Văn nghệ trong nước
Nhà nước vẫn là người cầm trịch...
08:51 | 11/03/2010
Trong khuôn khổ giải Cánh diều 2009, sáng 10.3, tại TPHCM, Hội Điện ảnh VN tổ chức hội thảo “Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ”.
Nhà nước vẫn là người cầm trịch...
Phạm Linh Đan trong vai nhà văn Cầm - phim “Chơi vơi”.

Các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Ở nước ta, khuyến khích, hỗ trợ sáng tác và xác định trách nhiệm của người nghệ sĩ là hai vấn đề cụ thể, liên quan với việc nâng cao chất lượng sáng tác điện ảnh. Và hầu hết các ý kiến đều quy về một điểm: Trách nhiệm chính của việc khuyến khích, hỗ trợ sáng tác là thuộc về Nhà nước, gồm cơ quan chức năng, quản lý, phổ biến, quảng bá...; Khuyến khích, hỗ trợ sáng tác điện ảnh gắn liền với mục tiêu phát triển ngành điện ảnh dân tộc.

Đạo diễn, giảng viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh (ĐH SK-ĐA) TPHCM Hùng Tú cho rằng: “Về mặt vật chất, giai đoạn 2006-2010, Nhà nước chi 210 tỉ đồng cho việc khuyến khích các hoạt động sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Nghe thì nhiều, nhưng chia mỗi nơi một chút thì số tiền này lại ít. Có ý kiến cho rằng, các trại sáng tác là vô dụng và là tàn dư của thời bao cấp. Các nhà quản lý, tham mưu cho Nhà nước các vấn đề văn hoá cần suy nghĩ về vấn đề này. Tuy nhiên, từ các trại sáng tác vẫn có được một số tác phẩm có giá trị. Đề nghị Nhà nước duy trì mô hình trại sáng tác, mời các văn nghệ sĩ nước ngoài tham gia, mở rộng thành phần tham gia các trại sáng tác,... Trại sáng tác cũng là cú hích cho văn nghệ sĩ nước ta”.

Quan tâm lo lắng cho các đạo diễn trẻ mới ra trường chưa có cơ hội thể hiện năng lực làm phim, đạo diễn Tô Hoàng - giảng viên ĐH SK-ĐA Hà Nội cho rằng, vì tương lai nền điện ảnh dân tộc, Nhà nước phải đầu tư cho việc nuôi dưỡng, khai mạch, làm nảy nở những tài năng điện ảnh mới bằng việc đầu tư kinh phí để nuôi lớn các đạo diễn trẻ; chương trình “Giờ vàng” trên truyền hình nên dành thời lượng cho những khám phá tìm tòi của các đạo diễn trẻ...

Trong năm 2010, việc khuyến khích đầu tư sáng tác điện ảnh ở nước ta có nét mới. Theo ông Trần Thanh Tùng-PGĐ Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TPHCM, đó là, theo luật sửa đổi một số điều Luật Điện ảnh năm 2010, các hãng phim nhà nước và tư nhân đều có quyền được Nhà nước đầu tư sản xuất phim theo dự án phù hợp, có chất lượng,...

Trung thực một cách có chọn lọc, không trần trụi - đó là quan điểm của nữ diễn viên Hiền Mai khi nói về trách nhiệm của nghệ sĩ. Đặt vấn đề một số phim truyền hình của ta hiện liệu có đúng là làm theo thị hiếu, theo yêu cầu của khán giả hay không, bởi nhiều phim rất xa lạ với cuộc đời thực, diễn viên Hạnh Thuý hy vọng các nhà biên kịch, đạo diễn sáng tạo nhiều hơn nữa để diễn viên có cơ hội vất vả vì nghề, diễn không theo lối mòn - thể hiện một phần trách nhiệm của mình người nghệ sĩ. Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc TFS mong mỏi những người làm phim không nên làm “hàng gian”... để khán giả phiền lòng...

Một điều rất cơ bản nằm giữa, hay có thể nói liên kết hai vấn đề khuyến khích, hỗ trợ sáng tác điện ảnh và trách nhiệm nghệ sĩ - đó chính là tự do sáng tác. Về vấn đề này, một nhà nghiên cứu phê bình dùng hình ảnh ví von cho rằng, có những con chim thấy tự do trong chiếc lồng của nó. Lại có những con chim - đồ chơi, phải có người vỗ tay thì mới hót đồng loạt theo một giọng... Người nghệ sĩ nên luôn tự thân thấy được trách nhiệm của mình...

                                                                                          Theo LĐ





Các bài mới
Các bài đã đăng