Văn nghệ trong nước
Tìm “nhà” cho tranh Trần Văn Cẩn
14:22 | 29/03/2010
Cả ngàn bức ký họa, sơn dầu, thuốc nước, sơn mài của danh hoạ Trần Văn Cẩn vẫn ngủ yên bao năm nay và có nguy cơ hư hỏng. Vợ ông, bà Trần Thị Hồng khao khát có một bảo tàng riêng để lưu giữ tranh của chồng.
Tìm “nhà” cho tranh Trần Văn Cẩn
Bà Hồng với những bức tranh phải xếp thành đống của danh hoạ Trần Văn Cẩn

Căn phòng được dùng để cất giữ tranh hoạ sĩ Trần Văn Cẩn là một căn phòng cũ kỹ, hơi tối tăm và ẩm thấp. Những bức tường đã ngả màu và loang lổ vết ố. Bà Trần Thị Hồng, chủ nhân của căn phòng giải thích đó là do nước mưa hắt vào. Chỉ cho chúng tôi thấy những chiếc thùng tôn và hộp cáctông đựng đầy tranh của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, bà Hồng thở dài.

Ước nguyện sinh thời của hoạ sĩ

Bà Trần Thị Hồng cho biết, sinh thời hoạ sĩ Trần Văn Cẩn ao ước có được một cái bảo tàng dù nhỏ để trưng bày tranh cho mọi người cùng thưởng thức. Ông không bán tranh ra nước ngoài cũng vì muốn dành riêng tranh mình cho công chúng Việt .

Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã ra đi được 16 năm nhưng tâm nguyện của danh hoạ bà Hồng vẫn chưa thực hiện được. Tất cả tranh của ông, ngoài một số bức bà treo trên tường trong căn phòng 20m2, số còn lại bà phải đóng khung cho vào thùng. Lương hưu chỉ đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc nên bà đành bảo quản tranh ông theo cái cách lạc hậu mà bà gọi là “buộc lạt” này. Bà kể, có giai đoạn mái nhà xuống cấp, nước mưa hắt vào trong nhà, tạt cả lên tranh. Xót lòng khi thấy những bức tranh ấy có nguy cơ hư hại, bà cắn răng bán đi một vài bức để có tiền sửa lại mái nhà. Giờ thì nước mưa không còn hắt vào nữa nhưng căn phòng ẩm thấp và quá nhỏ này không phải là chỗ có thể gìn giữ lâu dài những bức tranh của danh hoạ.

Nhiều bức đã phai màu do không được bảo quản đúng cách


Sẽ hiến tranh cho cá nhân, tổ chức nào xây dựng bảo tàng

Khát vọng có được một bảo tàng riêng trưng bày tranh Trần Văn Cẩn đau đáu trong lòng bà mỗi lần nhìn thấy nụ cười của ông trong bức chân dung treo trên tường. Sắp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, bà chỉ mong có ai đứng ra giúp bà làm một cái gì đó cho ông vì bà lực bất tòng tâm.

Bà Trần Thị Hồng tâm sự, cái bảo tàng đó không nhất thiết phải đặt ở Hà Nội mà có thể ở bất kỳ thành phố nào giới thiệu được tranh của danh hoạ Trần Văn Cẩn với quảng đại công chúng. Nếu bảo tàng được đặt ở một nơi gắn với du lịch thì càng tốt vì bà muốn giới thiệu tranh chồng với cả khách du lịch quốc tế. Bà sẽ hiến toàn bộ tranh cho tổ chức hay cá nhân nào đứng ra xây dựng bảo tàng. Nhưng trước mắt, nguyện vọng của bà là được quản lý, chăm sóc cái bảo tàng này vì bà muốn tiếp tục gần gũi những đứa con tinh thần của người đàn ông mà bà yêu thương nhất trên đời. Bảo tàng đó cũng không được bán đi bất cứ bức tranh nào của danh hoạ để toàn bộ gia sản ấy mãi mãi là của chung công chúng Việt .

                                                                                                                            Theo SGTT




Các bài mới
Các bài đã đăng