Cầu thủ Phú Thọ trên sân Old Trafford?
Năm 2009, hàng loạt phim Việt xuất ngoại, trong đó có những phim ít nhiều thành công, như Trăng nơi đáy giếng ở LHP Dubai, Đừng đốt tại LHP Fukuoka (Nhật Bản), Chơi vơi với giải của Hiệp hội phê bình phim quốc tế bên lề LHP Venice... Các phim Dòng máu anh hùng, Chuyện tình xa xứ thì được phát hành ở Mỹ và được khán giả quan tâm.
Người có nhiều phim xuất ngoại nhất hiện nay là đạo diễn Hồ Quang Minh, với các phim Trang giấy trắng, Bụi hồng, Con thú tật nguyền, Thời xa vắng. “Choáng ngợp” là cảm giác của đạo diễn Việt kiều này trước công nghệ điện ảnh thế giới. Do khả năng tài chính hạn hẹp, ông bảo, những gì mình có thể làm được là quá nhỏ bé và ít ỏi so với đội quân hùng hậu đi theo các phim khác đến tham dự LHP. Họ “bao” cả những khách sạn lớn, tổ chức tiệc tùng gặp gỡ báo chí. Tất cả chi phí đó đều nằm trong kinh phí của phim. Trong khi đó, đạo diễn Hồ Quang Minh chỉ có thể thuê được một trợ lý đối ngoại.
Năm 2000, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng phim ngắn Cuốc xe đêm đi dự LHP Cannes. Anh ví chuyện này chẳng khác nào “một cầu thủ Phú Thọ được mời sang đá ở sân Old Trafford”. Trong khi Bùi Thạc Chuyên ở một khách sạn nhỏ xa địa điểm tổ chức thì có đoàn phim nước ngoài biến cả một khách sạn lớn ở trung tâm thành một cái động mang hình ảnh trong phim. Có đoàn thuê cả một bãi biển, trang trí rực rỡ và mở tiệc linh đình chiêu đãi báo chí, khách mời.
Mang phim Chơi vơi đi dự LHP Venice năm 2009, Bùi Thạc Chuyên càng cảm thấy sự chênh lệch giữa những nền công nghiệp điện ảnh lớn với điện ảnh VN. Anh kể, có hàng trăm con tàu riêng sang trọng của các ngôi sao cập bến
Venice
, cả thành phố trở thành một guồng máy vận hành tối đa công suất để phục vụ LHP.
Các đạo diễn Ngô Quang Hải, Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng có cảm giác tương tự khi ra “đấu trường” thế giới. Cảm giác mình “nhỏ bé” có bớt khi tham dự các LHP như Busan,
Bangkok
, nhưng khoảng cách thì vẫn thấy rõ.
Phải có... mẹo
Có nhiều sản phẩm dự LHP quốc tế, đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: để “lọt” vào mắt xanh của các nhà tuyển chọn phim không quá khó nhưng cũng không đơn giản, và phải có...mẹo.
Năm 1991, khi vừa hoàn thành phụ đề tiếng Pháp và tiếng Anh cho Trang giấy trắng, đạo diễn họ Hồ liên lạc ngay với Ban tổ chức (BTC) LHP Locarno và Venice nhưng quá trễ. Ông tìm đến với LHP Montreal thì họ vừa khóa sổ, vị Chủ tịch LHP đang sang Pháp tuyển chọn phim. Theo gợi ý của cô thư ký BTC, Hồ Quang Minh bay ngay sang Pháp, mang theo Trang giấy trắng chiếu cho nhóm tuyển chọn và thuyết phục được họ.
Vị đạo diễn này nêu kinh nghiệm: “Phải gửi tác phẩm cho LHP lớn nhất trước đã. Khi LHP lớn nhất đã nhận rồi thì những LHP nhỏ hơn cũng theo. Nếu đã hụt thì dễ hụt mãi. Sự ra mắt lần đầu rất quan trọng. Trong những LHP lớn như Venice, Berlin, Cannes, phim phải “còn gin”, nếu không sẽ khó lòng lọt vào vòng tranh giải, và khi đó chỉ có thể tính chuyện ở những LHP nhỏ hơn”.
Các LHP quốc tế là cơ hội để điện ảnh VN “chào bán” tác phẩm. Tuy nhiên, các gian hàng của VN thường vừa nhỏ bé, vừa ít ỏi, đơn điệu. Có nhà phê bình gọi đó là “hai không”: không chiến dịch, không doanh thu.
Ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục điện ảnh kể: năm 2009, có nhiều LHP biết đến Đừng đốt của Đặng Nhật Minh và gửi thư mời, nhưng dù rất muốn, Cục điện ảnh cũng đành phải “lắc đầu”. Lý do là Đừng đốt chỉ có hai bản tiếng Anh, đã tham dự LHP này thì nghỉ LHP kia!
Đạo diễn Trăng nơi đáy giếng Nguyễn Vinh Sơn có lần hỏi người phụ trách tuyển chọn phim của LHP Rotterdam vì sao hay đi Malaysia, Phillipines mà ít ghé VN. Ông ta trả lời rằng khoảng 3-4 năm đến VN một lần là vừa, thậm chí qua thời gian dài như vậy đến VN vẫn không chọn được phim nào. Trong khi đó, mỗi năm ông ta đi Malaysia, Philipines một lần, và lần nào cũng có 1-2 phim mang về. “Điều ấy cho thấy phim mình ở tầm nào so với khu vực”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói.
Vì vậy, số lượng phim ra nước ngoài tăng, phần nhiều có lẽ là do nỗ lực mang tính tự phát, lẻ tẻ của các nhà sản xuất, đạo diễn trong nước.
Theo ĐV
|