Đã hơn 20 năm nay, vấn đề bảo tồn phố cổ được đặt ra cấp thiết. Nhiều dự án đã được lập nhưng hiệu quả cũng chưa được bao nhiêu. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như vấn đề bảo tồn lại đang trở về vạch xuất phát khi các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc và quy hoạch vẫn loay hoay tìm câu trả lời: Bảo tồn cách nào?
Chưa có lời giải
Từ năm 2007, nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đến từ 3 trường đại học gồm Đại học Chiba, Đại học Nữ Chiêu Hòa và Đại học Tổng hợp Tokyo bắt đầu có những nghiên cứu về phố cổ Hà Nội.
Theo GS-TS Furukawa Yuchi, Đại học
Chiba
, câu hỏi “bảo tồn cái gì và tại sao phải bảo tồn” thì đã quá rõ ràng nhưng “bảo tồn cách nào” thì cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp một cách thấu đáo. Để trả lời cho câu hỏi này, hơn 3 năm qua, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã cùng Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị- Đại học Xây dựng chọn ô phố Hàng Buồm - Hàng Giày - Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến làm thí điểm.
Tại đây, nhóm nghiên cứu đo vẽ, phân tích các giá trị kiến trúc và không gian các ngôi nhà cổ trên phố, kết hợp điều tra xã hội học.
Lý giải cho việc làm tỉ mỉ này, GS Fukukawa Yuchi - trưởng đoàn nghiên cứu - cho rằng đã qua rồi cái thời chỉ quan tâm tới những cái tổng thể mà quên mất những chi tiết nhỏ, bởi bảo tồn văn hóa không thể tiếp cận một cách xa vời được. Phải gần với cuộc sống của người dân để hiểu người dân đang sống như thế nào, từ đó tìm ra nguyên tắc sống.
Dự án vẫn cứ là dự án
Cuối tháng 2 vừa qua, thêm một sự việc đáng tiếc nữa xảy ra khi ngôi nhà số 47 Hàng Bạc - một trong những ngôi nhà cổ được cho là giá trị nhất của Hà Nội - đã bị hỏa hoạn. Một gian của ngôi nhà, phần tập trung nhiều cấu kiện gỗ có giá trị nhất, đã cháy rụi.
Ngay sau khi sự việc này xảy ra, đã có nhiều câu hỏi xoay quanh tiến độ bảo tồn được đặt ra cho Hà Nội. Tại sao trong suốt 20 năm nghiên cứu, vấn đề bảo tồn vẫn chỉ dừng ở... các dự án và một vài thí điểm như ngôi nhà 38 Hàng Đào, 87 Mã Mây và gần đây là 51 Hàng Bạc.
Nếu cứ tốc độ này, bao giờ trên 1.000 công trình nhà ở có giá trị như Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thống kê mới được tu bổ, tôn tạo và đến khi nào người dân phố cổ mới được nâng cao điều kiện sống?
Hiện có thêm nhiều dự án nữa được Ban Quản lý phố cổ triển khai ở đây, như việc lập điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu phố cổ, tiếp nữa là dự án dãn dân. Dự án này nhằm giảm tải cho phố cổ bằng việc đưa một số hộ dân đến nơi ở mới là khu đô thị Việt Hưng. Theo chủ trương của TP Hà Nội, đây sẽ là khu đô thị mang đặc thù của người dân phố cổ.
Là một di tích quốc gia nhưng phố cổ Hà Nội lại là một di tích sống, trong phạm vi 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, có tới 84.000 dân. Đây cũng là nơi có mật độ dân cư cao nhất trong cả nước. Vẫn biết, công việc bảo tồn phố cổ Hà Nội không phải một sớm một chiều. Cái cần là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Và điều này, Hà Nội cần học kinh nghiệm từ Hội An.
Chất lượng sống quá thấp
Theo những điều tra của TS Utsumi Sawako, Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản, trong 102 ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội được chọn ngẫu nhiên để tìm hiểu, chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, số còn lại phải dùng chung với gia đình khác, đồng nghĩa với việc điều kiện vệ sinh cũng không được bảo đảm. 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng...
Giải pháp được đưa ra là nếu trong một số nhà, không có hộ dân nào chấp thuận chuyển ra ngoài sống thì khi cải tạo, mặt ngoài ngôi nhà sẽ được giữ nguyên, bên trong có thể xây thêm tầng, nới rộng không gian sống, cùng với việc bán các căn phòng này sẽ là nguồn thu cho việc cải tạo nhà.
Tiêu chí đầu tiên cho đề xuất cải tạo là đưa màu xanh trở lại với ngôi nhà bằng cách tạo một khoảng sân vườn nhỏ phía giữa lớp nhà thứ 1 và thứ 2.
Trong quá trình cải tạo, cũng phải xác định rõ nhà nào là di sản, để từ đó Nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ theo từng mức. Những giải pháp này đã từng được Nhật Bản áp dụng trong việc cải tạo lại tuyến phố cổ Takamasu, đây là tuyến phố buôn bán giống với Hàng Buồm.
|
Theo NLĐO
|