Văn nghệ trong nước
Tranh chấp bản quyền kịch bản Má hồng phận bạc và Tấm Cám: Ai là tác giả?
14:20 | 23/02/2010
Rắc rối ở chỗ những người liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp này đều đã ra người thiên cổ
Tranh chấp bản quyền kịch bản Má hồng phận bạc và Tấm Cám: Ai là tác giả?
NSƯT Bạch Tuyết, Tuấn Thanh và Ngọc Giàu trong vở Má hồng phận bạc

Những ngày qua, sân khấu cải lương TPHCM xảy ra hai vụ tranh chấp tác quyền kịch bản của hai vở: Má hồng phận bạc và Tấm cám. Rắc rối ở chỗ những người liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp này đều đã ra người thiên cổ.

Người thừa kế lên tiếng

Trước Tết Nguyên đán Canh Dần, nhóm nghệ sĩ Vũ Linh chuẩn bị dàn dựng kịch bản Má hồng phận bạc (viết về nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du) để phục vụ khán giả tại rạp Hưng Đạo. Kế hoạch này bị dừng lại bởi xảy ra tranh chấp căng thẳng giữa con trai cố soạn giả Quy Sắc (đạo diễn Mộng Long – Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) và con trai nghệ sĩ Đức Phú (ông Chinh Nhân).

NSƯT Vũ Linh cho biết: “Chúng tôi phải ngưng vì không muốn gặp rắc rối về chuyện tác quyền”.

Theo NSƯT Vũ Linh, trước đây, khi Đoàn Cải lương Lâm Đồng (nơi anh từng công tác) dàn dựng kịch bản này, tác giả Đức Phú lúc đó còn sống đã lên tận Đà Lạt nhận tiền tác quyền, do đó anh cứ đinh ninh kịch bản này là của tác giả Đức Phú.

Nhưng đạo diễn Mộng Long đã trưng ra bản thảo với bút tích của cha anh, tác giả Quy Sắc, sáng tác chùm kịch bản gồm 3 tập: Trăng thề vườn Thúy, Má hồng phận bạc, Từ Kiều ly hận vào năm 1973.

NSƯT Ngọc Giàu, người đóng vai Hoạn Thư nổi tiếng trong vở này, kể: “Năm 1972, khi NSƯT Bạch Tuyết và nghệ sĩ Hùng Cường lập gánh hát, chị Bạch Tuyết đã đặt hàng tác giả Quy Sắc sáng tác bộ ba kịch bản này cho đoàn của chị.

Chúng tôi tập và diễn hai tập: Trăng thề vườn Thúy và Má hồng phận bạc, còn vở Từ Kiều ly hận chưa ra mắt thì gánh hát đã ngưng hoạt động vì chuyện nội bộ.
 

Từ trái sang: Cát Phượng, Bobo Hoàng và Tú Sương trong vở Tấm Cám


Tôi khẳng định kịch bản Má hồng phận bạc là của tác giả Quy Sắc, bởi kịch bản giàu chất văn học do ông là một nhà giáo và cả ba kịch bản thuần nhất một phong cách sáng tác. Nhạc sĩ Đức Phú chỉ sáng tác một kịch bản về Thúy Kiều, đó là vở Cung thương sầu nguyệt hạ”.

NSƯT Bạch Tuyết cho biết chị chỉ mời nhạc sĩ Đức Phú sáng tác âm nhạc cho vở diễn này, vì giai đoạn đó nhạc sĩ Đức Phú rất nổi tiếng sáng tác nhạc cho vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và phần âm nhạc của nhạc sĩ Đức Phú viết cho vở diễn Má hồng phận bạc rất độc đáo, tạo được khí phách và tính cách các nhân vật trong vở diễn.

Đạo diễn Mộng Long bức xúc: “Anh Chinh Nhân con của cố nhạc sĩ Đức Phú có photocopy tặng tôi một quyển kịch bản cải lương Má hồng phận bạc mà anh cho là ba anh sáng tác. Tôi bất ngờ khi thấy rất nhiều bài bản cải lương và câu vọng cổ giống kịch bản của ba tôi”.

Ông Chinh Nhân lại cho rằng: “Cha tôi đã sáng tác kịch bản này cho đoàn Cải lương Lâm Đồng dàn dựng và NSƯT Vũ Linh đã trả tiền tác quyền nhiều năm liền, chứng tỏ đó là của cha tôi”.

Soạn giả Kiên Giang cho biết: “Sở dĩ có việc anh Đức Phú ra Đà Lạt nhận tiền tác quyền là vì lúc đó anh Quy Sắc đồng ý để anh Đức Phú lãnh thay. Một phần vì họ đều là anh em, đồng nghiệp và Đức Phú đang rất khó khăn về mặt kinh tế nên anh Quy Sắc không đề cập việc phải chia tiền tác quyền”.

Theo soạn giả Kiên Giang, về nguyên tắc, Đức Phú chỉ nhận tiền viết tổng phổ nhạc khi đoàn hát nào dàn dựng vở Má hồng phận bạc. Theo ông, Chinh Nhân đã lầm tưởng việc ký thay tiền tác quyền của cha mình với quyền tác giả của tác phẩm đó. Bản thảo của Đức Phú ghi sáng tác năm 1981, còn bản thảo của Quy Sắc ghi sáng tác năm 1973. Nghĩa là Đức Phú sau này đã viết lại, chỉnh sửa đôi chỗ để Vũ Linh dàn dựng.


“Đứa con” nhiều cha

Vụ tranh chấp bản quyền thứ hai được giới sân khấu chú ý là vở Tấm Cám, giữa nghệ sĩ Bạch Mai và bà Nguyễn Anh Đào – con gái cố tác giả Huy Trường.

Nghệ sĩ Bạch Mai cho biết chị và em trai là nghệ sĩ Thanh Bạch (chồng của nghệ sĩ Bạch Lê, anh rể NSƯT Thành Lộc, hiện đang định cư tại Pháp) viết cho Đoàn Cải lương Huỳnh Long.

Để vở diễn được ra mắt khán giả suôn sẻ, thời đó, cả hai đành chấp nhận để ông Huy Trường đứng tên tác giả kịch bản (vì ông Huy Trường đang làm thư ký của Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa Thông tin TPHCM).

Chị nói: “Hơn 10 năm, ông Huy Trường đứng tên tác giả và lãnh toàn bộ tiền tác quyền. Cho đến năm 1992, khi nghệ sĩ Phượng Mai ở nước ngoài về nước quay video vở này, tôi có gặp ông Huy Trường để đòi lại quyền tác giả của mình.

Ông Huy Trường đã đồng ý nhận 2 %, còn tôi và em tôi 4% trên 6% của tổng doanh thu dành cho tác giả kịch bản”.

Bà Nguyễn Anh Đào phản ứng: “Ba tôi đã nhiều lần không tiếp cô Bạch Mai vì cô đã xâm phạm bản quyền của ông. Năm tôi 18 tuổi, tôi có đến xem buổi phúc khảo vở Tấm Cám và tôi có nghe giới thiệu rõ ràng tên tác giả của vở diễn này là cha tôi. Do đó, tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự cho cha tôi.

Cô Bạch Mai cho rằng cha tôi ăn cắp công sức, trí tuệ của cô là xúc phạm nặng nề đối với gia đình tôi”.

NSND Huỳnh Nga, người dàn dựng kịch bản Tấm Cám năm 1976, cho biết: “Tôi nhận kịch bản Tấm Cám với tên hai tác giả ghi chung: Thanh Bạch – Kim Mai (tức Bạch Mai).

Trên thực tế, kịch bản này được viết theo dạng cải lương Hồ Quảng vì hai nghệ sĩ này là con của ông Bảy Huỳnh (trưởng đoàn Cải lương Huỳnh Long). Sau đó, anh Huy Trường đã chuyển thể lại cải lương dân gian, đúng với tính cách của câu chuyện và để tên tác giả Huy Trường – Thanh Bạch.

Tôi bắt tay dàn dựng, viết lại gần như 2/3 kịch bản này để cho hợp lý từng câu thoại, lời ca, cắt cảnh... vì kịch bản ban đầu dài lắm, có cả cảnh nhà vua xuất hiện xử án mẹ con Cám.

Thanh Bạch lúc đó yêu cầu ghi thêm tên tôi vào để cùng hưởng tiền tác quyền nhưng tôi từ chối, chỉ nhận mình là đạo diễn. Không hiểu vì lý do gì, kịch bản này chỉ để tên tác giả là Huy Trường trong buổi duyệt phúc khảo?”.

Theo đạo diễn - NSND Huỳnh Nga, kịch bản Tấm Cám phải để tên cả ba tác giả: Huy Trường – Bạch Mai – Thanh Bạch. Tại sao phải để tên Huy Trường trước, vì ông đã có công chuyển thể kịch bản Hồ Quảng sang cải lương đúng chất dân gian VN. Tấm Cám không thể hát theo kiểu Hồ Quảng.

Đã đến lúc phải xác định rõ ràng phần đóng góp trí tuệ, công sức của những nghệ sĩ đã tham gia sáng tác trong những tác phẩm sân khấu cải lương. Trên thực tế, có nhiều đứa con tinh thần được tạo ra bởi nhiều người, mà đã sáng tạo thì họ đều được pháp luật bảo hộ.

Đẻ con, không chịu khai sinh

Qua những vụ tranh chấp tác quyền này cho thấy giới sáng tác kịch bản sân khấu cải lương lâu nay không quan tâm lắm đến quyền tác giả, vì vậy không tự bảo vệ các tác phẩm do mình đã bỏ trí tuệ, công sức sáng tạo ra. Một kịch bản khi trở thành vở diễn ra mắt khán giả có sự đóng góp của nhiều thành phần. Những người sáng tạo ra kịch bản ban đầu cần xác định rõ ràng phần đóng góp của mình để có nghĩa vụ và quyền lợi đối với tác phẩm ấy.

Trong vụ tranh chấp tác quyền kịch bản Tấm Cám, cả tác giả Bạch Mai và gia đình ông Huy Trường đã không trưng ra được bản thảo kịch bản gốc nào để làm bằng chứng.
 

                                                                                                                     Theo NLĐO








Các bài mới
Các bài đã đăng