Văn nghệ trong nước
Đền Hùng bị bê tông hóa
08:50 | 16/03/2010
Năm 2010, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) sẽ được tổ chức cấp quốc gia. Đây sẽ là một sự kiện trọng đại hưởng ứng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn là việc một di tích lịch sử quốc gia được xếp vào diện đặc biệt quan trọng, bất khả xâm phạm đang bị bê tông hóa, có nguy cơ thành một công viên. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng.
Đền Hùng bị bê tông hóa

Tình trạng bê tông hóa đã “ăn” sâu vào tận cổng đền Hùng. Toàn bộ cảnh quan trước cổng đã bị phá vỡ hoàn toàn.

* PV: Thưa ông, tại sao cả khu quần thể di tích khi xưa mang nét đặc trưng của vùng đất Tổ, giờ đây lại giống như là một công viên, nhà cửa kiểu mới khắp nơi, có nhiều công trình lạ?

* Ông NGUYỄN TIẾN KHÔI: Việc chúng tôi làm là không sai. Bởi vì di tích đền Hùng nằm trong khu vực được quy hoạch, bảo vệ nghiêm ngặt và tất cả việc tu sửa, đầu tư đều có Hội đồng Di sản văn hóa thông qua, Chủ tịch hội đồng là GS Lê Tiền Tiêu.

Tôi xin khẳng định, tất cả công trình ở đây, trước khi bắt đầu khởi công đều đã thông qua hội đồng di sản. Chẳng hạn như việc tu bổ đền Hạ, đền Trung, đền Thượng sau khi được hội đồng di sản văn hóa thông qua, chúng tôi mới bắt đầu lập dự án để trình lên Viện Tu bổ di tích Trung ương (Bộ VH-TT-DL). Như vậy, tất cả các đền đài xây dựng ở đây đã được thực hiện đúng quy trình.

* Vậy tổng số tiền đã đầu tư để xây dựng, cải tạo lại khu cảnh quan là bao nhiêu thưa ông?

* Những năm trước nhà nước đầu tư khoảng 50 tỷ đồng/năm song riêng năm nay đầu tư lên đến 250 tỷ đồng.

* Số tiền đó đã được dùng vào những hạng mục cụ thể như thế nào?

* Thứ nhất, để cải tạo sân vườn đền Thượng, vì trước đây chúng ta chưa mở, còn làm lan can dọc đường lên lại rất yếu. Năm ngoái, lượng người lên đông tới mức xô đẩy cả nhau, nếu mình không làm lan can, chắc chắn sẽ có nhiều người bị ngã. Do đó, để đảm bảo độ an toàn, chúng tôi còn phải làm lại cả những dầm thép lan can. Các trụ đá làm cũng không đơn giản, chúng tôi phải yêu cầu thợ khoan cốt thép bên trong.

Thứ hai, để cải tạo, tu bổ lại đền Trung. Cũng có nhiều người thắc mắc tại sao lại phá đền Trung từ nhỏ để làm thành to? Để giải thích, tôi phải nói về gốc gác lịch sử của đền Trung trước đây được làm rất to. Nhưng đến năm 1953, sau khi chiếm đóng, giặc Pháp đã đốt mất. Sau đó, vì không có tiền nên dân ta làm nhỏ lại. Bây giờ cần làm to ra. Không phải chúng tôi không giữ gìn các di sản.

Quan điểm của tôi là, nếu phát hiện được một mảnh gốm, một hoa văn dù nhỏ cũng phải để vào bảo tàng. Tôi không làm vô cớ mà có cả hội đồng di sản.

* Phần còn lại làm gì thưa ông?

* Chúng tôi xây dựng các hồ, công viên xung quanh di tích bởi ở đền Hùng có nhiều núi và rừng cây mà lại không có nước thì không đúng với phong thủy.

* Còn về rừng cây cổ thụ mang nét đặc trưng của vùng đất Tổ, tại sao lại phá đi cả một mảng để trồng lại mới, rồi làm công viên, sân bãi?

* Trước đây vào những năm 1960, rừng ở toàn bộ khu vực này đã bị chặt hết và trồng bạch đàn để làm cây nguyên liệu giấy! Ngoài ra còn có những cây nhập ngoại như xà cừ. Đây là vùng đất tổ tiên, tại sao lại không trồng cây bản địa? Do đó, vừa rồi chúng tôi mới xin chủ trương của Bộ VH-TT-DL cho cải tạo, đưa cây bản địa vào trồng, chẳng hạn như sấu, trám, đại, si, đa, phượng vỹ... Hôm nay, chúng ta thấy nham nhở như thế này, nhưng vài năm sau thì sẽ xanh um trở lại. Gìn giữ là gìn giữ ở chỗ ấy!

* Còn về việc cả con đường dẫn lên cổng chính đền Hùng cũng bị san ủi, trám đổ bê tông, rồi nhiều chỗ lại lát cả đá granit?

* Tôi phải lý giải là tôi đi tham quan di tích Thiên An Môn của Trung Quốc. Tôi thấy sân chầu của Thiên An Môn đã bị lõm xuống do có nhiều người qua lại. Ở đền Hùng cũng vậy, mỗi năm có tới vài triệu lượt người qua đây. Do đó, khi về tôi phải đề xuất sử dụng đá granit cho chắc chắn, có thể sử dụng được vài trăm năm. Còn ở khu bên dưới kia, trước đây chủ yếu chỉ lát đá, nên khi ô tô đi vào là bong hết cả. Bây giờ phải bóc lên để lót bê tông xuống dưới cho đảm bảo.

* Nhiều người cũng không hài lòng về việc giờ đây hành hương trở về đất Tổ mà lại bị thu tiền phí tham quan trong khi trước đây không có?

* Năm nay chúng tôi mới chính thức được thu phí (bắt đầu từ tháng 9-2009). Một vé tham quan cũng chỉ có 10.000 đồng. Riêng 10 ngày hội giỗ Tổ sẽ không thu phí. Việc không hài lòng về phí tham quan khi về đất Tổ chỉ là của số ít người thôi.

Chúng tôi có lý do của chúng tôi. Đó là hiện nay chúng tôi đang phải “nuôi” tới 300 quân, trong khi chúng tôi chỉ có được 100 người trong biên chế. Như vậy có 200 người tôi đang phải tự trả lương. Trong khi đó, tất cả điện chiếu sáng ở đây, Nhà nước không bao cấp, chưa kể vệ sinh môi trường, nước sạch để phục vụ hàng vạn người về lễ hội… Vậy không thu thì ai lo, ai làm, kinh phí ở đâu? Tiền công đức thì không được phép sử dụng bừa bãi, tất cả đều phải gửi vào kho bạc, làm dự án nào mới được rút ra. Vả lại, việc thu phí này cũng đã được HĐND tỉnh Phú Thọ thông qua.

* Cảm ơn ông!

                                                                                                                 Theo SGGPO






Các bài mới
Các bài đã đăng