Tới dự phiên khai mạc có ngài Ikuo Mizuki, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, ngài Hanzawa Shuichi, Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản (Japan Foundation) tại Việt Nam, G.S Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV- ĐHQG Tp HCM cùng hàng trăm giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Hà Nội, TP.HCM, Huế,…
Trong diễn văn khai mạc, GS Võ Văn Sen bày tỏ niềm vinh hạnh được đón tiếp các giáo sư, các nhà khoa học đến dự hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu quá trình hiện đại hoá văn học Đông Á và bày tỏ mong muốn qua hội thảo sẽ tạo được sự cảm thông, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, giúp các nước xích lại gần nhau hơn vì một khu vực Đông Á giàu mạnh. Trong các bài phát biểu của mình, ngài Ikuo Mizuki và Hazawa Shuichi đều đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này và cho rằng, giao lưu văn hoá, văn học là con đường giao lưu sâu sắc nhất, đồng thời khẳng định trên cương vị của mình, họ sẽ làm hết sức để thúc đẩy sự phát triển giao lưu văn hoá giữa các nước trong khu vực và giữa Nhật Bản với từng quốc gia.
Hội thảo đã nhận được 108 tham luận từ trong và ngoài nước gửi đến, 60 báo cáo đã được lựa chọn trình bày tại các phiên toàn thể và ở các tiểu ban. Các tham luận đã đánh giá khái quát những thành tựu của công cuộc hiện đại hóa trên các thể loại thơ, tiểu thuyết, kịch nói, lý luận phê bình và trên các lĩnh vực xuất bản, báo chí, giao lưu văn học ở các nước khu vực văn hoá chữ Hán, đồng thời chỉ ra những đặc trưng ở mỗi nước, đi vào phân tích, so sánh các hiện tượng văn học cụ thể... Nhìn chung, quá trình hiện đại hóa ở các nước Đông Á, cơ bản là giống nhau về điều kiện lịch sử khách quan và tiến trình từ mô phỏng, bắt chước mô hình phương Tây đến sáng tác thể nghiệm rồi bản địa hóa các yếu tố vay mượn. Sự khác nhau có chăng là ở tiến độ, hình thái, nội dung bị quy định bởi chủ thể nhận thức và đặc điểm lịch sử - xã hội - văn hoá của mỗi nước.
|
Đoàn chủ toạ phiên toàn thể (trái sang): G.S Huỳnh Như Phương, Trần Đình Sử, Võ Văn Sen, Ngài Ikuo Mitzuki, GS Nguyễn Tiến Lực, Đoàn Lê Giang
|
Qua 15 phiên thảo luận với tinh thần làm việc khẩn trương, vì học thuật, hội thảo đã làm sáng tỏ con đường hiện đại hoá văn học ở khu vực, từng quốc gia, nhấn mạnh sự gặp gỡ Đông Tây là “cơ duyên lớn” cho các nước Đông Á và thời hiện đại là “thời đại lớn” ở mỗi nước. Trong bài báo cáo tổng kết, G.S Huỳnh Như Phương nhấn mạnh: “Từ những góc nhìn và những chân trời học thuật khác nhau, những người dự Hội thảo đã cùng khẳng định công cuộc hiện đại hoá văn học các nước khu vực văn hoá chữ Hán cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có một tầm vóc quan trọng và một ý nghĩa bước ngoặt trong đời sống tinh thần các dân tộc ở Đông Á.” Và ông bày tỏ mong muốn “bằng sáng tạo nghệ thuật, bằng khoa học nhân văn, bằng văn học so sánh… góp phần củng cố nền hoà bình của các dân tộc, để cho con đường giao lưu của văn học thực sự là con đường của sự cảm thông và tình hữu nghị, trước hết là giữa các nước Đông Á, sau đó là giữa phương Đông và phương Tây trong thế giới hiện đại.” Cuối cùng, giáo sư đánh giá: “Hội thảo này như một cuộc kiểm kê văn học sử, giúp chúng ta có một nhận thức sâu sắc hơn về một giai đoạn văn học đặc biệt của khu vực để phóng cái nhìn về tương lai của văn học, qua đó, tương lai của đất nước và con người”.
Song song với tiến trình hội thảo, đã diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa Khoa Văn học và Ngôn ngữ (ĐH QG TP HCM) với các nhà khoa học là trưởng các phái đoàn. Tại cuộc gặp gỡ với PGS. TS. Anatoly Sokolov, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàm lâm khoa học Nga, nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga và TS. Nguyễn Huy Hoàng, cộng tác viên khoa học của Trường Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonoxov, hai bên đã ôn lại tình hữu nghị Việt - Nga thắm thiết qua nhiều thời kỳ. PGS. Anatoly Sokolov và TS. Nguyễn Huy Hoàng đã thông báo về tình hình nghiên cứu học thuật nói chung và tình hình nghiên cứu Việt Nam học nói riêng hiện nay ở Nga, đời sống sinh hoạt của nước Nga và đời sống của người Việt Nam đang sinh sống tại Nga. Hai bên cũng đã thảo luận những vấn đề có thể hợp tác như việc thực hiện một tự điển tra cứu về các nhà văn Nga, việc đào tạo người có thể nghiên cứu và dịch thuật văn học Nga….
Trong cuộc viếng thăm của mình, GS. Trần Ích Nguyên (Chen Yi-yuan), Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Chengkung (Thành Công), lãnh thổ Đài Loan đã dành thời gian nói chuyện với các giảng viên, sinh viên chuyên ngành Hán Nôm thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ về đề tài “Giao lưu văn học Việt Nam - Trung Hoa”. Trong cuộc gặp gỡ, PGS.Đoàn Lê Giang thay mặt cho Khoa Văn học và Ngôn ngữ đưa ra một số đề nghị về nghiên cứu giao lưu văn học Việt-Trung trong quá khứ, nhất là văn học của người Hoa ở Việt Nam, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên; mong muốn Đại học Thanh Công tiếp nhận, hướng dẫn, cấp học bổng cho giảng viên trẻ, sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ … GS. Trần Ích Nguyên đã đồng ý và sẽ dành một số công trình để cho giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong các cuộc trò chuyện thân mật, T.S Nguyễn Nam, viện Harvard - Yanching, Mỹ, cho biết, ông sẽ về Việt Nam để làm việc. G.S Ben Tran, Đại Học Venderblilt, Mỹ - người đang quản lí chương trình nghiên cứu về Đông Á, cũng bày tỏ sự quan tâm của mình đến văn học đương đại Việt Nam, đặc biệt là văn trẻ….Tuy vậy, trong hội thảo, các nhà nghiên cứu của chúng ta chưa ai dám đặt ra vấn đề nghiên cứu quốc tế về văn học Việt Nam như G.S Nhật Bản Nakagawa Shigemi đã trình bày trong bài tham luận: “Đọc văn học Nhật Bản ở châu Á- hướng đến nghiên cứu quốc tế về văn học Nhật Bản ở khu vực văn hoá chữ Hán”. Điều này không hẳn là do trình độ của các nhà nghiên cứu mà cái chính là văn học Việt Nam hiện đại chưa có nhiều tác giả, tác phẩm tầm cỡ để nhà nghiên cứu của chúng ta có thể đặt vấn đề một cách tự tin như vậy.
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, hội thảo đã thành công tốt đẹp mở ra triển vọng hợp tác nghiên cứu văn học mang tính khu vực, quốc tế cho mỗi nền văn học.
TRẦN TỐ LOAN
|