Văn nghệ trong nước
Nhạc điện tử: “Thực đơn” âm nhạc mới của giới trẻ
09:05 | 11/03/2010
Nhạc điện tử là tên gọi chung cho những dòng nhạc có sử dụng nhạc cụ điện tử, như: nhạc nhảy điện tử, nhạc computer, nhạc DJ... Khoảng hơn chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển ồ ạt của các sàn nhảy và quán bar, giới trẻ Việt Nam bắt đầu biết đến các dòng nhạc này.
Nhạc điện tử: “Thực đơn” âm nhạc mới của giới trẻ
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân biểu diễn nhạc điện tử tại Hà Nội

Phát huy ưu thế công nghệ thông tin và thiết bị điện tử

Nhạc nhảy điện tử (Electronic Dance Music - EDM) kế thừa từ nhạc disco của những năm 70 của thế kỷ trước. Nó được cấu thành và xây dựng bằng những nhạc cụ điện tử như đàn Synthersizer, trống điện và máy hòa âm (sequencers). Vào cuối thập niên 1980, EDM phát triển đến một nấc thang mới với sự ra đời của máy tính cá nhân (PC).

Nhiều thể loại nhạc dance sử dụng nhạc cụ điện tử đã hưởng lợi rất nhiều với việc ra đời của giao thức MIDI (Musical Instrument Digital Interface), cho phép các nhạc cụ điện tử có thể trao đổi thông tin qua lại với nhau và đồng bộ hóa với âm thanh mà chúng tạo ra. Kylie Mynogue hay Madonna trình diễn những bản nhạc dance sôi động, cuốn hút nhờ sự hỗ trợ không nhỏ của EDM.
Nhạc DJ (Disc Jockey- DJ) ra đời gắn với những người làm nghề chỉnh nhạc. Nguyên nghĩa của nó là sự cọ xát giữa các đĩa nhạc. Hiện nay, khái niệm DJ quen dùng chỉ những người chỉnh nhạc ở vũ trường. Bộ đồ nghề cơ bản gồm có 2 hay 4 đầu đĩa CD xoay được hai chiều, một bàn mixer, cây phá tiếng với 49 chức năng...

Ngoài ra, còn có đàn organ, nhiều music boxes (hộp nhạc), máy vi tính với những phần mềm cần thiết cho công việc. Các DJ không phải chỉ bật nhạc cho khách nhảy mà còn phải biết trộn (remix) các bản nhạc đủ phong cách thành nhạc dance. Để làm remix, các sound (âm thanh) được tìm trên organ, trên các CD samples (đĩa nhạc mẫu) hoặc tự tạo trên máy tính và biên tập theo ý mình. Đĩa CD chủ yếu mua từ nước ngoài, hoặc có thể tải nhạc trên mạng xuống. DJ phải luôn update các bản nhạc mới được yêu thích...

EDM và DJ chỉ hai dạng phổ biến của nhạc điện tử (Electronic Music). Chúng ngày càng xích lại gần nhau sau quá trình phát triển và chia ra nhiều nhánh. Với chiếc máy tính cá nhân, một người có thể vừa đóng vai trò DJ vừa là người sáng tác EDM. Các dòng nhạc điện tử không chỉ đứng độc lập mà nhiều khi được kết hợp hài hoà với nhau, như một chương trình sử dụng cả nhạc nhảy điện tử, nhạc máy tính và với dàn nhạc giao hưởng...

Những người tiên phong

Được coi là những nhạc sĩ chuyên nghiệp đầu tiên khám phá loại hình âm nhạc điện tử tại Việt Nam, nhạc sĩ Trí Minh và nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đã tham gia hàng chục liên hoan nhạc điện tử quốc tế. Không chỉ cho thấy sự hoà nhập của nhạc điện tử VN với thế giới, họ luôn tìm tòi nhằm đem đến ấn tượng riêng cho bạn bè quốc tế về nhạc điện tử VN, bằng cách sử dụng những âm thanh, tiếng động thu âm ở VN, những bản nhạc, điệu hát dân gian... để đưa vào nhạc điện tử...

Không ít nhạc sĩ sáng tác ca khúc đã tìm kiếm những thể nghiệm âm nhạc với thể loại này và đem lại những kết quả đáng mừng: Quốc Trung, Võ Thiện Thanh, Lương Bằng Quang, nhóm Underground... Họ góp phần không nhỏ đưa công chúng tiếp cận với vẻ đẹp của nhạc điện tử để thoát ra khỏi định kiến coi nhạc điện tử là những âm thanh chao chát và hỗn độn chỉ sử dụng ở sàn nhảy và quán bar...

“Tôi hy vọng nhạc điện tử ở VN có nhiều “sân chơi” hơn nữa để ngày càng phát triển. Với chiếc máy tính, ai cũng có thể tìm đến với nhạc điện tử bằng những con đường khác nhau. Tôi tin chắc giới trẻ tìm thấy ở thể loại nhạc này sức sống thời đại và nhạc điện tử luôn hoà nhịp đập với con tim họ”, nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ.

Hòa hợp và liên kết

Nhạc điện tử ngày càng phát triển khi không ít bạn trẻ lên mạng nghe nhạc, tìm kiếm thông tin âm nhạc và vào các trang web hướng dẫn cách “chế biến” nhạc điện tử. Ở VN, câu lạc bộ EDM được thành lập và đã tổ chức đêm nhạc “Beatz - The United Beat” vài ba lần tại Hà Nội với ý nghĩa “nhịp đập liên kết, hòa hợp” thu hút hàng trăm bạn trẻ và lần sau quy mô luôn lớn hơn lần trước. Các chương trình này chứng minh rằng, nhạc điện tử không phải là những âm thanh kích động, e-music không đồng nghĩa với lắc.

Công chúng giờ đây không còn xa lạ với các thể loại nhạc nói trên. Bước ra khỏi không gian giải trí của sàn nhảy, quán bar..., chúng xuất hiện như một thành phần tất yếu trong các cuộc trình diễn, sắp đặt hay các loại hình nghệ thuật đương đại khác...

Chương trình “Điểm hẹn” tại TP.HCM tháng 11.2005 là cuộc pha trộn giữa triển lãm sắp đặt video với trình diễn nhạc điện tử. “Hội ngộ Sài Gòn 2005” đem những bản dân ca kinh điển, những sáng tác mới cho dàn nhạc dân tộc trình diễn với ban nhạc điện tử. Những tác phẩm nhạc jazz lấy cảm hứng từ âm nhạc dân gian ba miền của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn hoà quyện với sáo trúc, đàn bầu, t’rưng...

Việc tổ chức các sự kiện âm nhạc dành cho khán giả yêu nhạc điện tử cũng góp phần khuấy động thêm không khí rộn rã của thể loại này. Cuối năm ngoái, hàng loạt các chương trình biểu diễn của những nghệ sĩ hàng đầu nước Đức như Hans Nieswandt, Adam Butler, các nghệ sĩ thuộc các nước Đông Nam Á và Trí Minh đã diễn ra tại Hà Nội.

Sau đó, chương trình “Khám phá nhạc DJ” với sự tham gia giao lưu của nhạc sĩ Trí Minh... giúp người yêu nhạc điện tử có cái nhìn toàn diện và sâu rộng hơn dòng nhạc này. “Hanoi Sound Stuff” hằng năm thu hút các nhạc sĩ đến từ nước Đức, Hồng Kông, Trung Quốc... cùng các nhạc sĩ Hà Nội và Sài Gòn đã làm nên những chương trình sôi động, phong phú và bổ ích. Câu lạc bộ I.A.C-Independent Artist được giới thiệu trong một kỳ liên hoan với trang web nokia-asia.com/iac cho phép các thành viên “up” những sáng tác không giới hạn số lượng và đề tài, rồi trao đổi, thảo luận...

Nhạc sĩ Vũ Nhật Thăng, nguyên giảng viên khoa Lý luận âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia VN) nhận định: “Nhạc điện tử có nhiều ưu thế nên chắc chắn công chúng của nó sẽ ngày càng nhiều. Nó cũng sẽ thống trị công nghiệp thu âm của thế giới trong thời gian tới”.

                                                                                 Theo VH




Các bài mới
Các bài đã đăng