Cuộc thi được phát động từ tháng 2/2008. Sau gần 2 năm, Ban tổ chức đã nhận được 45 kịch bản sân khấu; 34 tác phẩm kịch múa và kịch múa ngắn; 58 tác phẩm âm nhạc gồm giao hưởng, hợp xướng và ca khúc. Tuy nhiên, ở cả ba thể loại, Ban tổ chức đều không chọn được giải nhất để trao thưởng trong lễ trao giải diễn ra sáng 26/3.
Nhận xét về Kịch bản sân khấu - thể loại có giá trị giải thưởng lớn nhất, Ban giám khảo đánh giá: "Các kịch bản về đề tài lịch sử tập trung xây dựng hình tượng một số vị anh hùng dân tộc, bản sắc văn hóa của các thế hệ cha ông trong lịch sử 1000 năm chống giặc ngoại xâm và dựng xây đất nước. Nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn được nhiều tác giả khai thác gắn với sự kiện dời đô, mỗi tác giả có cách nhìn riêng với những cốt truyện và hình thức thể hiện khác nhau nên hình tượng Lý Công Uẩn trong các kịch bản không bị trùng lặp và đơn điệu. Một số tác giả không minh họa sự kiện hay nhân vật lịch sử mà tập trung khai thác tâm tư, tình cảm, lý tưởng, khát vọng, những quyết định mang dấu ấn lịch sử của nhân vật để chuyển tải những thông điệp mới có tác động thiết thực đến đời sống xã hội và con người trong cuộc sống đương đại".
Đoạt giải nhì Kịch bản sân khấu, ngoài nhà văn Nguyễn Quang Lập còn có nhà biên kịch Chu Thơm với Giai nhân và anh hùng và Trần Đình Ngôn với Danh chiếm bảng vàng.
Thể loại Múa trao 2 giải nhì trị giá 40 triệu đồng cho nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh với kịch múa Mệnh trời tình đất, Thái Phiên với Ngọn lửa Hà thành.
Giải nhì ở thể loại Khí nhạc được dành cho Nguyễn Thiếu Hoa, tác phẩm Thăng Long ngàn năm hội ngộ, trị giá 40 triệu đồng.
Theo eVan
|