Văn nghệ trong nước
Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Danh hiệu còn là sự nhắc nhở
15:17 | 09/04/2010
Giữ gìn ký ức của cộng đồng chính là xây đắp con đường đến với tương lai. Nhân dịp Tổ chức UNESCO trao bằng chứng nhận 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám (HN) là di sản tư liệu thế giới, bà Katherine Muller-Martin - Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - đã dành thời gian chia sẻ với báo giới.
Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Danh hiệu còn là sự nhắc nhở
Bà Katherine Muller-Martin

 

Đại diện cho UNESCO trao bằng chứng nhận di sản giữa không gian di sản đồ sộ của Hà Nội, bà có cảm nhận gì?

- Mỗi tấm bia là một cơ sở dữ liệu. Những tấm bia này cho chúng ta thấy những thông tin về nền giáo dục Việt Nam trong vòng 300 năm qua và những thông tin chi tiết về mỗi kỳ thi trong các triều đại. Danh hiệu di sản thế giới một lần nữa khẳng định bề dày lịch sử và văn hóa của TP.Hà Nội.

Theo bà, đâu là ý nghĩa đương đại của những giá trị đã được tạo dựng qua thời gian?

- Ký ức đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng. Trong mỗi cộng đồng, ký ức được lưu truyền qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc vinh danh các danh nhân và tưởng nhớ các sự kiện lịch sử.

Chúng ta cần có một không gian và một khoảng thời gian để hồi tưởng và khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc. Do đó, ký ức của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, trong việc gắn kết quá khứ với hiện tại để hướng tới xây dựng tương lai. 

Phải chăng, ý nghĩa đó được thể hiện ở không gian này?

- Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ kính trong một khuôn viên xanh tĩnh lặng, rất lý tưởng cho việc suy ngẫm và học tập, nghiên cứu. Trong số các du khách tới tham quan có rất nhiều học sinh, sinh viên. Họ tới đây để bày tỏ niềm thành kính đối với các vị tiến sĩ của hàng trăm năm trước và tìm sự giúp đỡ tinh thần để vượt qua các thử thách trong hiện tại. 

Bà nghĩ sao khi bên cạnh việc giữ gìn ký ức, những thành phố như Hà Nội cũng đặt ra nhu cầu rất lớn cho phát triển kinh tế, đô thị?

- Chúng ta đều có thể nhận thấy sự thay đổi chóng mặt của Hà Nội, nhưng cũng nên lưu ý rằng không nên đánh đổi di sản và ký ức cho mục đích phát triển kinh tế và đô thị. Đối với các đô thị có bề dày lịch sử như Hà Nội, việc giữ gìn các nét đặc trưng đang là một thách thức lớn. 

Thưa bà, vậy đâu là một trong những mấu chốt của việc giữ gìn này?

- Xây dựng hồ sơ là một phần nhỏ trong quá trình công nhận và bảo vệ di sản. Việc công nhận cũng là sự nhắc nhở để tiếp tục bảo vệ. Và việc bảo vệ, giữ gìn này phải có cộng đồng chứ không phải là đóng lại, đưa di sản vào nhà kho. Phải giữ gìn cảnh quan môi trường cho di sản tồn tại.

Chúng ta cần khuyến khích sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ trong việc tìm một giải pháp hài hòa giữa việc bảo vệ di sản và nhu cầu phát triển. Nhân đây, tôi xin được kêu gọi người dân Hà Nội hãy chung tay đưa Hà Nội trở thành một thành phố sạch nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, gìn giữ các di sản văn hóa của Hà Nội để mọi người có điều kiện chiêm ngưỡng.

Theo Tú Nhi - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng