Văn nghệ trong nước
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8: Khá nhiều món mới
16:17 | 26/02/2010
Mặc dù tự nhận là khó mà chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - vẫn tin rằng Ngày thơ VN (NTVN) năm nay sẽ là một sự kiện thu hút được đông đảo công chúng hơn vì nhiều cố gắng làm mới.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8: Khá nhiều món mới
Poster chọn phông nền là các kiến trúc cũ và mới của Thăng Long – Hà Nội.

Bước sang lần tổ chức thứ tám, lại được coi là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, NTVN năm nay vì vậy được đẩy lên quy mô hoành tráng, trang trọng hơn hẳn 7 lần trước.

Về phần lễ, ngoài lễ rước thơ, thả thơ như thường thấy thì ở NTVN năm nay còn có lễ cầu siêu cho các nhà văn liệt sĩ và tiền bối (diễn ra vào lúc chính ngọ ngày 14 tháng giêng (27.2) tại chùa Quán Sứ), lễ rước lửa thiêng từ đền Thượng thuộc khu di tích đền Hùng (Phú Thọ) về “đầu cầu” trung tâm của ngày hội thơ là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lễ rước chiếu dời đô vào buổi sáng chính hội (15 tháng giêng)...

Phần hội sẽ diễn ra trong một không gian sắp đặt có tên “Vườn thơ đất nước” với 65 cây thơ, gồm 63 cây thơ tượng trưng cho 63 tỉnh, thành (mỗi tỉnh giới thiệu 4 gương mặt thơ, riêng Hà Nội và TPHCM được ưu tiên gấp đôi “quân số”) và hai cây thơ “mẹ” chở trên mình hai bức thông điệp đẹp: “Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (thơ Hoàng Cầm), “Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm” (thơ Chế Lan Viên).

Dưới hai cây thơ này là phần sắp đặt những câu ca dao, dân ca ba miền hay nhất – như một sự bày tỏ lòng biết ơn của nền văn học viết với nền văn học truyền khẩu. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện tại NTVN “Thơ trên gốm sứ Bát Tràng”, sẽ làm thành một góc sắp đặt ấn tượng.

Những câu thơ hay nhất trong 10 thế kỷ, trong đó đáng kể nhất là 15 bài tuyệt bút của các nhà thơ tiền bối, được in trên các bình, bình phong, bát, đĩa..., viết bằng chữ quốc ngữ, chữ Nôm, kèm phiên âm chữ Hán và dịch ra tiếng Anh. Những hiện vật độc đáo này (cùng với các cây thơ) sau đó sẽ được chuyển về trưng bày lâu dài tại Bảo tàng Văn học VN.

Để làm đậm phần hội – bởi nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: “Có thu hút được đông đảo công chúng thuộc nhiều lứa tuổi, đối tượng..., NTVN mới thực sự trở thành ngày hội”, NTVN năm nay còn lồng vào hai nội dung, sự kiện - cũng là lần đầu tiên có mặt tại NTVN: Chung kết thơ sinh viên của 4 trường ĐH ở phía bắc (Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Thái Nguyên, Đại học KHXH&NV, ĐH Văn hoá) và sân thơ thiếu nhi.

Lên sân khấu trình diễn thơ năm nay vì vậy không chỉ có các cây bút trẻ “dạn công chúng”, mà còn cả các sinh viên “lính mới tò tè” lần đầu tiên làm quen với nghệ thuật trình diễn thơ. Sân thơ thiếu nhi sẽ là dịp để các độc giả nhí được giao lưu gặp gỡ “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa và nghe lại, đọc lại những vần thơ trong trẻo, tràn ngập tấm lòng yêu trẻ của cố nhà thơ Xuân Quỳnh, Võ Quảng, Phạm Hổ... qua các ấn phẩm thơ của NXB Kim Đồng.

Dư âm hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN diễn ra hồi đầu năm vẫn còn vọng đến NTVN để có thêm một cái “lần đầu tiên” nữa ở NTVN năm nay: Sân thơ quốc tế - nhằm tôn vinh thơ dịch, diễn ra tại Nhà văn hoá Nga sáng 13 tháng giêng. “Tại đây, các bạn sẽ được gặp lại giọng thơ nữ người Mỹ (hiện sống tại Hà Nội), từng gây dấu ấn tại đêm thơ quốc tế tại Tuần Châu hồi đầu năm nay” – nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết.

Chọn chủ đề rất tây là “Chuyển động của cảm giác”, sân thơ trẻ năm nay lại tiếp tục sử dụng ngôn ngữ sắp đặt của kiến trúc sư trẻ Nguyễn Trương Qúy với các poster chọn phông nền là các kiến trúc cũ và mới của Thăng Long – Hà Nội, nhưng mạnh dạn trình làng những gương mặt thơ mới, chưa mấy quen tên.

                                                                                                                   Theo LĐ








Các bài mới
Các bài đã đăng