* Thưa GS, theo ông, “bi kịch” của những sự bất cập ở lễ hội là do đâu?
- Tôi không dùng từ “lễ hội” đâu, tôi dùng từ hội của dân. Là bởi vì cái hội đối với bà con nhân dân - rất là thiêng liêng. Đó là dịp để vừa kết thúc, vừa mở ra, như ta thường nói là “tống cựu nghinh tân”. Nó ảnh hưởng đến cả một năm làm ăn của người ta nên ai cũng rất nghiêm túc.
Còn từ ngày Việt đi vào kinh tế thị trường, có sự khuyến khích phải đổi mới lễ hội, người ta bắt đầu “đổi mới” bằng cách (theo như tôi theo dõi thấy): hoặc cắt xén, hoặc là thêm gì đó vào so với lễ hội cũ.
Thế thì cắt cái gì, thêm cái gì vào, trong quy chế của cơ quan quản lý văn hóa không thấy nói rõ. Cho nên họ cắt xén và thêm thắt vào lễ hội với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích là nhân tiện lễ hội thì “kiếm chút”. Trong quy chế không có đoạn “cấm kiếm chút đỉnh” (cười).
* Vậy chúng ta phải làm gì để tránh những lệch lạc đáng tiếc đó, thưa GS?
- Giữa bối cảnh hiện nay chúng ta phải đi lại từ đầu thôi. Tức là đi tìm về cái bản chất của ngày hội xưa kia rằng vì sao nó nghiêm túc thế. Rằng bây giờ cơ sở cho sự nghiêm túc đó có còn tồn tại hay không? Nó còn và mất đi cái gì?
Và tôi muốn trở lại câu hỏi: chúng ta làm lễ hội vì ai, cho ai, và vì cái gì? Nếu chúng ta xác định được đúng các câu đó thì quy chế lễ hội phải (sửa) đổi một chút hoặc nhiều chút. Tôi hi vọng có lẽ đã đến lúc phải nhìn lại những quan niệm “thời mới” của chúng ta về cái mà ngày nay ta thường gọi là lễ hội.
* Đó là vấn đề quy chế cần... bàn thảo. Nhưng rõ ràng có những thứ mà quy định, quy chế, các biển cấm treo rất rõ ràng song chẳng ai thực hiện và những điều cấm đó tràn ngập.
Một trong những bức xúc nhất về lễ hội hiện nay là an ninh trật tự kém, trộm cắp tràn lan, xả rác bừa bãi, bán hàng “chặt chém” khách rồi chiếm hết khuôn viên di tích; thịt thà, nhang khói, tiền thật tiền giả rải kín không gian lẽ ra cần thanh tịnh của việc hành lễ... Theo ông, làm sao tránh được các nạn đó?
- Phải xem lại ai chịu trách nhiệm về hội lễ đó. Họ phải bị kiểm điểm và phải tự kiểm điểm chứ. Theo tôi biết, cơ quan văn hóa địa phương và chính quyền, lực lượng chức năng, các ban quản lý di tích - lễ hội phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Các cơ quan liên quan phải quản lý, giám sát thực hiện các quy định đó.
Chúng ta có thói quen là cứ ra quy chế rồi coi như xong, ai thực hiện, thực hiện như thế nào và bằng cách nào chúng ta cũng không quy trách nhiệm cụ thể với sự giám sát rõ ràng.
* Liệu chúng ta có nên thông cảm vì dân đông, nhu cầu “chơi xuân” lớn, chứ không nên nhất nhất cứ bài bác, trách móc những người quản lý lễ hội một cách nặng nề, GS có nghĩ vậy không?
- Tất nhiên, văn hóa là của toàn dân chứ không chỉ là của một nhúm các vị nào đó. Nhưng bây giờ tại sao toàn dân tự do xả rác, tiền thật tiền giả, vàng thoi bạc nén, ngựa giấy to hơn ngựa thật, xôi thịt tràn ngập di tích thì phải hỏi tại sao người ta để đến nỗi như vậy chứ.
Tôi hỏi anh bây giờ người ta tự do đổi mới lễ hội thì làm sao người dân không có quyền tự do đi lễ, mang tiền vàng, lễ vật vào tràn ngập di tích? Tại sao anh lại đổ cho việc người dân quá đông? Ở nhiều nước dân đông hơn ta nhiều chứ, sao lễ hội của họ vẫn trật tự.
Ngày xưa ở ta các cụ còn nói “tả tơi xem hội” cơ mà. Tả tơi quần áo vẫn đi chơi hội, nhưng xưa làm gì có vấn đề tiêu cực như bây giờ đâu!
* Theo ông, quy chế đổi mới quản lý lễ hội của ta còn gì bất cập nữa chăng?
- Đứng về vĩ mô thì quy chế ấy chả có gì... sai hoặc cần sửa đổi cả. Vấn đề còn lại là chúng ta thực thi quy chế ấy như thế nào, đừng dừng lại ở chỗ ra kế hoạch mà không giám sát việc thực thi rất cụ thể đó.
Vả lại, chúng ta mới đưa ra những khái niệm về đổi mới và quản lý lễ hội mà hiện nay chính chúng ta chưa phân biệt, chưa công bố một cái gì chính xác, cụ thể cả thì rất gay. Rằng chọn lọc và đổi mới cho phù hợp với thời đại nay, việc đó quá đúng. Song liệu ta có hiểu trong văn hóa cổ truyền có những viên ngọc, đó là những tinh hoa không?
Thậm chí bây giờ tôi sợ bị mời đi lễ hội thời mới. Vì tôi “bảo thủ”, tôi sợ ngất trước những trò cải biên mất, bởi nhiều khi họ cải biên theo kiểu “gieo vừng ra ngô”, điều mà Bác Hồ dặn chúng ta nên tránh.
Đó là quan niệm của tôi, chứ tôi không tiện nói cụ thể ai là người gieo vừng ra ngô!
Tôi chỉ nói thế này thôi: văn hóa có hai tuyến phát triển song song, một tuyến biến đổi hằng ngày, tuyến nữa là đã kết tinh để trở thành tinh hoa. Mà đã là tinh hoa thì đó là một hệ thống để biểu hiện truyền thống văn hóa dân tộc. Bây giờ người ta đổi tinh hoa đi thì có nghĩa người ta đổi luôn truyền thống ư?
Tôi trộm nghĩ khi đã thành tinh hoa rồi chúng ta không nên sửa nữa. Nó là lịch sử, là cha ông mình rồi!
Mỗi người phải tu chỉnh nhân cách văn hóa
* Vàng mã đốt bừa phứa, xôi thịt tràn lan cõi thánh cõi Phật, theo ông, khi làm việc ấy người đi lễ có một sự hoang mang nào đó trong nhận thức và niềm tin thánh thần chăng?
- Hiến pháp nước ta năm 1992 nói rõ: người ta có quyền tín ngưỡng và có quyền không tín ngưỡng, ở giới hạn nào đó trong câu chuyện đang bàn bà con làm như vậy là họ biểu hiện việc tín ngưỡng của mình.
Nhưng chúng ta cũng còn có việc tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa - lễ hội, hay ý kiến của cơ quan báo chí và dư luận xã hội khi người ta biểu hiện việc cầu xin thần thánh của mình một cách bất bình thường.
Chúng ta cũng phải hiểu trong niềm tin tâm linh thường chen vào những dấu hiệu của mối quan hệ vụ lợi. Họ đến với thánh không chỉ vì lòng thành kính mà còn cầu xin sự giúp đỡ, sự may mắn thánh sẽ ban phát. Muốn thế thì “tốt lễ dễ thưa” là lôgic dễ hiểu.
Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng, nhưng chúng ta cũng còn có luật pháp, quy chế (xưa kia làng nào cũng có hương ước), và đặc biệt mỗi người đều phải tu chỉnh nhân cách văn hóa của mình phù hợp với mặt bằng của đời sống chung.
|
Theo TT
|