Song từ đây, người xem có thể thấy được những dấu ấn tiêu biểu nhất từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước cũng như lòng biết ơn, tình yêu thương tha thiết, lòng tin, niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân lao động với Đảng và Bác Hồ qua những tác phẩm hội họa.
Những bức tranh ghi dấu lịch sử
45 tác giả với những phong cách sáng tạo riêng đã biết khai thác các khía cạnh của lịch sử phát triển Đảng để thể hiện trong mỗi tác phẩm. Ta có thể thấy và hiểu được hành trình suốt 80 năm qua trong "Họp công hội đỏ" (sơn mài của Huỳnh Văn Gấm) đến "Nông dân đấu tranh chống thuế" (sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm) rồi "Đánh chiếm Hóc Môn" (sơn mài của Lê Vinh) và lan tỏa sang "Kết nạp Đảng" (sơn mài của Nguyễn Sáng), "Đảng gọi chúng tôi sẵn sàng" (áp phích của Phạm Lung), "Ơn Đảng, ơn Bác người Mèo có chữ" (áp phích của Quách Hùng), "Cộng sản trong bụng tôi" (gỗ của Hồ Uông), "Mỏ thiếc Cao Bằng" (sơn dầu của Nguyễn Kao Thương), "Xưởng đóng tàu Ba Son" (sơn dầu của Huỳnh Phương Đông)…
Ấn tượng đặc biệt trong triển lãm là bức sơn mài "Xô Viết - Nghệ Tĩnh" (80x160x4cm) do những tên tuổi của làng mỹ thuật Việt Nam: họa sĩ Nguyễn Đức Nùng phác thảo cùng 5 họa sĩ Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Tỵ thể hiện. Cả tập thể làm việc miệt mài, áp dụng nhiều kỹ thuật ghép, phun, mài kỳ công để có thể phác họa toàn bộ sự kiện điển hình nhất của lịch sử Đảng. Cũng với khí thế hừng hực đấu tranh nhưng ngập tràn màu đỏ trong "Đánh chiếm Hóc Môn" (sơn mài của Lê Vinh) hay đỏ hoa, cờ của sự hân hoan trong "Mừng miền Nam giải phóng" (sơn dầu của Phạm Việt Hải)… đã cho thấy sự khéo léo, tài tình của người nghệ sĩ.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Vi Kiến Thành giới thiệu tác phẩm "Kết nạp Đảng trong tù" (sơn mài của Nguyễn Đức Nùng) là "bảo bối" của bảo tàng. Sự đặc biệt của bức tranh này không chỉ bởi giá trị được thẩm định qua triển lãm ở nhiều quốc gia mà theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì đây là tác phẩm số 1 của Việt Nam cả về tư tưởng và nghệ thuật. Những người lính của chúng ta được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong một không gian lao tù, cực khổ, đầy mình thương tích: người mất tay, người mất chân, người băng bó khắp đầu, thân… nhưng ánh mắt vẫn sáng rực niềm tin.
Luôn có Bác trên cả hành trình
Ngoài tình yêu với Đảng, rất nhiều nghệ sĩ đã dành phần lớn tình cảm để khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy thiêng liêng, tôn kính nhưng cũng thật dung dị, gần gũi. Trong suốt hành trình từ khi Đảng ra đời đến nay, Bác vẫn là linh hồn của Đảng, là tấm gương sáng để mọi người học tập và phấn đấu. Những thời điểm quan trọng với vận mệnh của đất nước được các họa sĩ thể hiện sinh động trong: "Luận cương đến với Bác" (áp phích của Nguyễn Minh Thông), "Bác Hồ - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện của Đảng ta" (áp phích của Nguyễn Vinh), "Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập" (bột màu của Nguyễn Dương)… Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang mơ ước lớn trong tượng: "Bác Hồ đi tìm đường cứu nước" (Diệp Minh Châu); những nụ cười rạng rỡ của công nhân xe lửa trong ngày Bác đến thăm (sơn dầu của Phạm Lung); vẻ gần gũi, trìu mến của Bác bên các cháu thiếu niên, nhi đồng… cũng được các họa sĩ ghi lại, để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Nhiều khán giả bày tỏ rằng, văn thơ giúp họ hiểu biết về nhân vật còn mỹ thuật mới cho họ "thấy" được sự chân thật về hình ảnh những vị Anh hùng của dân tộc. Đó là "Bà Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định" (chì của Diệp Minh Châu) nhìn là nhận ra được ngay, "Tô Vĩnh Diện chèn pháo" (sơn mài của Dương Hướng Minh), "Chị Út Tịch" (lụa của Trần Thị Phương Dung) hay "Anh hùng Núp" (màu nước của Trần Văn Cẩn)… Họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét: "Hầu hết những bức tranh và tượng trưng bày đều có kích thước nhỏ nhưng mang những giá trị vô cùng lớn lao về cả tư tưởng và nghệ thuật. Để thực hiện được một tác phẩm, mỗi họa sĩ mất nhiều thời gian và công sức sáng tạo lắm!". Họa sĩ chỉ vào những chi tiết mà như ông được biết, tác giả đã phải kỳ công trong nhiều ngày tháng thực hiện.
Đây là những tác phẩm nằm trong sưu tập đặc biệt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ những năm 50 đến 80 thế kỷ trước về đề tài Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thành tựu của đất nước từ khi có Đảng của những danh họa: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Văn Đôn, Diệp Minh Châu và thế hệ họa sĩ tiếp nối sau này như Trần Nguyên Đán, Hồ Uông, Phạm Lung...
Theo HNMO
|