Có thể coi đây là một công trình nghệ thuật đầy tâm huyết và... tốn kém của một họa sĩ trẻ đam mê và nhiều duyên nợ với đề tài lịch sử - để chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước đó, phác thảo của bức tranh kỷ lục này từng được trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2008.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn tốt nghiệp ngành "Tranh tường hoành tráng" của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh từng đoạt giải Philip Norrise (một giải thưởng Mỹ thuật ASEAN) cho bức tranh sơn dầu "Đêm trên bãi rác thành phố" vào năm 2000. Đầu năm 2007, Nguyễn Doãn Sơn đã có một triển lãm cá nhân tại 29 Hàng Bài mang tên "Bài ca lao động".
Nhưng theo Nguyễn Doãn Sơn tự nhận, anh là người rất "có duyên" với đề tài lịch sử. Một số bức tranh về đề tài lịch sử của anh nhận được những đánh giá tích cực của các nhà chuyên môn như bức "Âu Cơ - Lạc Long Quân", "Hoàn Kiếm"…
Bức tranh "Hoàn Kiếm" tái hiện tâm trạng suy tư của đức vua Lê Lợi, phía sau là anh hùng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn trước khi trả lại thanh gươm thần trong một buổi chiều tà trên hồ Lục Thủy... từng đoạt giải của Hội Mỹ thuật Hà Nội năm 2002. Bức tranh này đã được Nguyễn Doãn Sơn hiến tặng Thành ủy Hà Nội.
Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn vào một buổi chiều cuối năm trong tòa nhà là trụ sở của một công ty nằm trên đường Tôn Đức Thắng, nơi anh thuê làm xưởng vẽ để thực hiện "Hà Nội - Chiến lũy và Hoa". Cũng vì bức tranh có kích cỡ lớn quá, anh buộc phải treo nó chạy dọc trên tường của tầng 1 tòa nhà - nơi vẫn dùng làm chỗ để xe của cán bộ nhân viên công ty nọ. Ngày ngày anh phải… bắc thang, bắc giáo lên để thực hiện tác phẩm của mình.
Từ tháng 7/2008, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn bắt đầu căng toan, đóng khung, nhưng những bước chuẩn bị cho tác phẩm lớn này đã được tiến hành trước đó chừng một năm rưỡi. Vì bức tranh này là liền khổ nên anh không làm theo cách thông thường là dùng toan chịu lực mà phải dùng đến khung thép inox chịu lực. Theo tính toán của họa sĩ, đến khi hoàn thành, bức tranh này có tổng khối lượng ước tính lên đến… 1 tấn!
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn kể: Vào đầu năm 2007, trong một lần trò chuyện với người thầy của mình là họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo về cuộc chiến bảo vệ Hà Nội trước ngày tản cư năm 1946, Doãn Sơn nảy ra ý định sẽ vẽ một bức tranh khổ lớn về một Hà Nội hào hùng và bi tráng trong trận chiến năm ấy. Lúc đầu anh vẽ bức phác thảo bối cảnh tổng quát bằng chì than có kích thước nhỏ (130mx30cm).
Bức phác thảo này được trưng bày tại triển lãm thường niên của Hội Mỹ thuật Hà Nội cuối năm 2007 và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ đàn anh.
Lãnh đạo Hội rất ủng hộ việc Nguyễn Doãn Sơn triển khai thành bức tranh khổ lớn. Đây cũng là hành động thiết thực của một họa sĩ hưởng ứng cuộc vận động sáng tác mỹ thuật chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức.
Nguyễn Doãn Sơn đã dành rất nhiều thời gian để sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, hiện vật và nghiên cứu khá kỹ bối cảnh lịch sử của Hà Nội khi ấy để phục vụ cho việc tái hiện bức tranh. Trong đó, họa sĩ đặc biệt yêu mến tác phẩm "Sống mãi với Thủ đô" (tác phẩm lúc đầu có tên là "Lũy hoa") của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Vì thế, có nhiều chi tiết trong bức tranh này họa sĩ đã lấy cảm hứng từ câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện trong tác phẩm "Sống mãi với Thủ đô". Để thực hiện bức tranh này, quả thực họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn đã chọn một cách làm khó, đó là từ bức phác thảo đầu tiên, anh triển khai thành 5 bức tranh sơn dầu riêng biệt khổ thông thường trước khi "ghép" thành bức tranh lớn liền khổ.
Đến giữa năm 2008, Nguyễn Doãn Sơn hoàn thành và trưng bày 5 bức tranh nhỏ này cùng với bức phác họa tổng thể đen trắng tại 19 Hàng Buồm. Triển lãm nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên và cả những góp ý.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn gọi 5 bức tranh nhỏ này là 5 "trích đoạn", mỗi trích đoạn như một "câu chuyện nhỏ" trong câu chuyện hoàn chỉnh: "Trận chiến trên phố" là hình ảnh một góc thủ đô, trong đó họa sĩ lấy "nguyên mẫu" là hai dãy phố Hàng Bạc và Mã Mây trong khói lửa chiến tranh, phía xa xa là hình ảnh cầu Long Biên; "Em bé giao liên" là hình ảnh một chú bé liên lạc băng qua thành lũy đưa tin trong cuộc chiến; "Bên trong chiến lũy" là hình ảnh sinh hoạt bình yên hiếm hoi của các chiến binh khi cuộc chiến tạm ngưng tiếng súng; "Chiến lũy và Hoa" là hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn nhất, cũng là tâm điểm của bức tranh.
Đó là hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà với gánh hoa tươi và anh Vệ quốc đoàn trên nền đổ nát của chiến tranh; "Mẹ" là hình ảnh mẹ già tóc trắng chia tay những đứa con Vệ quốc đoàn của mình. Sự thành công của 5 bức tranh nhỏ này đã tiếp thêm nguồn lực để họa sĩ trẻ quyết tâm thực hiện bức tranh sơn dầu về đề tài lịch sử lớn nhất từ trước đến nay.
Từ khi bắt đầu căng toan cho đến khi hoàn thành, Doãn Sơn mất đúng 16 tháng. Mỗi ngày anh vẽ chừng 3 tiếng, thời gian còn lại anh làm các việc khác và đến khi hoàn thành, bức tranh gồm tới 296 chi tiết lớn nhỏ.
Nhiều chi tiết rất sống động, mang đậm màu sắc lịch sử ngàn năm của Hà Nội như một góc mái chùa, quả chông rơi, những viên gạch trang trí phát lộ từ hoàng thành, một góc phố, những ngôi nhà đổ nát điêu tàn trong đó có những bình hoa, câu đối… Trên cái nền ấy, hình ảnh quân và dân Hà Nội hiện lên vẫn mang đậm nét hào hoa, thanh lịch.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn tâm sự rằng: "Chính tôi cũng bất ngờ vì đã vượt qua khối công việc khổng lồ. Nhiều lúc tôi thấy mình kiệt sức. Tôi đam mê và dấn thân vào đề tài khó này như một cách làm để tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống vì Hà Nội thân yêu!".
Cũng có ý kiến cho là để vẽ một bức tranh lịch sử không nhất thiết phải làm cầu kỳ và nhiều chi tiết như thế, nhưng Doãn Sơn lại cho rằng, một khi đã là tác phẩm tâm huyết của người nghệ sĩ thì họ sẽ làm hết khả năng có thể, làm theo cách nào mà họ thấy tốt nhất. Đến nay, mức chi phí họa sĩ trẻ phải bỏ ra để hoàn thiện bức tranh đã lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chỉ tính riêng tiền thuê địa điểm, mỗi tháng Nguyễn Doãn Sơn đã mất đứt 5 triệu đồng. Đó là chưa kể tới số tiền phải bỏ ra để chuẩn bị cho triển lãm sắp tới. Nguyễn Doãn Sơn bộc bạch, anh vẽ bởi trong anh có sự thôi thúc phải làm một cái gì đó cho Hà Nội, chứ nếu tính toán thiệt hơn thì anh sợ rằng sẽ không làm được việc gì.
Vì thế, dù chỉ nhận được mức hỗ trợ sáng tác là 7 triệu đồng của Hội Mỹ thuật Hà Nội, nhưng anh vẫn quyết làm cho bằng được. Đến cuối năm 2008, giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" mà anh được trao có giá trị tiền mặt là 5 triệu đồng, nhưng theo anh số tiền ấy cũng chỉ đủ cho anh thuê xe chở tranh đi lại phục vụ mấy lần triển lãm.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn tâm sự: "Hoàn thành bức tranh là tôi thấy vui, thấy tự hào lắm rồi, vì tôi làm bằng tâm huyết, bằng niềm đam mê. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy rằng tôi làm người thân của mình lo lắng vì họ cho rằng tôi đã bỏ quá nhiều công sức vào đây mà bỏ qua nhiều việc đáng lẽ tôi phải làm cho gia đình riêng của mình".
Cũng theo Nguyễn Doãn Sơn, với bề dày lịch sử 4.000 năm, Việt Nam có nhiều câu chuyện lịch sử rất hay như câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy hay gần đây là câu chuyện về trận chiến Điện Biên Phủ. Nhưng để đưa những câu chuyện đó, sự kiện đó lên tranh, nếu người nghệ sĩ không đủ tầm khái quát, bức tranh rất dễ bị rơi vào dạng tranh… cổ động.
Bởi vậy, vẽ tranh lịch sử mang tính nghệ thuật rất công phu và người nghệ sĩ phải thăng hoa được trên cái nền lịch sử ấy mới thành công. Họa sĩ trẻ Nguyễn Doãn Sơn mong rằng, tới đây Nhà nước sẽ có những quan tâm và đầu tư thích đáng đối với mảng đề tài quan trọng này
Theo VNCA
|