Văn nghệ trong nước
Lần đầu tổ chức Ngày Điện ảnh Việt Nam: Mong có một lễ hội thực chất
14:34 | 03/03/2010
Lần đầu tiên sau 57 năm, giới điện ảnh VN có ngày hội riêng của mình vào ngày 15.3 hằng năm. Đây là sự kiện được giới trong nghề chờ đợi.
Lần đầu tổ chức Ngày Điện ảnh Việt Nam: Mong có một lễ hội thực chất
Các nghệ sĩ luôn mong muốn có một ngày hội tôn vinh những giá trị thực chất

Bởi, hơn lúc nào hết, điện ảnh Việt cần được tôn vinh, được khuyến khích, động viên để có được những bộ phim hay cho những cuộc cạnh tranh có tính quốc tế ngay tại sân nhà. Vì thế, thay vì chờ đợi một lễ hội hoành tráng, phần lớn các nghệ sĩ mong muốn có một cuộc tôn vinh thực chất.

Đầy ắp sự kiện

Xét về quy mô “trên giấy”, Ngày Điện ảnh Việt Nam là sự kiện hoành tráng “bậc nhất” so với các sự kiện điện ảnh trước đây. Thời gian kéo dài (từ ngày 10 -15.3), không gian trải rộng (tổ chức chiếu phim và giao lưu ở 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ, Long An, Đắk Lắk, Thái Nguyên), sự kiện “đầy ắp” bên cạnh điểm nhấn là Lễ trao giải Cánh diều vàng dự kiến sẽ “có nhiều nét mới”.

Nói là ngày 10.3 mới “vào hội” nhưng hoạt động đầu tiên của Ngày Điện ảnh VN đã được khởi động từ cuối tháng 2. Đó là cuộc thi tìm hiểu điện ảnh VN và thế giới thông qua nhắn tin qua thuê bao di động. Tiếp đến là hoạt động Về nguồn với 2 tour được thiết kế cho nghệ sĩ trở về với điện ảnh bưng biền xưa (Long An) khởi hành từ TP.HCM ngày 13.3 và nơi khởi phát Điện ảnh Đồi Cọ (Thái Nguyên) khởi hành từ Hà Nội ngày 11.3.

Trong khuôn khổ Ngày Điện ảnh VN lần thứ nhất, 2 cuộc hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn cho hội viên. Góp ý thẳng thắn; đóng góp chân tình; sôi nổi, nhiệt tâm như lo chuyện “trong nhà” của chính mình..., đó là mong muốn của người tổ chức để các cuộc hội thảo đi vào thực chất và có hiệu quả thực tế, thay cho những cuộc hội thảo, có thảo mà không có luận; đánh giá, kết luận, rồi lại để đấy... như nhiều cuộc hội thảo của điện ảnh trước đây.

Cuộc hội thảo đầu tiên với chủ đề “Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 10.3 và tại Hà Nội ngày 15.3. Riêng cuộc hội thảo được xem là có tính “thời sự” mang tên “Điện ảnh VN hội nhập quốc tế” do Trung tâm Hỗ trợ tài năng chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 13.3 sẽ có sự tham gia của một số nghệ sĩ điện ảnh đến từ các nước. Điểm nhấn của Ngày Điện ảnh VN cũng là hoạt động thường niên của Hội từ nhiều năm nay- Lễ trao giải Cánh diều vàng dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 và VTV4 từ Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Theo kế hoạch, đan xen với phần trao giải là dòng chảy của những ca khúc theo chủ đề “Nửa thế kỷ âm nhạc đồng hành với điện ảnh VN”.

Hoành tráng nhưng cũng cần "lượng sức"

Theo kế hoạch, đạo diễn Đỗ Thanh Hải được mời làm tổng đạo diễn chương trình Lễ trao giải Cánh diều vàng. Thế nhưng vì nhiều lý do, công việc này đã được chuyển cho VTV3 đảm nhiệm. Nói về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Tuy không làm đạo diễn chương trình nhưng tôi vẫn hỗ trợ Hội Điện ảnh hết mình với tư cách là một hội viên.

Trong bối cảnh hoạt động điện ảnh Việt còn nhiều khó khăn như hiện nay rất cần có sự quy tụ lòng người, động viên khuyến khích các nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn nữa cho nền điện ảnh quốc nội. Vì thế, một sự tôn vinh đúng mức, một không khí đầm ấm, chân tình; một hoạt động có tính chất quy tụ, thuyết phục và kích thích sự sáng tạo... sẽ có giá trị gấp nhiều lần sự hoành tráng mang tính hình thức. Nói cách khác, muốn may một cái áo đẹp thì cần phải chuẩn bị đủ chất liệu và chất liệu phải tốt với một người thợ khéo biết “liệu cơm gắp mắm”.

Một số nghệ sĩ khác thì cho rằng, điều làm nên thành công cho lễ trao giải không phải là đề co sân khấu ấn tượng; những “chân dài” đi lại tha thướt, hay quy mô tổ chức hoành tráng mà phụ thuộc vào chất lượng phim dự thi và sự tôn vinh chính xác những bộ phim chất lượng, những nghệ sĩ tài năng và triển vọng.

Cánh diều vàng 2009 tổ chức sau LHP VN lần thứ 16 nên không quá khó khi nhận diện những ứng cử viên sáng giá. Nhất là khi dàn phim Tết của tư nhân năm nay chất lượng không cao, ngoại trừ bộ phim Khi yêu đừng quay đầu lại của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thuộc diện quay đẹp, có nhiều tầng “ngữ nghĩa” đằng sau những khuôn hình có tính giải trí. Thế nên, nhiều người đoán Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Chơi vơi của Thạc Chuyên... sẽ lại “hốt giải”.

Có điều, ngày trao giải đã đến gần, còn Ngày Điện ảnh VN thì đã kề cận nhưng xem ra không khí “rộn rịp” chủ yếu vẫn ở trên giấy. Hoạt động chiếu phim (chiếu phim tiêu biểu các thời kỳ) được tổ chức ở 9 tỉnh, thành phố và những nơi có điều kiện được khuyến khích tổ chức giao lưu nghệ sĩ với khán giả nhưng nếu không có tài trợ, không được sự ủng hộ của các rạp (phần lớn các rạp chất lượng đều của tư nhân, hoặc cổ phần) liệu có thu hút được người xem đến rạp xem những phim cũ? Chẳng đơn giản. Vì thế, nhiều người mong Hội Điện ảnh nên lượng sức để tổ chức một ngày hội tôn vinh nghệ sĩ và những bộ phim giá trị một cách thực chất trong điều kiện kinh tế không dồi dào.

*Tại phiên họp ngày 21.7.2009, sau khi nghe đại diện Hội Điện ảnh VN trình bày đề án tổ chức Ngày Điện ảnh VN, Ban Bí thư đã đồng ý lấy ngày 15.3, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh là Ngày Điện ảnh VN.

*Theo thông báo kết luận của Ban Bí thư ngày 24.7 thì Ngày Điện ảnh phải trở thành ngày hội tôn vinh Điện ảnh VN, động viên các nghệ sĩ trong ngành Điện ảnh phấn đấu có nhiều tác phẩm hay.


                                                                                                                       Theo VH






Các bài mới
Các bài đã đăng