Tại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cả với sự tích cực xin tài trợ, DNGHVN cùng với một số đơn vị khác sẽ dựng giao hưởng số 8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với cả gần ngàn nhạc công, diễn viên.
G.Mahler (1860-1911), sinh tại thị trấn Kalischt (CH Czech), trong một gia đình Do Thái nghèo. Ông sáng tác không nhiều, phần quan trọng nhất gồm có 10 giao hưởng (GH) tác phẩm nào cũng đồ sộ và có thể coi là người bắc cầu cho chủ nghĩa biểu hiện trong âm nhạc hiện đại. Chất liệu GH của ông một số dựa trên những bài dân ca cổ, có lúc lại ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc lãng mạn.
Hoà thanh trong GH của Mahler có sự nối tiếp đơn giản theo lối diatonique (toàn âm), có cả lối hoà thanh cromatique (bán âm), đôi khi là sự kết hợp theo lối phức thể và không phải là loại hoà thanh dễ hiểu. Mahler thích dùng nhịp điệu chậm và lối độc thoại kiểu hát nói của các nhạc cụ độc tấu. Có thể chia GH của ông làm 2 loại: Một mang tính chất thuần tuý khí nhạc, còn một loại kết hợp với thanh nhạc (song-symphony) - mở đầu cho một hình thức GH mới rất độc đáo, ảnh hưởng lớn với nhiều NS sau này.
Nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji quá quen thuộc với khán giả HN, là con nhà khá giả, ông yêu xứ VN, thuê căn hộ, ngày ngày “cơm bụi” để chuyên tâm dàn dựng cho DNGH từ nhiều năm nay!
Sang biểu diễn lần này còn có một số nghệ sĩ Nhật Bản: Koshigeo Mami, giọng soprano (nữ cao), nghệ sĩ kèn oboe Hirota Tomoyuki... rất nổi tiếng GH số 4 được trình diễn hôm nay là một GH dễ nghe nhất và nhiều người ưa thích nhất, có 4 chương, giọng G major (son trưởng), chương kết có phần trình diễn giọng soprano Koshigeo Mami, được phổ nhạc từ bài thơ “Wunderhorn”, nói lên sự mãn nguyện thơ ngây của trẻ thơ tại “Cuộc sống nơi thiên đường”.
Có thể xem GH số 4 là một trong những nỗ lực của Mahler gạt sang một bên cái thế giới trần tục đầy âu lo của người lớn, với những mưu sinh, sự thù hận đố kỵ, những nỗi cô đơn hiu quạnh, buồn tẻ... Mahler thể hiện những chương này bằng những giai điệu đồng quê hết sức trữ tình, nhưng cũng rất “kinh điển”. DNGH VN thể hiện khá thành công. Người đầu tiên đáng được ghi nhận là Trưởng dàn nhạc - nghệ sĩ violon Lê Hoàng Lan, trời cho cô cả nhan sắc, lẫn tài năng! Violon của cô lên cao hơn một tông so với đàn khác.
Nghệ sĩ oboe Nguyễn Hoàng Tùng mới về DN đã được giao bè trưởng. Cả chuỗi các biến tấu, Tùng chơi rất xót xa, Mahler nói đoạn nhạc này khiến ông nhớ đến người mẹ âm thầm chịu đựng, thường mỉm cười qua dòng nước mắt! Rồi nghệ sĩ kèn cor rất trẻ Tạ Tiến Đạt cũng rất đáng nhớ. Nhưng quan quan trọng hơn cả là công lao dàn dựng của nhạc trưởng tài hoa T.Honna.