Văn nghệ trong nước
Trần Hoàn về cùng mùa xuân
15:34 | 03/02/2010
Sau Con đường âm nhạc số 1 tôn vinh sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân mang tên “Mây vàng đất Việt”, ngày 7/2 khán giả truyền hình lại tiếp tục được thưởng thức câu chuyện về cố nhạc sĩ Trần Hoàn với chủ đề “Hát về mùa xuân”.
Trần Hoàn về cùng mùa xuân
Cố nhạc sĩ Trần Hoàn khi còn đôi mươi. Ảnh: BTC.

Chương trình giới thiệu tới người nghe những ca khúc đã trở nên quen thuộc qua hàng thập kỷ với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi: NSND Quang Thọ, NSƯT Thanh Lam, Quang Linh, Minh Huyền, Minh Anh - Minh Ánh, Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Thanh Thúy, Khánh Linh, Thành Lê, Lê Anh Dũng, Lê Mận, nhóm Con Gái và Vũ đoàn Thăng Long.

Cố nhạc sĩ Trần Hoàn tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích, còn có bút danh là Hồ Thuận An, sinh năm 1928, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị, mất năm 2003, thọ 76 tuổi. Sinh thời, ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, từng là Bộ trưởng Văn hóa Thông tin, Phó ban tư tưởng Văn hóa Trung ương và Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Sự nghiệp sáng tác của Trần Hoàn được khán giả yêu nhạc nhớ đến với những ca khúc viết về Bác Hồ như: Thăm Bến Nhà Rồng, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm và Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Đây là chùm ba bài hát đã vinh dự đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, ghi nhận những đóng góp tích cực của ông đối với nền âm nhạc Việt .

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trần Hoàn tham gia hoạt động âm nhạc với những tác phẩm nổi bật như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương... Khác so với một số sáng tác thời kỳ này của không ít nhạc sĩ là mang đậm hơi thở chiến đấu, những sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn là tiết chất tinh tế của cuộc sống thường nhật. Hình ảnh trong sáng tác của ông rất dung dị, phố biến, nhưng vẫn lấp lánh sức sống bền bỉ, tiềm ẩn trong cơn đau thương của cả dân tộc.

Các sáng tác của Trần Hoàn càng về sau càng trẻ trung, càng mang hơi thở của cuộc sống hiện đại và được lớp trẻ ưa thích hơn. Trong khoảng 20 năm cuối đời, nhiều ca khúc trữ tình của ông mang âm hưởng dân ca nhưng được viết với bút pháp hiện đại đã được các giọng ca trẻ lựa chọn biểu diễn trên sân khấu và đứng vững trong một thời gian dài: Một mùa xuân nho nhỏ (phổ thơ Thanh Hải), Chào mùa xuân, Đêm hồ Gươm, Khúc hát người Hà Nội, Lời Bác dặn trước lúc đi xa...

Trần Hoàn không viết tình ca cho riêng đôi lứa nào nhưng trong các ca khúc trữ tình của ông, những người yêu nhau tìm thấy bóng dáng của cuộc đời thường nhật mình đang sống, thấy một mặt hồ lặng sóng thân quen, một mảnh vườn quê, một rặng cây xanh đầu phố... Đó chính là nguồn gốc tạo nên chất sống cho những ca khúc trữ tình của Trần Hoàn.

                                                                                                                Theo VnExpress






Các bài mới
Các bài đã đăng