Văn nghệ trong nước
Nô nức khai hội xuân Yên Tử
15:01 | 24/02/2010
Hàng vạn du khách đã trẩy hội xuân Yên Tử trong tiết trời mưa bụi đầu xuân, báo hiệu một năm mới an lành.
Nô nức khai hội xuân Yên Tử
Dâng lễ trước giờ khai hội

Tưng bừng khai hội Xuân cõi Phật

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân, hàng vạn người dân cả nước lại trẩy hội về với non thiêng Yên Tử- kinh đô Phật giáo nước ta thế kỷ 13. Năm nay, hàng vạn du khách tham dự khai hội xuân Yên Tử đã được chứng kiến những chương trình nghệ thuật đặc sắc trước khi hành hương lên với cõi Phật.

Ngay từ sáng sớm nay, ngày chính hội Yên Tử, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, sau màn trống hội rộn rã là chương trình đồng diễn võ thuật, biểu diễn hát chèo, múa rồng lân... được dàn dựng công phu với hơn 250 nghệ nhân, võ sinh thị xã Uông Bí và tập thể Đoàn Chèo Quảng Ninh thực hiện. Đặc biệt, trích đoạn chèo “Hào khí non thiêng”- tác phẩm được Thị xã Uông Bí đặt hàng riêng cho lễ hội Yên Tử năm nay gây xúc động mạnh cho du khách bởi âm hưởng hào hùng thể hiện tinh thần của miền đất Phật linh thiêng.

Hàng vạn du khách đã đến với lễ khai hội Yên Tử trong tiết hơi xuân mưa bụi. Năm nay, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.... Đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc vào giờ cao điểm được quan tâm giải quyết một cách cẩn trọng. Vài tháng trước ngày chính thức khai hội, toàn bộ những đoạn đường bị xuống cấp, nhất là tuyến đường từ ngã ba Dốc Đỏ vào Yên Tử đều được bảo dưỡng, nâng cấp. Đoạn đường chân chùa Lân, được coi là điểm nút thắt, luôn gây ùn tắc giao thông đã được mở rộng, giảm bớt độ cua dốc. Để tăng cường đưa đón khách, giảm số lượng xe cá nhân vào Yên Tử, Công ty TNHH Phúc Xuyên đưa vào hoạt động tuyến xe buýt Yên Tử phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, năm nay toàn bộ phương tiện tham gia lễ hội trên các tuyến đường, các bến đỗ, điểm đỗ xe đều do lực lượng công an chủ trì, hướng dẫn điều hành nên được tổ chức khoa học, hợp lý hơn, giảm thiểu ùn tắc một cách đáng kể. Ngoài 2 điểm đỗ xe chính ở chân chùa Lân và bến xe Giải Oan, Ban tổ chức mở thêm một số bến xe tạm dọc đường hành hương, củng cố tổ chức quản lý, trông giữ xe ở các bến phụ tại các xã Phương Đông, Thượng Yên Công.

Một điều đặc biệt là năm nay du khách có thể hành hương ban đêm, bởi từ Thiền viện Trúc Lâm đến An Kỳ Sinh đã được chiếu sáng nhờ dự án hệ thống đường điện chiếu sáng do Bộ VH, TT&DL đầu tư trên 47 tỷ đồng. Đoạn chiếu sáng từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ Tết Nguyên đán từ nguồn vốn xã hội hóa.

Du khách cũng đã giảm thiểu được thời gian chờ đợi để lên núi vì hệ thống cáp treo đã được nâng cấp từ 850 khách/h lên 2.500 khách/h và tối đa có thể lên tới 3.000 khách/h. Tuy nhiên, giá vé cho cả 2 chặng khứ hồi năm nay lên đến 190.000đ (đắt hơn năm 2009 40.000đ). Bên cạnh đó, đề phòng sự cố mất điện Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm (kinh doanh cáp treo) đã bố trí 2 đường điện lưới quốc gia, 1 đường điện máy phát, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định hệ thống cáp treo và các khu dịch vụ.

Để phục vụ cho du khách có nhu cầu ở lại qua đêm, Ban tổ chức Hội Xuân Yên Tử cho phép 20 cơ sở hoạt động kinh doanh lưu trú, trong đó, khu vực bến xe Giải Oan 12 cơ sở và khu dưới chùa cả Hoa Yên 8 cơ sở, công suất phục vụ từ 500-700 người/ngày đêm với mức giá không quá cao so với khu vực trung tâm thị xã.

Náo nức lòng người

Hội xuân Yên Tử chỉ có hội chứ không có lễ. Song, trong ý thức của những người dân Việt Nam, đất Yên Tử là đất Phật, vì vậy, cứ mỗi dịp đầu xuân, hàng vạn người tụ về đây, vượt núi trèo đèo để đến được đỉnh cao nhất của cõi Phật.

Năm 2009, Yên Tử đạt con số đón khách kỷ lục, trên 2,1 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay với Đại lễ 700 năm nhập cõi Niết Bàn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, BTC cho biết, ước tính năm nay, lượng người về Yên Tử sẽ tăng gần gấp đôi năm trước, từ 3,5 đến 4 triệu lượt người.

Hành hương nơi đất Phật


Ngay từ những ngày đầu Xuân, hàng vạn người dân đã hành hương về với cõi Phật. Tính từ mùng 1 đến mùng 8 Tết Canh Dần, đã có hơn 24 vạn lượt du khách trẩy hội xuân Yên Tử.

Bác Trần Thị Hải Phương, năm nay 62 tuổi, cùng đoàn phật tử từ Quảng Bình lặn lội hành hương đến Yên Tử cho biết: “Hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng cùng các chị em lập thành một đoàn đi lễ Yên Tử. Đầu năm đến cõi Phật, trèo đèo lội suối vượt khó khăn mới thể hiện được lòng thành, để cả năm được bình an”.

Nhiều cụ già 70- 80 tuổi vẫn hăng hái leo núi, hành hương lên đỉnh chùa Đồng. Cụ Bế Thị Mai, năm nay đã 73 tuổi vừa leo núi vừa vui vẻ cho biết: “Các cụ leo núi Yên Tử không thấy mệt, vì lên được chùa Đồng là lên được với cõi thiêng, thấy bình an lắm. Năm nào cũng trẩy hội Yên Tử, chùa Hương, các cụ quen leo núi rồi. Năm nay vui hơn vì đi cáp treo rất nhanh, đường leo núi cũng đã được tôn tạo, dễ đi hơn trước rất nhiều”.

Ngày đầu chính thức khai hội xuân ghi nhận sự cố gắng của BTC trong việc giữ gìn an ninh trật tự, tránh ùn tắc và mất mỹ quan di tích. Đã không còn bóng dáng của những người cải trang trang phục dân tộc thiểu số, gạ gẫm trao đổi mua bán dược liệu giả. Thông tin từ BTC cho biết, từ ngày 1-6 Tết Canh Dần, công an thị xã Uông Bí đã phát hiện 3 vụ bán dược liệu không rõ nguồn gốc, thu giữ trên 150kg nhân sâm, quy, thục… giả. Bên cạnh đó, việc phân luồng giao thông hợp lý cũng giảm được khá nhiều thời gian ùn tắc so với mọi năm.

Ngày khởi đầu với tiết trời đẹp như hứa hẹn một mùa hội xuân Yên Tử an lành mang đậm văn hoá truyền thống của người Việt Nam /.

                                                                                                         Theo Toquoc








Các bài mới
Các bài đã đăng