Tên Nguyễn Bính xuất hiện trên văn đàn bằng giải khuyến khích của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trao cho tập thơ Tâm hồn tôi của chàng thanh niên 22 tuổi (1940). Ở ngay tập thơ ấy, “tâm hồn tôi” đã được Nguyễn Bính ghi tặng cho cô Oanh - một người đẹp đất Hà Đông: “Tâm hồn tôi là một bình rượu nhỏ/Rót dần dần, rót mãi xuống nàng Oanh/Không say sưa, nàng vẫn vô tình/Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ...”. Cho nên, “ghi tặng” cho... oai vậy thôi, chứ giai nhân này chưa hề trao đổi, chưa hề ước hẹn nửa câu với anh chàng thi sĩ đa tình. “Cô ấy” chỉ là người mà chàng thầm yêu trộm nhớ. “Nhưng yêu Oanh quá cho nên phải/Mơ chuyện thần tiên để dối mình...”. Năm 1941, Nguyễn Bính ra mắt tập thơ Hương cố nhân, trong tập thơ này có nhiều bài thơ dành tặng cho một người con gái tài hoa, mà Nguyễn Bính gọi nàng dưới nhiều cái tên: Hương, Mai Thơ, Tây Thi... thực ra đó là nữ sĩ Anh Thơ (tên thật là Vương Kiều Ân, do đó Nguyễn Bính còn lấy bút hiệu là Vương Kiều Mộc). Nàng cũng làm thơ, cũng viết về đề tài nông thôn và tập thơ Bức tranh quê của nàng cũng được nhóm Tự Lực Văn Đoàn trao giải khuyến khích. Những cái “cũng” hết sức tương đồng ấy đã đưa hai tâm hồn “vướng nợ thi nhân” này lại gần nhau. Một mối tình rất... thơ, nhưng cũng đầy trắc trở: “Em tôi be bé làm thơ/Tôi lo tiền cưới bao giờ cho xong...”. Nàng là cô tiểu thư vùng Phủ Lạng - Bắc Giang, nơi có con sông Thương “nước chảy đôi dòng”, còn chàng chỉ là thi nhân “khăn gói giang hồ”: “Em là con gái nhà giời/Tôi là con cái nhà người thường dân/Yêu em có vạn có ngàn/Nhưng cha không chứng cho bàn tay khôn!”. Rồi cay đắng: “Ai thề như mới hôm qua/Lấy nhau không được chẳng thà chết đi/ Mà thôi nhắc lại làm gì/Thế gian chán vạn kẻ thề có sao!”. Trách móc là vậy nhưng tâm hồn của nhà thơ cứ tơ tưởng về người con gái Phủ Lạng: “Cô Thơ, cô đẹp nhất làng/Nghe trời đổ gió may quàng áo bông/Lạnh rồi! Sắp sửa mùa đông/Người ta sắp sửa lấy chồng hay chưa?/Vội vàng chi mấy cô Thơ/Áo bông tuy ấm nhưng chưa bằng chồng/Tôi cầu trời mất mùa đông/Cố nhân xa lắm, áo bông rách rồi...”. Nhà văn Hoàng Tấn nhận xét : “Đây có lẽ là mối tình đau khổ nhất của Bính, cái khổ đau nó kéo dài suốt cả đời người, vì không khi nào viết văn làm thơ có dịp là Nguyễn Bính không nhắc đến Hương cố nhân: “Xây bao nhiêu mộng thế mà/Đến nay phải gọi người là cố nhân!”. Ít ai biết ngoài làm thơ, Nguyễn Bính còn viết 3 tập văn xuôi, đó là những tập Ngậm miệng, Hai người điên ở kinh thành và Không nhan sắc... Trong tập Ngậm miệng, Nguyễn Bính đã nói rõ hơn về “mối tương tư” cô Oanh Hà Đông, còn ở tập Hai người điên ở kinh thành là những bộc bạch về những gì Nguyễn Bính chưa nói hết trong Hương cố nhân. Riêng cuốn Không nhan sắc chỉ là viết để đùa ông anh ruột Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác) nhằm “phản pháo” khi ông anh viết cuốn Nhan sắc. Năm 1942, Nguyễn Bính lại có tập thơ Người con gái ở lầu hoa, dành tặng Tú Uyên, “địa chỉ” của nàng được nhà thơ tiết lộ: “Nhà nàng ở gốc cây mai trắng/Trên xóm mai vàng, dưới đế kinh/Có một buổi chiều qua lối ấy/Tôi về dệt mãi mộng ba sinh”. Nhà văn Hoàng Tấn “giải mã”: “ Nhà nàng ở Bạch Mai (gốc mai trắng), trên xóm mai vàng (Hoàng Mai), còn dưới đế kinh là dưới... Phố Huế!”. Hóa ra nàng Tú Uyên ấy chính là em gái của nhà văn Nguyễn Đình Lạp (tác giả Ngoại ô), tên thật là Nguyễn Thị Tuyên. Mỗi ngày đến tòa soạn, Nguyễn Bính đều phải đi qua nhà nàng, thế rồi cứ tự hỏi: “Ô hay, lòng cứ làm sao ấy/Có phải là yêu hỡi Tú Uyên?”. Tự hỏi như thế bởi thực ra nhà thơ và người đẹp cũng... chưa có gì! Chỉ là “để ý” thương thầm thế thôi, thế nhưng nàng Tú Uyên đã hiện diện trong khá nhiều bài thơ: “Nàng Tú Uyên ơi!/Cả một mùa mai trắng rụng rồi/Cả dạo đò sen đang nở rộ/Bốn mùa trơ lại một thân tôi” (Nàng Tú Uyên), hoặc: “Đêm đã khuya mà đường lại xa/Gió cuồng đổ xuống trận mưa hoa/Gió ơi, trời khóc hay tôi khóc/Nàng Tú Uyên ơi, cực lắm mà!” (Mơ tiên). Cho đến cuối năm 1943, Nguyễn Bính vẫn không thôi “khóc” nàng Tú Uyên: “Cây nào cũng đứng bóng trưa/Chuông nào cũng đổ trúng giờ mười hai/Rừng nào cũng nở hoa mai/Nơi nào cũng có hai người yêu nhau/Nhưng mà bất cứ ở đâu/riêng tôi vẫn đắp mối sầu thành non/Vẫn hằng khóc phấn than son/Vì trong thiên hạ không còn Tú Uyên” (Trường hận ca). Cuối năm 1943, Nguyễn Bính “hành phương Nam”, nơi đất khách quê người này trái tim đa tình kia lại thổn thức bởi một “đôi mắt nhung”. Đó là một cô gái có gốc gác hoàng tộc: Tôn Nữ Hoàng Trân. Nàng đẹp, nhất là đôi mắt như có hấp lực khiến cho thi sĩ cẩn bút: “Bao năm đi giữa kinh thành/Bao năm lẻ bóng, lẻ hình, lẻ đôi/Cả kinh thành có những ai?/Cả kinh thành có một người mắt nhung” (Đôi mắt nhung). Nàng Tôn Nữ cũng biết làm thơ, cho nên ít lâu sau trên tờ Đàn Bà của Thụy An (xuất bản ở Hà Nội) người ta thấy xuất hiện nhiều bài thơ đối đáp giữa Nguyễn Bính và Tôn Nữ Hoàng Trân. Tuy nhiên, mối tình này chỉ được một thời gian ngắn, rồi thì: “Người ngọc trao tay mảnh quạt vàng/Mở lòng một buổi gió thu sang/Tình yêu không cứ mùa mưa nắng/Những tưởng muôn năm Phượng sánh Hoàng... Nào ngờ duyên số vốn chia phôi/Quạt ước còn đây, hẹn lỡ rồi/Ai biết tình anh khi khép lại/Cũng là mảnh quạt cuối thu thôi...”. Rồi Nguyễn Bính trẩy đi Hà Tiên, ghé thăm cặp tri kỷ Đông Hồ - Mộng Tuyết. Tại đây nhà thơ đã có những ngày thật thơ mộng bên cô gái gốc Minh hương (những người gốc Hoa, theo phong trào “phản Thanh, phục Minh” phiêu dạt qua Việt Nam - NV), cháu ruột của nữ sĩ Mộng Tuyết, tên là Ngọc (chi tiết này đã được nhắc tới trong bài Từ gác Nam Phong đến bài thơ Xóm Rẫy kỳ trước)... (Còn tiếp). Theo Hà Đình Nguyên - TN |