Khi phim thương mại không hấp dẫn!
Từ 7 đến 14/3, khán giả được xem miễn phí nhiều bộ phim Việt Nam mà chỉ trước đây chưa đầy 1 tháng, vé xem phim còn được bán với giá gần 100 ngàn/vé như Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa teen và ngũ hổ tướng.
Thế nhưng, có một thực trạng đáng buồn là cả những phim mới với những cảnh phòng the táo bạo như Không cân sức cho đến những phim đã được các Liên hoan phim quốc tế trao giải này giải khác như Chơi vơi… cũng vẫn không đủ sức hấp dẫn kéo khán giả đến lấp đầy rạp chiếu vốn không lớn của Hội Điện ảnh tại 51 Trần Hưng Đạo và rạp Ngọc Khánh. Điều dễ hiểu vì sao những phim cũ như Được sống; 14 ngày phép; Bẫy rồng, thậm chí là Đừng đốt lại càng khó kéo khán giả tới rạp hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên trong những tối chiếu miễn phí những bộ phim tranh giải Cánh diều 2009, chỉ 1/3 số ghế trong các rạp là có khán giả. Buổi chiếu sáng và chiều lượng khán giả còn ít hơn. Trong những phim tham dự giải lần này, không nhiều phim có bứt phá trong tìm tòi, thể hiện cũng như về nội dung và không nhận được sự đánh giá cao từ khán giả. Những nụ hôn rực rỡ đáp ứng tiêu chí giải trí nhẹ nhàng phù hợp với dịp Tết nhưng không kéo được đông khán giả tới rạp. Bẫy rồng càng ít khán giả hơn cho dù cặp diễn viên chính của phim: Johny Trí Nguyễn- Thanh Vân vẫn được đánh giá là ‘hot’ trên báo chí.
Công chúa teen và ngũ hổ tướng đạt được doanh thu cao nhất trong dịp Tết vừa qua nhưng tại Hà Nội trong những ngày này cũng không phải là phim có thể hấp dẫn được đông đảo công chúng đến rạp. Lý giải điều này, một nhân viên chiếu phim của rạp chiếu Hội Điện ảnh cho biết: “Chiếu phim miễn phí là hoạt động thường xuyên của Hội trong nhiều dịp lễ chứ không phải chỉ trong dịp giải Cánh diều Vàng. Chúng tôi nhận thấy đối tượng thường đến xem là học sinh, sinh viên và những người ở tuổi đã về hưu. Phim thương mại, đơn thuần giải trí hấp dẫn được đối tượng học sinh, sinh viên thì không hấp dẫn đối tượng trung niên. Phim được tuổi trung niên thích thì ngược lại, không làm giới trẻ đến rạp được.”
Cuộc đua không cân sức!
Có một thực tế là cứ sau một mùa Liên hoan phim thì Cánh diều Vàng lại trở thành một vụ “nhai lại” với những cái tên đã cũ của mùa Liên hoan phim trước. Năm nay cũng không ngoại lệ, những cái tên cũ từ Bông sen vàng sẽ lại “chạy” về Cánh diều Vàng để tranh giải. Và, với những bộ phim chưa có gì đặc sắc, được xướng tên ở hết giải thưởng này đến giải thưởng khác, thì mỗi kỳ giải thưởng diễn ra chưa đủ trở thành mùa vui của những người làm và công chúng yêu điện ảnh.
Ngoài Không cân sức- bộ phim mới ra rạp đầu tháng 3 này, thì chỉ còn có 2 bộ phim mới ra rạp trong dịp tết vừa qua là Những nụ hôn rực rỡ và Công chúa teen và ngũ hổ tướng là phim mới. 5 phim còn lại đều là “người cũ” từ LHP Việt Nam lần thứ 16 và 4 phim: Đừng đốt, Chơi vơi, Bẫy rồng, 14 ngày phép đều đã rinh giải từ Bông sen Vàng. Một điều đáng tiếc là Khi yêu đừng quay đầu lại- một cách làm phim mới, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mới của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại không góp mặt trong mùa Cánh diều Vàng năm nay.
Không nhiều phim nổi bật, không có những khám phá, tìm tòi mới trong cách thể hiện, trong nội dung phim…, Cánh diều Vàng 2009 vẫn chưa đi đến hồi kết nhưng dư luận ái ngại rằng: rất có thể kịch bản của giải thưởng Bông sen Vàng sẽ lặp lại. Đến thời điểm này, khó có cái tên nào vượt qua được ‘Bông Sen Vàng’ Đừng đốt. Và cũng không ai nghi ngờ việc Bùi Thạc Chuyên lại được vinh danh lần nữa với vai trò đạo diễn xuất sắc nhất (Chơi vơi). Các giải thưởng khác như Quay phim, thiết kế cũng khó có thể ‘vuột’ khỏi những cái tên đã được giải trong Bông sen Vàng vừa qua. Khán giả chỉ còn háo hức chờ đợi ở giải thưởng , nữ diễn viên chính (phụ) xuất sắc nhất.
Lần này, không nhiều phim nổi bật để cạnh tranh. Vì thế, những cái tên như Minh Hương (Đừng đốt); Hải Yến (Chơi vơi) vẫn là các ứng viên sáng giá cho vai trò nữ diễn viên xuất sắc nhất. Giải nữ diễn viên phụ xuất sắc khó ai tranh được với Phạm Linh Đan- diễn viên đã có đẳng cấp quốc tế.
Không có phim nổi bật nên dường như giải thưởng Cánh diều Vàng vẫn chỉ là “dịp gặp gỡ của những người trong nghề” như ông Nguyễn Văn Tân- Chánh văn phòng Hội Điện ảnh thường xuyên nhấn mạnh. Vì vậy, đòi hỏi những phim hay, phim mới để mỗi mùa giải là một cơ hội phát triển điện ảnh Việt thì có vẻ như khán giả đã kỳ vọng và mong đợi quá nhiều chăng?
Theo Toquoc
|