Văn nghệ trong nước
Góp phần “Chấn dân khí – Khai dân trí – Hậu dân sinh”
09:31 | 25/03/2010
Lễ trao Giải thưởng Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh lần thứ hai được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) ngày 24.3. Giải thưởng năm 2009 có 4 hạng mục: Giải thưởng dịch thuật (được trao cho dịch giả Phạm Vĩnh Cư và dịch giả Lê Anh Minh);
Góp phần “Chấn dân khí – Khai dân trí – Hậu dân sinh”
Lễ trao giải thưởng Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh - 2009

Giải thưởng nghiên cứu (nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm); Giải thưởng VN học (nhà Dân tộc học người Pháp Georges Condominas) và Giải thưởng giáo dục (nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại).

Đây là năm đầu tiên, quỹ có giải thưởng giáo dục và như nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng khoa học - thừa nhận: “Đây là một sự chậm trễ đáng tiếc”. Trong suốt gần nửa thế kỷ làm nhà giáo, GS-TS tâm lý học Hồ Ngọc Đại đã luôn kiên định với triết lý giáo dục của mình: Không lấy người dạy làm trung tâm, làm thước đo, mà phải thay đổi để lấy trẻ em làm trung tâm, lấy hạnh phúc của trẻ em làm lẽ sống. Đó mới là sự thay đổi cơ bản, để từ đó tìm xem trẻ em đến trường phải học cái gì và học bằng cách nào.

Nguyên lý này đặt ra những câu hỏi lớn kéo theo, chủ yếu xoay quanh vai trò của người thầy và công việc đào tạo giáo viên. Ông đã kiên trì đưa lý thuyết của mình vào thực tiễn suốt hơn 30 năm qua ở VN. Sự nghiệp của ông vô cùng khó khăn, gian nan và không ít rào cản cho đến tận ngày hôm nay.

Cái tên Phạm Vĩnh Cư không xa lạ với giới học giả, dịch thuật VN. Những công trình dịch thuật chính của ông: “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” (M.M.Bakhtin, nhà khoa học nhân văn lỗi lạc của nước Nga TK20); “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” (chủ biên, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp cùng nhóm dịch giả Trường viết văn Nguyễn Du) – đây là công trình tra cứu rất cơ bản và có uy tín; “Triết học đạo đức” - sách tập hợp 3 tác phẩm đạo đức học của 3 triết gia lớn TK20: Vladimir Soloviev (người Nga), Karol Vojtyla (Ba Lan) và Albert Schweitzer (Đức) do Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và dịch chủ yếu, có sự đóng góp của Từ Thị Loan.

Nhưng có lẽ, tác phẩm mà ông tâm đắc nhất, yêu quý nhất đó là “Siêu lý tình yêu” (V.Soloviev). Trong diễn từ nhận giải, Phạm Vĩnh Cư nói rằng: “ Ông (Soloviev – PV) đã giải đáp cho tôi rất nhiều câu hỏi, thắc mắc đeo đuổi tôi từ khi biết suy nghĩ mà những giải đáp ấy tôi không tìm ra được trong trước tác của các nhà tư tưởng khác mà tôi đã đọc trước đó.

Đấy là những giải đáp về ý nghĩa của sự tồn tại con người và thế giới; ý nghĩa của lịch sử nhân loại và số phận của từng cá nhân con người; những năng lực và hạn chế bản thể của con người; quan hệ cần có giữa trí tuệ, trí thức và đức tin; nguồn gốc và bản chất của cái thiện và cái ác và một loạt vấn đề hệ trọng khác mà mỗi một con người, dù sống ở đâu và trong thời đại nào, không thể không vật vã suy nghĩ...”.

Ông Phạm Vĩnh Cư càng tâm đắc hơn khi được nhận giải thưởng mang tên nhà văn hoá, nhà khai trí Phan Châu Trinh – người mà ông nhận thấy có nhiều nét tương đồng đến kỳ lạ, trong tư tưởng, với triết gia V.Soloviev.

Lê Anh Minh là một trong số không nhiều học giả uyên thâm về Hán học ở VN. Bộ “Lịch sử triết học Trung Quốc” (học giả Phùng Hữu Lan) cho người đọc thấy được sự uyên bác, cẩn trọng trong nghiên cứu, văn phong trong sáng, chính xác của người dịch. Từ khi ra đời (quyển 1 năm 1931 và quyển 2 năm 1934), bộ “Trung Quốc triết học sử” đã trở thành SGK trọng yếu của bậc đại học và cũng là tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực lịch sử triết học không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện bộ sách này được giới học thuật, sinh viên khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số độc giả phổ thông ở VN rất quan tâm.

Nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm gọi phần thưởng dành cho hệ thống công trình nghiên cứu của ông về văn hoá Chăm là “Giải thưởng dành cho sự khác lạ”. Trong bài diễn từ, ông nói: “Tôi nghĩ, phần thưởng không chỉ dành cho cá nhân tôi với vài thành tích khiêm tốn đạt được, mà hơn thế, nó còn là tiếng nói khích lệ các thế hệ sắp tới. Bằng tri thức mới, nhiệt tâm và nỗ lực mới, họ sẽ đi những bước đi mới, không kém trắc trở và gian nan, với hy vọng làm sống dậy nền văn hoá văn minh kia (của dân tộc Chăm – PV), như là một cách bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần vào đa dạng hoá nền văn hoá VN, rộng hơn – văn hoá nhân loại”.

Giáo sư Georges Condominas, vì lý do sức khoẻ không sang nhận giải được, nhưng ông có bài diễn từ hết sức cảm động về những lý do để ông gắn bó với VN đến thế. Trong đó, ông đã dùng rất nhiều cụm từ: “Tôi có may mắn...” để nói về những sự cộng tác, học hỏi và cơ hội rèn luyện nhân cách... trong thời gian ông đi thực địa ở VN.

Hai tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo” (1957) và “Kỳ lạ mỗi ngày” (1965) - kết quả của chuyến thực địa tại làng Sar Luk (Đắc Lắc) đã đưa ông  lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực dân tộc học và Việt Nam học. Nhà nhân loại học nổi tiếng thế giới Claude Lévi-Strauss đánh giá: “Chúng tôi ăn rừng...” đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”.

Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh - cho biết: Hệ thống giải thưởng nhằm khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hoá đặc sắc – nằm trong tôn chỉ mục đích của quỹ: Chung sức chấn hưng nền giáo dục nước nhà để từ đó canh tân dân trí và văn hoá. Tiếp tục thực hiện tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh: “Chấn dân khí – Khai dân trí - Hậu dân sinh”. 

Theo Trương Hoàng - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng