Văn nghệ trong nước
Đầu Xuân, bàn chuyện “bói Kiều”
09:09 | 11/03/2010
LTS: Điều lạ lùng là càng trong xã hội hiện đại, nạn bói toán ngày càng phát triển. Đầu Xuân này, đâu đâu cũng gặp cảnh các bà các chị nô nức rủ nhau đi...xem bói chẳng khác nào đi trẩy hội. Yếu tố mê tín dị đoan ngày càng chi phối mạnh mẽ đầu óc con người.
Đầu Xuân, bàn chuyện “bói Kiều”
Một cuốn sách bàn chuyện “bói Kiều”

Trong hoàn cảnh đó mới thấy nhớ những phong tục lành mạnh đúng mực và mang đầy văn hóa và triết học của các cụ ta thời xưa trong việc “dự đoán tương lai” như chuyện “bốc dịch” hay “bói Kiều”.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn về tục “bói Kiều” (Đầu đề và các tít trong bài do TT&VH đặt. Do khuôn khổ của bài báo nên TT&VH phải lược đi một số đoạn mô tả cách bói)

Bói Kiều xuất hiện từ bao giờ?
 
Không có tài liệu chính xác về việc khi nào “Truyện Kiều” được dân chúng Việt nam dùng làm công cụ tâm linh để xin một lời dạy về tương lai, tìm một hướng dẫn để sống ở đời.

Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng việc Truyện Kiều được dùng làm sách bói sau khi tác phẩm này được khắc in trong chữ Nôm vào cuối thế kỉ 19, và trong chữ Abc vào đầu thế kỉ 20.

Trước khi thành sách bói, Truyện Kiều đã đi qua những giai đoạn được dân chúng học thuộc lòng qua truyền miệng, được dùng nguyên văn hoặc ứng tác trong hát hò đối đáp giữa trai gái trong sinh hoạt thường ngày, và lưu lại trong ca dao. Rồi các nhà nho vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều. Khi sức cuốn hút của Truyện Kiều đã chinh phục cả dân tộc, thì nó đã thành một phần của tâm hồn mọi người, thành người bạn thân thiết cho những ai gặp cảnh ngộ phong trần, éo le, nhục nhã, khốn đốn. Truyện có hậu, vì sau chót Kiều được thoát khỏi lầu xanh, đoàn tụ với gia đình và người tình xưa. Tuy nhiên, đại bộ phận của truyện là mô tả quãng đời luân lạc, nhất là xoáy vào nội tâm của một người đàn bà, chịu nhiều tầng áp bức và oan khuất.

Ta có thể đoán mà không sợ sai rằng những người trân trọng yêu quý Kiều nhất, ngoài một thiểu số văn nhân trí thức, thì những người đàn bà, cũng là những người thuộc lòng Truyện Kiều nhiều hơn cả.

Bói Kiều nảy sinh trong hoàn cảnh vừa thân thiết, vừa mắc vào những trầm luân khổ ải của cả xã hội, khi trật tự cũ tan tành và trật tự mới còn đang giằng co chưa được thiết lập-tức là sau khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ, trùng hợp với Thế chiến I (1914-1918) và trước khi Việt Nam độc lập sau Thế chiến thứ II.

Tài liệu sách in về bói Kiều hiện còn giữ được sớm nhất là “Sách bói Tập Kiều kiến nghiệm”, không thấy đề tên tác giả, in tại nhà in Vũ Thắng, số 50c phố Bảo hộ, tỉnh Nam định, xuất bản năm 1937, dày 37 trang với giá 0$15.
 
Sách này cũng được nhà in Mĩ Thắng xuất bản cùng với những tựa đề như “Tử vi chỉ nam”, “Tử vi văn vần” “Tiền định và Tam thế diễn cầm” - cũng như với những tiểu thuyết và kịch bản như “Một lòng giữ nghĩa”, “Tấm lòng son” và các kì tình tiểu thuyết như “Tiếu trung duyên diễn giả”, “Duyên nợ éo le”, các trinh thám tiểu thuyết như “Dễ có mấy tay”, “Bảo thạch hành”, “Xác người biến mất”, “Cẩm huê nữ sĩ”, “Duyên số nàng Lan”... Tất cả những cuốn trên đều không thấy quảng cáo gì tên tác giả, trừ hai cuốn cuối ghi là của M. [Mousieut tức ông] Thường.

Bói Kiều theo sách

Sách bói trên rõ rệt là của một nhà nho, quen biết với phép bói quẻ dịch như những sách “Mai Hoa dịch số” của Thiệu Khang Tiết đời Tống bên Trung Quốc - vì sách cũng dựa vào Bát Quái, Thập Can, Ngũ Hành, Tam Kì,... Các việc muốn cầu hỏi được xếp làm 18 điều (8 quái + 10 can) đánh số từ 1 đến 18 (...)

Người bói chọn 1 trong 18 điều để xem quẻ bói, rồi lấy hai đồng tiền (tiền xưa gọi là trinh, hay tiền nay gọi là đồng xu) gắn vào đĩa hay khay để xem sấp hay ngửa. Đều ngửa cả là Dương, tức Thiên. Nếu sấp cả thì Âm, tức Địa. Nếu một sấp một ngửa, là vừa âm vừa dương, tức Nhâm.

Sau khi đã có những Tam tài, chọn một trong 5 chữ Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Kết hợp chữ đầu về 8 quái và 10 can, rồi hiệp với Tam tài và Ngũ hành sẽ có 4 bảng tra số mục để tìm câu ứng với nghiệm (...). Toàn sách bói này chỉ có 54x5=270 câu lục bát (tức là 540 hàng) cho 270 số mục. Tức là chỉ sử dụng 1/7 văn bản.

Đây là một cách bói vừa phiền toái, vừa hạn hẹp nên không được phổ biến và đặc trưng cho lối muốn chuyên nghiệp hoá và đòi hỏi công cụ cũng như trung gian phức tạp nên chúng bị đào thải.

“Bói Kiều” theo cách dân gian

Dân chúng có một cách bói giản tiện, trực tiếp, và phong phú hơn nhiều và đây là cách bói phổ thông còn tồn tại đến nay.

Phản diện vì chỉ cần một cuốn Kiều, không cần dụng cụ về bảng tra nào khác, cũng như những danh mục Bát quái, Thập can, Tam tài, Ngũ hành.
 
Trực tiếp vì người đi thẳng vào tác phẩm, không qua một trung gian nào khác.

Phong phú vì toàn văn Truyện Kiều được sử dụng với đầy đủ 3254 hàng (tức 1627 cặp lục bát)

Cách bói Kiều bình dân rất đơn giản và thuận tiện như sau:

(1)- Lấy một cuốn sách có in đầy đủ văn bản Truyện Kiều, bằng chữ Nôm, hoặc chữ Abc đều được.

(2)- Quyết định muốn xin một quẻ bói về vấn đề gì đang quan tâm, thắc mắc, hoặc hồ nghi và muốn được tư vấn tất cả mọi việc đều có thể hỏi, càng chi tiết càng cụ thể càng tốt, và chỉ một việc mà thôi.

(3)- Ngồi ngay ngắn trước bàn, có thể thắp nhang hoặc trầm cho thêm phần trang nghiêm. Khấn 3 câu:
Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên
Lạy tiên Thuý Kiều

(4)-Xưng họ tên, tuổi, và ngày tháng năm xin quẻ bói cũng như vấn đề muốn xem. Việc xưng này có thể thành tiếng, hoặc âm thầm trong lòng chỉ mình hay biết.

(5)-Chọn trước một tay làm chuẩn, tay mặt hay tay trái đều được, nhưng phải chọn trước một tay.

(6)- Định thần, an tĩnh sau một vài phút cầm sách, và dùng hai ngón tay cái mở cuốn sách ra.

(7)- Ngón tay cái của bàn tay phải hoặc trái (đã chọn được) mở ngay vào trang nào và hàng nào thì lấy từ đó xuống đủ 4 hàng làm quẻ bói. Mỗi quẻ bói phải bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát.

(8)- Quẻ bói gồm 4 hàng (tức 2 cặp lục bát) đó sẽ là nội dung của lời tư vấn cho vấn đề đang muốn hỏi.

Mỗi người trong hoàn cảnh của mình sẽ thấy giải pháp trong đó. Nếu không rõ lắm thì có thể nhờ người khác giúp phần cắt nghĩa đoạn văn và áp dụng vào trường hợp cụ thể của mình.

Người càng có trình độ, càng từng trải, vì càng có công phu và đạo đức thì càng đáng tin cậy trong việc giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của quẻ bói, không nhất thiết là người phải có bằng cấp hoặc địa vị cao trong xã hội.

Theo lời dặn của những vị cao tuổi của các thế hệ trước cách giải nghĩa và áp dụng đoạn văn lấy làm quẻ bói hoàn toàn độc lập với nội dung, cốt truyện và tình tiết của Truyện Kiều. Đoạn này nên hiểu theo nghĩa đen và chỉ phân tích văn bản (telextralanalynis) như cách phê bình văn học không nệ vào đời tư của tác giả hoặc những gì ngoài văn bản.

Quẻ bói Kiều chỉ là lời cảnh báo

Ta cũng chỉ nên bói Kiều khi đích thực hoang mang hoặc hồ nghi vì việc bói là để giải quyết sự chưa quyết định. Nếu bằng lí trí, hoặc ý thức mà ta đã rõ vấn đề thì không được bói vì sẽ không có ý nghĩa gì. Nói cách khác, khi ta thấy hai hoặc nhiều con đường mà chưa biết lựa chọn con đường nào, tức là chúng đều mờ mịt hoặc mang xác suất tương đương như nhau thì mới cần bói một quẻ. Bói như thế là thêm vào cái như nhau kia, chúng ta có thêm một lời khuyên, một sự soi sáng của thiên tài văn học Nguyễn Du và áng thơ bất hủ của dân tộc, khiến cho cán cân không còn tương đương nữa, mà có bên nặng bên nhẹ.

Mỗi quẻ bói Kiều có giá trị trong một năm và mỗi việc cũng chỉ được xem một lần. Nếu ta bói hết quẻ này đến quẻ khác để hỏi về một việc, hoặc nếu ta không ưng với quẻ này mà cố tìm quẻ khác thì sẽ có phản tác dụng là chỉ gây cho ta thêm hoang mang chứ không giúp tăng thêm phần quyết định. Tuy nhiên có thể bói vào quẻ cho vài vấn đề thắc mắc riêng biệt, thí dụ: tình duyên, gia đạo, học hành, thi cử, tiền tài, công danh, bằng hữu, kiện tụng, du lịch, hợp đồng, mua bán, xây cất...

Đạo lí của việc bói Kiều là: (a) quẻ bói có thể soi cho ta thấy tương lai có thể xảy ra như thế nào; hoặc (b) quẻ bói không phải là một cái gì tiền định bất biến và không thể thay đổi mà chỉ là lời cảnh báo để ta suy nghĩ và xét lại những gì đã làm và sắp sửa làm. Vậy thì qua quẻ bói chúng ta có thể điều chỉnh ngay chính hành xử của mình và chín chắn, trưởng thành hơn.

Bói Kiều - cơ hội để gần gũi với thi hào Nguyễn Du

Trong nhiều tác phẩm văn học, chỉ có Truyện Kiều với sự phong phú của mọi khung cảnh xã hội, và sự đa phức về nội tâm, từ một cô gái ngây thơ, một người sa chân lỡ bước, một Mã Giám Sinh lừa gạt, một Tú Bà con buôn bất kể lương tâm, một Sở Khanh gian trá, một Thúc Sinh si tình dại gái, một Hoạn Thư đanh đá bảo vệ bản thân và sẵn sàng phạm mọi tội ác, cho đến một Từ Hải anh hùng, một Hồ Tôn Hiến quỷ quyệt, một Giác Duyên từ bi và sáng suốt, một Thuý Vân hiền thục, một Kim Trọng chung tình... muôn màu muôn vẻ. Trên hết là Thuý Kiều thân thiết với dân Việt nam như người bạn chia sẻ tâm sự cho nên những áng văn tuyệt diệu nhưng chỉ có một cung điệu như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm khúc, không thể trở thành sách bói. Lục Vân Tiên tuy nhiều tình tiết nhưng quá thiên về hành động mà không đặt nặng phân tích tâm lí nên cũng không được cơ hội làm sách bói cho mọi người.

Ngày xuân, các bạn thử mở cuốn Truyện Kiều và xin một quẻ bói đầu năm cũng là một cơ hội để gần gũi với thi hào Nguyễn Du và cô tiên Thuý Kiều.

                                                                                 Theo TT&VH








Các bài mới
Các bài đã đăng