Văn nghệ trong nước
54 tác phẩm đoạt giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2009
09:03 | 01/04/2010
Không chỉ vinh danh những tác phẩm xuất sắc, lễ trao giải thưởng còn là dịp để những người hoạt động sân khấu nhìn lại những thành công và hạn chế cần khắc phục trong một năm lao động, sáng tạo...
54 tác phẩm đoạt giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2009

Lễ trao giải thưởng cho các kịch bản sân khấu và vở diễn đạt chất lượng cao trong năm 2009 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt tổ chức sáng 31/3. Không chỉ vinh danh những tác phẩm xuất sắc, lễ trao giải thưởng còn là dịp để những người hoạt động sân khấu nhìn lại những thành công và hạn chế cần khắc phục trong một năm lao động, sáng tạo...

Trong năm qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt đã nhận được 100 kịch bản thuộc các thể loại: kich nói, tuồng, chèo, cải lương và các loại đề tài khác nhau: lịch sử, truyền thuyết dân gian, chiến tranh cách mạng và cuộc sống hiện đại.

Nhận xét về các tác phẩm sân khấu trong năm 2009, đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang- Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật- Chủ tịch Hội đồng thẩm định và đề xuất giải thưởng Tác phẩm Sân khấu 2009 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng: Nhìn chung, trong năm 2009, sân khấu đã có sự khởi sắc, các đoàn nghệ thuật đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo.

Trong các kịch bản sân khấu, những vấn đề gai góc của lịch sử, những chặng đường khốc liệt, dữ dội của chiến tranh cách mạng, những góc khuất nhức nhối của cuộc sống hiện đại đã được phơi bày. Các tác phẩm về đề tài 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội cũng được quan tâm. Lịch sử cha ông đã được tái hiện với nhiều cung bậc khác nhau, với niềm tôn kính thiêng liêng như những nén hương được thắp lên bái vọng về một thời thử thách gian nan, sóng gió trước vận mệnh mất còn của dân tộc. Những hy sinh đau đớn mất mát, nhưng cũng là những niềm tự hào để hàng nghìn năm sau vẫn là những tấm gương chói lọi để con cháu soi vào. Ở mảng đề tài nào, các tác giả cũng cố gắng truyền đạt những điều cần thiết nhất, gửi đến người xem những mong muốn cho cuộc sống tốt đẹp lên, thánh thiện hơn.


Tuy vậy, trong các kịch bản sân khấu vẫn thiếu các nhân vật được sáng tạo, được mô tả một cách độc đáo, hấp dẫn, điển hình và gợi cảm. Trong các kịch bản, thiếu những tình huống để người anh hùng bộc lộ phẩm chất của mình, mà phần nhiều bộc lộ qua... giao đãi, qua chuyện kể lại, nên còn chung chung, thiếu sức thuyết phục.

Trong năm 2009 cũng là năm có nhiều hội diễn sân khấu như: Kịch nói và Cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chèo ở Quảng Ninh, Tuồng và Dân ca ở Đà Nẵng. Những đợt hội diễn này thực sự là cuộc đua tài của các đoàn nghệ thuật. Các đoàn nghệ thuật của hầu khắp các địa phương trong cả nước đã đem đến hội diễn những tinh hoa của mình, với những vở diễn được chau chuốt, sáng tạo bằng tài năng, bằng tâm huyết, mồ hôi và cả nước mắt... Có những vở diễn về đề tài lịch sử đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả về sự tinh tế, về những thủ pháp hài hòa, về những lối diễn gợi cảm. Một số vở diễn về đề tài chiến tranh và hậu chiến đã được dàn dựng một cách tài hoa, hoành tráng, công phu, đồng bộ, vừa bi tráng, vừa cảm động... Tất cả tạo dấu ấn trong lòng khán giả.

Tuy nhiên, cũng có những vở diễn còn tham lam, tản mạn, đi vào những chuyện vụn vặt bên lề, không tập trung vào chủ đề chính nên sa vào sơ lược, thiếu tính thuyết phục. Có vở diễn bình thường, nhưng khoác lên mình những điều đao to, búa lớn, triết lý mơ hồ. Thậm chí có những vở diễn tầm thường, nhếch nhác, với một lối diễn cũ kỹ, bông phèng...

Vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu, lý luận phê bình sắc sảo của những nhà phê bình sắc sảo, công tâm và hiểu biết.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao giải cho 12 kịch bản, 32 vở diễn sân khấu xuất sắc của năm 2009 và 9 cuốn sách nghiên cứu- lý luận về sân khấu.

Tiết mục "Đu quay" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã được giải thưởng của Hội Sân khấu Việt Nam vì đã giành giải vàng và giải khán giả yêu thích nhất tại liên hoan xiếc quốc tế được tổ chức tại Tây Ban Nha trong tháng 2 vừa qua./.

Giải thưởng cho Kịch bản sân khấu:

- Không có giải A.

- 2 Giải B: Giai nhân và Anh hùng- tác giả: Chu Thơm (Hà Nội); Cờ chuẩn Điện Biên - tác giả: Lê Quý Hiền (Hà Nội).

- 3 Giải C: Kẻ sĩ thời loạn- tác giả Bùi Vũ Minh (Hà Nội); Vua hai ngôi (Kịch bản Cải lương)- tác giả: Hà Nam Quang (An Giang); Vua điên (Kịch bản Tuồng)- tác giả: Đoàn Thanh Tâm (Bình Định)

- 6 giải C và 1 giải của Hội đồng nghệ thuật.

Giải thưởng cho các Vở diễn Sân khấu:

- 10 giải A, 22 giải B.

Về ấn phẩm, sách nghiên cứu- lý luận:

1 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 1 giải Khuyến khích.

                                                                                                                          Theo VOV








Các bài mới
Các bài đã đăng