Xôn xao bởi lẽ đây là chuyện chưa từng có ở đây. "Kịch bản" của vụ việc cũng na ná như lần xảy ra với tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư. Cũng ý kiến cho rằng tác phẩm mô tả diện mạo ĐBSCL quá u ám. Liệu lần này nữa, tác phẩm lại đứng vững và trở nên nổi tiếng?
Lỡ hẹn ngày trao giải
Ngày 20.2 vừa qua, tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (LHVHNT) TP.Cần Thơ (đơn vị đăng cai cuộc thi thơ ĐBSCL 2009, được tổ chức 3 năm 1 lần), Ban tổ chức và Ban chung khảo đã công bố kết quả cuộc thi. Theo đó, “Trăng nghẹn” của nhà thơ Hoài Tường Phong đoạt giải nhất. Dự kiến lễ phát giải diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày thơ VN.
Tuy nhiên, ngay sau đó có ý kiến cho rằng bức tranh trong bài thơ này là quá u ám, chẳng hạn như các câu thơ: “Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê/Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu/Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu/Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi/Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi/Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất/Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất/Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”.
Theo một thành viên trong BTC, sau khi lắng nghe dư luận, những người có trách nhiệm đã xem xét và nhận thấy nội dung bài thơ không có gì nghiêm trọng, vẫn tổ chức trao giải theo kế hoạch, chỉ có điều tại lễ trao giải sẽ không diễn ngâm bài thơ “Trăng nghẹn”. Thế nhưng, sau đó dư luận càng gay gắt, BTC đã phải đình lại lễ trao giải. Để rồi ngày 3.3, Ban Thường vụ Hội LHVHNT TP.Cần Thơ tổ chức cuộc họp mở rộng để xem xét lại vụ việc và thiên về ý kiến không trao giải nhất cho “Trăng nghẹn”.
Ngày 5.3, ông Phan Huy – Chủ tịch Hội LHVHNT TP.Cần Thơ, Trưởng BTC cuộc thi thơ ĐBSCL 2009 – cho biết, đến thời điểm này ông vẫn chưa ký quyết định rút giải nhất đối với “Trăng nghẹn”. Ông thừa nhận Ban Thường vụ Hội LHVHNT TP.Cần Thơ có họp và đề xuất việc này, nhưng trưởng BTC mới là người có quyền quyết định cuối cùng. Trả lời câu hỏi liệu có sức ép nào đó hay không, ông Phan Huy khẳng định chưa, nhưng dư luận phản ánh thì phải lắng nghe. Còn tác giả bài “Trăng nghẹn” cho biết, ông đã được người có trách nhiệm mời gặp và vận động rút khỏi giải thưởng, với lý do “chưa nghiên cứu kỹ nên viết bài dự thi có vài điểm không phù hợp với tiêu chí cuộc thi”. Tuy nhiên sau 4 lần gặp (trực tiếp hoặc qua điện thoại), tác giả vẫn giữ lập trường: “Kết quả chấm là của Ban giám khảo, quyền quyết định là của BTC, tác giả không có ý kiến”.
Trong khi đó, một thành viên trong Ban chung khảo cuộc thi cho biết, dù không được yêu cầu chính thức, nhưng có được gợi ý xem xét lại kết quả chấm thi. Thế nhưng, cả 3 thành viên trong Ban chung khảo đều bảo lưu kết quả của mình. Theo họ, bài “Trăng nghẹn” có chất lượng vượt trội so với các tác phẩm đoạt giải khác, cả 3 thành viên đều đánh giá cao. Nhà văn Khai Phong – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, Phó BTC cuộc thi – cho biết, ông luôn tôn trọng sự thẩm định của Ban giám khảo, gồm những nhà thơ có uy tín. Ông hy vọng sẽ không có gì thay đổi, giải nhất sẽ được trao cho “Trăng nghẹn”.
“Cánh đồng bất tận” trong thơ?
Trước đây, khi “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư ra đời, cũng đã từng bị phản ứng gay gắt vì những gam màu tối trong bức tranh ĐBSCL. Người ta cho rằng tác phẩm đã “phóng đại cái xấu” ở ĐBSCL. Nhà thơ Lê Chí – thành viên Hội đồng Thơ thuộc Hội Nhà văn VN kiêm Trưởng liên chi hội Nhà văn VN khu vực ĐBSCL – cho rằng, những phản ứng với “Trăng nghẹn” hiện nay và “Cánh đồng bất tận” trước đây là do chúng ta có thói quen ngại nhìn vấn đề trái chiều”. Ông nhận xét: Trăng nghẹn dẫu chỉ là lát cắt vùng đất này bằng nỗi đau sâu thẳm trong lòng, nhưng tiếc là lát cắt khá sâu và có phần nhấn mạnh, làm người đọc dễ hụt hẫng. Nhưng dù sao “Trăng nghẹn” cũng đem đến cho chúng ta những điều không dễ gì quên và thật đáng suy ngẫm”.
Theo LĐ
|