“Cạn” đề tài nhưng vẫn cố làm vì... lãi nhiều
Đáp ứng nhu cầu giải trí ngày Tết của công chúng, ngay từ tháng 1.2010 nhiều đơn vị đã tung đĩa hài ra thị trường. Đó là: Cả ngố, Chuyện đời (Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long); Hài Xuân Hinh (Công ty cổ phần Nghệ thuật giải trí Hoa Dương); Hoài Linh 2010 (Công ty cổ phần Giải trí Gia Việt); Khôn ở phố, ngố ở quê, Nói xấu người yêu (Hồ Gươm Audio); Cười cái sự đời (Công ty Truyền hình DHD...
Theo tiết lộ của một số nhà sản xuất, tiền đầu tư cho việc mua kịch bản, sản xuất, PR ít nhất cũng chạm ngưỡng 1 tỷ/chương trình. Những tưởng trước nhu cầu của thị trường cũng như số vốn tài trợ và đầu tư tốt, người dân sẽ có cơ hội được xem những chương trình hài hay, có cái để cười và để suy ngẫm nhưng chất lượng của phần lớn các đĩa hài năm nay đã gây thất vọng với người xem.
Đề tài trùng lắp và cũ là ghi nhận chung từ nội dung của các đĩa hài. Xem Cười cái sự đời của đạo diễn Nguyễn Công Vượng (Vượng râu) gồm 2 tiểu phẩm Tham thì thâm và Cô đôi dựng chuyện, người xem có cảm giác đuối từ khâu kịch bản.
Tham thì thâm là câu chuyện của một số người ở quê vì hám lợi nên bị tên đại bịp mạo danh là Việt kiều lừa trắng tay. Cô đôi dựng chuyện đề cập tới những kẻ giả danh, buôn thần bán thánh, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người. Có dụng ý đấy nhưng cốt truyện đơn điệu, tình tiết dễ dãi khiến người xem bị hụt hẫng.
“Cạn” đề tài hay nhưng vẫn cố làm vì khó từ chối cơ hội kinh doanh đầu xuân khi đánh vào thị hiếu của khách hàng. Ngoài việc mạnh tay phù phép từ các chiêu quảng cáo, các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để “làm mới” bằng cách mời các nghệ sĩ hài Nam, Bắc cùng đóng chung một chương trình, mời các tên tuổi ca sĩ, người mẫu như Phi Thanh Vân, Minh Quân, Ngọc Khuê... Sau khi bị “ngợp” bằng các chiêu quảng cáo và các tên tuổi nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu thì người xem bị rơi vào cảm giác thất vọng, hụt hẫng.
Từ cười nhạt đến cười... nhảm
Dư luận chê nhất là đĩa hài Khôn ở phố, ngố ở quê với sự góp mặt của hai diễn viên Quang Thắng và Chiến Thắng. Màn mát-xa đã bị phóng đại một cách thái quá. Các nhân viên nữ mát-xa mặc váy ngắn dùng chổi lau nhà, lấy dầu rửa bát, dụng cụ xì khô xe máy, dùng chân đạp lên ngực, lấy na xát lên người nhân vật (Quang Thắng đóng) thô tục và phản cảm.
Chị Nguyễn Thu Hương ở ngõ 214 Đội Cấn, Hà Nội sau khi mua một loạt đĩa hài theo yêu cầu của con, cho biết: “Các đĩa hài năm nay nhạt và nhảm. Nói tiếng là hài nhưng hai đĩa Khôn ở phố, ngố ở quê và Cười cái sự đời khiến tôi không thể cười lấy nổi một tiếng. Những hành vi của nhân vật trong đĩa Khôn ở phố, ngố ở quê rất phi văn hóa. Những tiểu phẩm của Vượng râu trong Cười cái sự đời thật là kinh khủng. Nó khiến người xem bị ức chế nhiều hơn là được cười. Nếu biết thế này tôi không đời nào mua cho con mình xem”.
Thị trường đĩa hài xôm trò, đĩa hài có mặt tràn lan từ quê ra thành phố, hiện tượng này lại là điều đáng lo hơn là đáng mừng bởi những tình tiết đầy phản cảm và lố bịch chọc cười có mặt nhan nhản ở hầu khắp các đĩa.
Đối tượng đặc biệt yêu thích đón chờ các đĩa hài lại chính là thiếu nhi, khi xem những đĩa hài như vậy thì rõ ràng là lợi bất cập hại. Kém chất lượng về nội dung đã đành nhưng cách dàn dựng cũng rất rập khuôn, máy móc, thiếu sự đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng. Đó là chưa kể khi xem một đĩa hài tết, người xem bị mất tập trung bởi có tới mấy chục cái quảng cáo đan xen giữa chương trình.
Tuy nhiên cũng không phải tất cả các đĩa hài tết đều dở, đĩa hài Xuân Hinh năm nay gồm 2 tiểu phẩm Rượt đuổi tình yêu và Chung sức nuôi con đã mang đậm được tiếng cười khá sâu sắc trong những tình huống bi mà lại hài.
Đặc biệt là tiểu phẩm Chung sức nuôi con của hai nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền rất xúc động. Phải thừa nhận là chúng ta không thiếu nghệ sĩ hài tài năng nhưng họ đều bị mắc khi thiếu cái để diễn, để khoe tài.
Nếu cứ cách làm hài dễ dãi như hiện nay thì các nhà sản xuất băng đĩa sẽ đánh mất dần đi thị trường đầy tiềm năng này. Bởi lẽ, sau khi lỡ mua phải những chương trình hài kém chất lượng, hẳn người xem sẽ "chào" với các chương trình sau.
Theo VH
|