Văn nghệ trong nước
Hội sách tại TP Hồ Chí Minh lần thứ VI-2010: Không chỉ là “đến hẹn lại lên…”
09:45 | 05/03/2010
Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ VI (sẽ diễn ra từ ngày 15-3 đến 20-3) là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành xuất bản và phát hành sách góp phần chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2010.
Hội sách tại TP Hồ Chí Minh lần thứ VI-2010: Không chỉ là “đến hẹn lại lên…”
Hội sách TP Hồ Chí Minh 2010 sẽ mở đầu cho những sựkiện chàomừng lễ trọng của đất nước

Các hoạt động đang được chuẩn bị với quy mô lớn, trong đó có nhiều nội dung hướng về sự kiện trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bạn đọc và người làm sách kỳ vọng đây không chỉ là sự kiện "đến hẹn lại lên", mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy một đời sống xuất bản lành mạnh; nâng cao văn hóa đọc cho người Việt.

Đến hẹn… và sự kiện nghìn năm có một

Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000 và trở lại đều đặn hai năm một lần. BTC cho biết: Hội sách 2010 sẽ diễn ra với quy mô lớn - bởi lẽ sự trở lại lần này của Hội sách sẽ đóng góp vào các hoạt động văn hóa mở đầu cho chuỗi sự kiện chào mừng những ngày lễ trọng của đất nước.

Ông Phạm Minh Thuận (Tổng Giám đốc Công ty Fahasa - Phó ban BTC) khẳng định: Hội chợ sẽ có sự tham gia của 384 gian hàng thuộc 150 đơn vị xuất bản, phát hành sách, tăng 60 gian so với lần trước. Đặc biệt, dịp này có 31 NXB nước ngoài thỏa thuận góp mặt (Hội chợ lần V có 24 NXB), trong đó lần đầu tiên có đại diện NXB của Đức, Pháp, Tây Ban Nha…

Điểm qua, có thể thấy sự tham gia của những gương mặt truyền thông, xuất bản trong nước có sự hoạt động tích cực trong thời gian gần đây như NXB Trẻ, Công ty Fahasa, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Công ty Truyền thông - Văn hóa Nhã Nam, NXB Văn nghệ, First News, Công ty Sách Thái Hà, Alphabook… Trong đó, theo như chia sẻ của một thành viên BTC, khối các đơn vị xuất bản tư nhân tham gia rất tích cực, một điểm đáng mừng nhưng phần nào lại bộc lộ sự thiếu vắng của cả một đội ngũ các NXB nhà nước, vốn đang nắm vai trò nòng cốt trong hoạt động xuất bản.

Hiện nay, BTC đã lên danh sách 35 hoạt động giao lưu, triển lãm, chuyên đề… nghĩa là cả phần "hội" và "chợ" đều khá phong phú. Có thể kể đến phần giới thiệu những bộ sách ấn tượng; giao lưu, tọa đàm với tác giả, dịch giả trong nước và nước ngoài về những tác phẩm được chú ý, trong đó có nhiều tác giả và tác phẩm văn học. Đáng chú ý là hội thảo chuyên môn dành cho người làm sách và bạn đọc như "Ứng dụng công nghệ thông tin trong xuất bản - in và phát hành", "Sách và kỹ năng đọc siêu tốc", "Tết đọc sách - tại sao không?". Phần "hội" thu hút độc giả với các chương trình kịch rối, giao lưu giới thiệu nghệ thuật thư pháp, trao giải, thi vẽ tranh…

Hướng về Thăng Long - Hà Nội

Triển lãm sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một nội dung lớn trong chuỗi các hoạt động dịp này, ra mắt ngay sau lễ khai mạc Hội sách vào tối 15-3 tại Công viên Lê Văn Tám. NXB Trẻ cho biết, sẽ tham gia vào mảng sách Thăng Long - Hà Nội và văn hóa Việt Nam với loạt sách mới như "Cuốn sách và tôi" của học giả Vương Hồng Sển (ấn bản đầu tiên được công bố), "Hà Nội văn hóa và phong tục" của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc…

Công ty Minh Thành (Nhà sách Thăng Long) thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Hồ Chí Minh - đơn vị phát hành bộ sách "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến" (do NXB QĐND và một số NXB khác thực hiện) tham gia Hội sách với toàn bộ 107 tên sách về chủ đề này. Hy vọng, qua đây bạn đọc TP Hồ Chí Minh và du khách có thể tìm hiểu, cảm nhận trầm tích văn hóa của Hà Nội, gần gũi hơn với Thủ đô. Có thể kể đến bộ sách "Hỏi đáp về Hà Nội", "Tiểu thuyết lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội", "Niên giám văn hiến nghìn năm Thăng Long"…

Bên cạnh triển lãm ý nghĩa trên, trên sân chơi sách của thành phố mang tên Bác năm này còn có một số hoạt động hướng về Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức như thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi về chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điểm thú vị là các em sẽ được vẽ, giao lưu cùng với khoảng 40 sinh viên mỹ thuật. Tác phẩm tốt có thể được sử dụng trong các ấn phẩm sách cho thiếu nhi sau này.

Có thể triển lãm này chưa phản ánh đầy đủ diện mạo các công trình sách kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội trên cả nước; song sự kiện này hẳn sẽ là lời nhắn gửi tha thiết đến những người làm sách, yêu sách Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục có những đóng góp tích cực, cụ thể trong việc giữ gìn, xuất bản những cuốn sách mang hồn cốt Thăng Long - Hà Nội gửi lại muôn đời sau.

Nói không với sách lậu và nâng cao văn hóa đọc

Hội sách là nơi giới thiệu ấn phẩm mới, chất lượng để thu hút công chúng, cũng như tìm kiếm đối tác, tranh thủ sự ủng hộ của bạn đọc trong việc loại trừ nạn in lậu cũng như tuyên truyền việc không mua sách lậu. Ông Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, Hội sách là dịp góp phần nâng cao văn hóa đọc. Đây cũng là nơi các nhà làm sách thể hiện năng lực làm sách của mình, vượt qua thách thức của nạn in lậu. Còn nhớ, trong Hội sách lần thứ V, sách vừa mới phát hành tại đây, chưa kịp phân phối đến các nhà phát hành truyền thống thì đã bị in lậu ở ngay Hà Nội.

Giải quyết nạn in lậu là một việc khó, không thể thực hiện xong trong ngày một ngày hai, nhưng cũng cần có sự tham gia tích cực, liên tục, thường xuyên của chính người trong cuộc. Một băng rôn "Nói không với sách lậu", một poster ý kiến bạn đọc về không mua sách lậu có thể giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hội sách là cơ hội lớn của người làm sách, bởi qua những cuốn sách hay và đẹp, độc giả có thể "cảm" được tâm huyết và công sức của người làm sách, từ đó sẽ chọn sách tại đây thay vì tại một chiếu sách lậu vỉa hè. Bằng sách hay, sách thật, phát hành nhanh, sách giả sẽ không có cơ hội chen chân.

                                                                                                            Theo HNM







Các bài mới
Các bài đã đăng