại những đơn đặt hàng có số lượng cao.

Hàng lậu “lấn sân” hàng thật

Trong lúc băng đĩa lậu đang nhanh chóng hồi phục sau sự truy quét của các cơ quan chức năng để tìm kiếm lợi nhuận trong mùa Tết Nguyên đán sắp đến thì ở phía ngược lại, các nhà sản xuất băng đĩa chân chính lại có vẻ hụt hơi trong việc cung cấp đến khách hàng các sản phẩm chào xuân Canh Dần. Công ty Văn hóa Phương Nam, đơn vị vốn mạnh tay thực hiện những đĩa chương trình mới, thì xuân năm nay chỉ cho ra mắt vẻn vẹn 1 đĩa nhạc xuân. Đã vậy, đó chỉ là đĩa nhạc làm lại (mix lại) những bản nhạc xuân cũ theo phong cách dance.

Băng đĩa đủ loại được bày bán ở chợ Văn Thánh. Ảnh: D.K


Nhưng ít nhất thì động thái này cũng còn có sản phẩm phục vụ công chúng. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất băng đĩa nhạc chính hãng như Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, chấp nhận từ bỏ cuộc chơi, không phát hành sản phẩm mới nào chào xuân. Lý giải tình trạng này, bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, than thở: “Một thực tế là khi các nhà sản xuất băng đĩa thực hiện một sản phẩm, họ phải đầu tư nhiều công sức, chất xám và tiền bạc. Thế nhưng, vì vấn nạn đĩa lậu khiến các NSX thường phải chịu lỗ (từ 80% đến 90%) khi phát hành các sản phẩm của mình. Tình trạng băng đĩa lậu nan giải như thế đang giết dần hoạt động văn hóa nghệ thuật của nước nhà”.

Bà Dung cũng cho biết thêm, không chỉ Trung tâm Rạng Đông hay Công ty Phương Nam kém mặn mòi với thị trường băng đĩa dịp tết, hầu hết các đơn vị khác cũng rất khiêm tốn trong việc tung ra sản phẩm mới dịp này, nếu có thì cũng là xào nấu lại sản phẩm cũ vì không ai dám bỏ tiền đầu tư. Đây là một thực trạng đáng buồn của thị trường băng đĩa chân chính hiện nay, đồng thời cho thấy hệ quả sự lộng hành băng đĩa lậu.

Nhưng cũng không hẳn mọi đơn vị đều xuôi tay chấp nhận sự lấn át thị trường của băng đĩa lậu. Công ty Phương đã chọn cho mình một cách đối kháng riêng bằng việc tung ra các sản phẩm đĩa DVD gốc của nước ngoài, với giá bán chỉ từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Tuy giá bán này cao hơn từ 5 đến 8 lần so với giá băng đĩa lậu nhưng vẫn thu hút đông khách hàng, do là sản phẩm gốc có chất lượng cao, trình bày đẹp, nội dung phong phú. Đây là một cố gắng của doanh nghiệp, vì ở nước ngoài, các đĩa trên đều có giá bán rẻ nhất cũng là vài chục USD. Cũng chính vì để có giá bán thấp, nên các loại đĩa của Phương thường ít có phim mới, chỉ tập trung các phim hay những đã xuất hiện từ khá lâu.

Thị trường băng đĩa TP những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đã khắc họa đầy đủ nhất thực trạng thị trường băng đĩa hiện nay. Nếu một bên các đầu nậu băng đĩa lậu hùng hổ tăng cường hoạt động, bất chấp nỗ lực phát hiện và bắt giữ của các cơ quan chức năng, thì bên kia những người kinh doanh chân chính lại đang phải chấp nhận bỏ cuộc, sản xuất cầm chừng. Lời cầu chúc năm mới của các doanh nghiệp hầu như đều giống nhau, mong có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, mong các cấp thẩm quyền xử lý mạnh tay hơn, để năm mới băng đĩa lậu sẽ bị quét sạch, trả lại một thị trường băng đĩa trong nước lành mạnh và phát triển

                                                                                                             Theo SGGP









Các bài mới
Các bài đã đăng