Văn nghệ trong nước
Ngày sau mãi nhắc tên ông!
09:49 | 01/04/2010
Nhân 9 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001-1.4.2010), những bạn hữu của ông đã hồi tưởng
Ngày sau mãi nhắc tên ông!
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư Liệu

Cách đây nửa tháng, bà Phan Bích Diễm, nhân vật trong ca khúc nổi tiếng Diễm xưa của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn, trở lại Huế nên nhân sự kiện này những người bạn hữu của Trịnh Công Sơn đã tổ chức buổi gặp mặt để cùng nhau hoài niệm về nhạc sĩ họ Trịnh. Đặc biệt, trong buổi gặp thân mật này, có nhiều bạn thân của ông đã hát rất hay những ca khúc do ông sáng tác, trong đó có bài Để gió cuốn đi do chị Bảo Thiều, một giáo viên đã nghỉ hưu, trình bày. Bảo Thiều hát khiến người nghe xúc động không chỉ nhờ chất giọng hay mà còn bằng xúc cảm của một người có ít nhiều gắn bó với người nhạc sĩ tài hoa này.

Chớ coi thường khán giả

Chị Thiều bảo: “Mình hát mà cứ nhớ đến hình ảnh anh Sơn đã dạy mình từng câu, từng chữ trong bài hát này. Mấy chục năm qua rồi, bây giờ mỗi lần hồi tưởng lại, mình vẫn còn cảm xúc như buổi đầu học hát với anh”. Chị kể: “Bài hát này được anh Sơn sáng tác vào năm 1970. Khi đó tôi chơi thân với Trịnh Vĩnh Tâm, là em gái của anh Sơn, nên hay đến nhà anh chơi. Ngày đó tôi mới 16 tuổi, có chất giọng nên rất thích hát. Anh Sơn sáng tác bài hát này và chưa đặt tên. Anh hát thử cho các em gái của anh và tôi cùng nghe.

Tôi hát theo. Vì chưa quen nhạc nên có một số đoạn không chuẩn. Anh Sơn nhẹ nhàng bảo: “Hát bài này, kể cả những bài khác của anh sáng tác, em cứ để giọng hát tự nhiên, mộc mạc thì dễ thương hơn, dễ truyền được cái hồn của bài hát đến người nghe, đừng uốn éo, luyến láy làm chi. Em nhớ điều anh nói nghe”. Sau này dù ca hát không phải là nghề tôi chọn nhưng tôi vẫn đam mê và hát thành công nhiều ca khúc khác của anh, cũng như của các nhạc sĩ khác ở các sân khấu học đường. Và bao giờ tôi cũng thực hiện theo lời anh dặn.

Có lần tôi hát bài Em lễ chùa này (lời: Phạm Thiên Thư, nhạc: Phạm Duy) tại giảng đường Đại học Sư phạm Huế, do không thuộc lời bài hát, tôi phải nhìn vào bản nhạc để biểu diễn. Hôm ấy có anh Sơn dự. Kết thúc buổi diễn, không có những lời động viên, khen ngợi của anh dành cho tôi như những lần trước, lần này anh la tôi (la của người Huế nghĩa là mắng): “Lần sau, đã lên sân khấu là không được nhìn vào bản nhạc. Như vậy là em coi thường khán giả”. Tôi không phải là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng anh vẫn chỉ bảo rất tận tình. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi mà tôi nhớ mãi. Điều này đã giúp tôi trưởng thành hơn trong nghề giáo viên sau này, mà tiêu chí quan trọng của nghề là sự cẩn thận, nghiêm túc, tôn trọng đồng nghiệp, học trò...”.

Tiếc cho Hoa buồn

Một trong những người bạn thân từ thuở học trò với nhạc sĩ họ Trịnh là ông Trương Đình Thanh, nhà ở đường Phan Đình Phùng- TP Huế. Ông kể: “Tôi học cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Trường Thiên Hựu (Huế) thuở nhỏ. Sau đó, năm 1962, cùng thi đậu vào Trường Sư phạm Quy Nhơn. Khi đến Quy Nhơn, hai người ở chung một phòng trọ và gặp Hồ Quang Hải (tức nhạc sĩ Thanh Hải) đang học ở trường này. Cả ba người đều là những người hoạt động ca nhạc nổi tiếng ở Huế trước đây. Sau mỗi buổi học, ai cũng nhớ nhà nên cùng nhau ôm đàn hát để giải sầu. Đây là thời gian Trịnh Công Sơn sáng tác nhạc sung sức.

Ông Thanh cứ tiếc mãi một tình khúc khá hay, ca ngợi về tình yêu do Trịnh Công Sơn sáng tác vào một chiều trên bãi biển Quy Nhơn. Những nốt nhạc bật ra từ một chuyện tình buồn, lấp lánh bên một que diêm nhỏ bên cạnh nghiên mực học trò. Đó là bài Hoa buồn. Ông Thanh đã cùng tập, cùng hát với Trịnh Công Sơn, nhưng do không xuất bản nên bây giờ bị thất lạc. Thời gian trôi qua đã lâu, nên giờ ông Thanh chỉ còn nhớ được câu cuối của bài:“Ngày sau còn ai nhắc tên mình không?”.

Kiểu viết nhạc độc đáo

Ông Thanh cho biết Trịnh Công Sơn có một kiểu viết nhạc khá độc đáo là không dùng bút, giấy để kẻ nhạc mà dùng que diêm chấm mực rồi kẻ nhạc lên bao thuốc lá. Vừa nhả khói thuốc ông vừa kẻ nhạc. “Vì sao Moa lại kẻ nhạc khác người rứa”? (ông Thanh thắc mắc), Trịnh Công Sơn giải thích: “Như rứa, Toa mới có cảm giác hơn trong sáng tác”. Cứ sáng tác xong mỗi bài hát, có những bài chưa kịp đặt tên, là Sơn lại đưa cho hai người cùng tập. Sau đó cả ban nhạc tập chung. Trong đó có trường ca Dã tràng ca, anh vừa học vừa tranh thủ sáng tác, mất vài tháng mới xong. Đây là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn được ban hợp ca của trường trình diễn thành công sau đó.



                                                                                                                Theo NLĐO





Các bài mới
Các bài đã đăng