Văn nghệ trong nước
Sự trở lại của văn học kỳ ảo
15:38 | 09/04/2010
Tại Hội sách TPHCM lần thứ 6 vừa qua, trong danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất, ngoại trừ “Đảo mộng mơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi còn lại đều là tác phẩm văn học kỳ ảo và tác giả của chúng cũng đều là nhà văn nước ngoài.
Sự trở lại của văn học kỳ ảo
Văn học kỳ ảo ngoại

Sau khi tác phẩm Harry Potter chấm dứt, người ta những tưởng đã đến thời của văn học kỳ ảo, hàng loạt tác phẩm tự xưng là “người thay thế Harry Potter” đã rầm rộ xuất hiện với hy vọng thế chân, trở thành tác phẩm thiếu nhi ăn khách nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế lại khác với hy vọng, các tác phẩm văn học kỳ ảo với phù thủy, phép thuật không còn được đón nhận nồng nhiệt như thời Harry Potter nữa, hàng loạt tác phẩm mang phong cách huyền ảo xuất hiện rồi nhanh chóng chìm lỉm, thậm chí ngay cả những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm kỳ ảo cũng không mấy thành công như trường hợp của Eragon - Kỵ sỹ rồng.

Tuy nhiên, cũng không hẳn các tác phẩm kỳ ảo đã hết đất sống, bộ tác phẩm về mối tình giữa ma cà rồng và con người của nhà văn Mỹ Stephanie Meyer đã trở thành tác phẩm văn học kỳ ảo thành công nhất sau Harry Potter. Điều khiến tác phẩm này không thể vượt qua Harry Potter chính là bộ truyện chỉ tập trung vào bạn đọc lứa tuổi mới lớn, vốn ưa thích sự lãng mạn phi thực tế. Cũng vì thế, dù rất được độc giả lứa tuổi mới lớn yêu thích, bộ truyện Chạng vạng của Stephanie Meyer lại không được bạn đọc nhỏ tuổi hay trưởng thành đón nhận, ngay cả tác phẩm điện ảnh cũng cùng số phận như tác phẩm văn học.

Có điều chính từ Chạng vạng đã làm các nhà văn, những nhà kinh doanh sách phát hiện ra một hướng đi mới cho văn học kỳ ảo, đó là tập trung vào những độc giả ở từng lứa tuổi riêng biệt thay vì cố tìm những tác phẩm phù hợp với nhiều loại bạn đọc. Điển hình nhất của trào lưu này là tác phẩm kỳ ảo vừa được ra mắt bạn đọc của nhà văn Melissa Marr với nhan đề Vẻ đẹp nguy hiểm. Thay vì tình yêu đầy thử thách giữa người và ma cà rồng ở Chạng vạng, trong Vẻ đẹp nguy hiểm lại là mối tình đầy mạo hiểm giữa một cô gái loài người và một chàng yêu tinh đẹp trai.

Văn học kỳ ảo nội

Cũng giống như ở nhiều nước, văn học kỳ ảo tại Việt Nam cũng trải qua một quãng thời gian chật vật hậu Harry Potter, hàng loạt tác phẩm nước ngoài được dịch, nhưng lại không đạt được thành công như mong muốn. Đi đầu trong số này là NXB Trẻ với các tác phẩm Pháp thuật, Nhà giả kim, Nữ phù thủy, Malice, Âm phủ… không thể phủ nhận rất nhiều tác phẩm trong số đó có nội dung hay, hấp dẫn nhưng không có tác phẩm nào đạt được thành công dù chỉ là một phần như của Harry Potter ở Việt Nam.

Trong lúc nhiều người, nhất là những nhà làm sách đều nghĩ rằng văn học kỳ ảo đã hết thời thì tại Hội sách TPHCM lần thứ 6 vừa qua, sách văn học kỳ ảo lại bất ngờ dành được thành công.

Ngoài tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đứng đầu danh sách sách bán chạy nhất, hai tác phẩm văn học còn lại dành cho hai tác phẩm kỳ ảo là Kẻ cướp tia chớp của nhà văn Rick Riordan (NXB Văn học) và Vật chủ của Stephanie Meyer (NXB VHSG). Sự thành công của hai tác phẩm này được lý giải là do những nguyên nhân bên ngoài, Kẻ cướp tia chớp được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và trình chiếu tại các rạp ở Việt Nam ngay trước lúc khai mạc hội sách, còn Vật chủ thì thu hút độc giả vì tác giả vốn đã quá nổi tiếng qua bộ Chạng vạng trước đây. Ngoài ra, NXB Kim Đồng cũng thành công khi tung ra một loạt sách kỷ ảo mới như bộ Những cuộc phiêu lưu bất tận, Người vận hành thời gian, Chim kiếm… (ảnh).

Nếu trong thời gian Harry Potter đang lừng lẫy, văn học trong nước có Chuyện xứ Langbiang của Nguyễn Nhật Ánh khá thành công thì gần đây có Những đôi mắt lạnh của Phan Hồn Nhiên được bạn đọc trẻ đón nhận nhiệt tình. Thế nhưng, số tác phẩm đó còn quá ít so với nhu cầu của bạn đọc, cuộc thi văn học “Bước qua hai thế giới” của NXB Kim Đồng nhằm tìm kiếm những tác phẩm kỳ ảo trong nước đã kết thúc mà không tìm được tác phẩm kỳ ảo mới nào.

Văn học kỳ ảo, dòng văn học đang được bạn đọc quan tâm thì tại Việt Nam vẫn đang phải chấp nhận một khoảng trống các tác phẩm của những nhà văn trong nước.

Theo TƯỜNG VY - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng