Văn nghệ trong nước
Độc đáo bảo tàng y học cổ truyền
09:15 | 14/04/2010
Bước qua bậc cửa, khách thưởng lãm có cảm giác đang đứng trong một ngôi nhà rường rộng lớn cổ kính nhưng nồng ấm bởi hương thảo mộc nhè nhẹ lan tỏa, quấn quýt. Là bảo tàng y học cổ truyền đầu tiên tại Việt Nam, Bảo tàng FiTo (41, Hoàng Dư Khương P12, Q10) có dáng vẻ bề ngoài tĩnh lặng với hai bụi tre trồng hai bên cổng vừa tăng vẻ cổ kính, vừa gợi nét thanh bình, gần gũi. Nơi đây được ví như một thư viện về y học cổ truyền Việt Nam vì có hơn 3.000 hiện vật từ thời kỳ đồ đá đến nay…
Độc đáo bảo tàng y học cổ truyền
Kho sách tư liệu Hán Nôm về y học cổ truyền hơn 100.000 trang được lưu giữ tại Bảo tàng FiTo

Trang trọng và cổ kính
Bước chân qua khỏi bậc cửa, không ai bảo ai đều bước nhẹ chân, tránh gây tiếng ồn để không phá đi không gian tĩnh lặng, cổ kính của căn nhà. Bảo tàng gồm 1 trệt, 5 tầng, với 18 phòng trưng bày. Dùng gỗ làm nguyên liệu chủ đạo, các phòng được trang trí bằng tranh gỗ sơn nhũ vàng, giả tranh sơn son thếp vàng thời xưa.

Trang trọng giữa nhà là bàn thờ hai vị tổ ngành y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, hai bên treo các bức hoành phi, liễn đối bằng gỗ sơn son thếp vàng như bàn thờ tổ tiên của các gia đình khá giả xưa. Nhiều khung nhà có tuổi từ cuối thế kỷ 19 được chủ nhân, ông Lê Khắc Tâm sưu tầm từ các tỉnh phía Bắc và một khung nhà rường nguyên gốc từ Hà Nội chuyển vào.

Các lối cầu thang bộ được làm bằng một thứ gỗ đen tuyền. Cột, kèo, tay vịn cầu thang đều được chạm trổ tinh xảo, cả thang máy cũng được ốp gỗ và chạm khắc hoa văn tinh tế, được các thợ thủ công xây dựng trong 3 năm. Ở mỗi lầu, bảo tàng đều dành một khoảng không gian với cây xanh bóng mát và một số thảo mộc...

Tôn vinh y học cổ truyền Việt
Không chỉ làm công việc trưng bày, bảo vệ hiện vật gốc, Bảo tàng FiTo còn mang ý nghĩa tôn vinh nền y học cổ truyền Việt Nam. Bảo tàng hiện lưu giữ trên 3.000 hiện vật về y học, trong đó có nhiều vật quý như: Bộ sưu tập Dao cầu - Thuyền tán cách nay khoảng 2.500 năm, là dụng cụ để cắt thuốc thành những phiến mỏng; bộ ấm chén từ thế kỷ XVI dùng để sắc thuốc và uống thuốc được tìm kiếm ở Thanh Hóa; bộ cân - giã thuốc được sử dụng rộng rãi trong các tiệm thuốc thời xưa; bộ chày cối bằng đá của người Việt cổ dùng để bào chế thuốc...

Đặc sắc và đa dạng là bộ siêu được sưu tập từ khắp 3 miền đất nước. Hiện vật cổ nhất trong bộ sưu tập là phiến đá có dấu vết của thuyền tán, được tìm thấy dưới đáy sông Hồng có niên đại từ thế kỷ VI.

Thuyền tán thuốc bằng đá, thế kỷ 17- 18.


Bộ sưu tập ấm chén thuốc chủ yếu được sưu tầm từ các nhà thuốc cổ, trên còn ghi hiệu thuốc Lục Hòa đường - Chợ Lớn thế kỷ XIX. Và nhiều bộ sưu tập liên quan đến y học: cân thuốc, cối chày giã thuốc, siêu sắc thuốc, hũ ngâm rượu thuốc... cùng các hiện vật như triện gỗ in toa thuốc, chóe gốm Hoa Mai, toa thuốc...

Đặc biệt, bảo tàng còn tái hiện nhà thuốc Bắc và nhà thuốc Nam với quầy thuốc, đòn kê tay bắt mạch, cân để cân thuốc. Tủ đựng thuốc có 81 ngăn theo quan niệm con số may mắn của các nhà thuốc xưa, các thang thuốc treo trên quầy đều là các loại thảo dược tạo mùi hương dễ chịu. Bộ sưu tập hũ rượu thường dùng để ngâm rượu thuốc, bộ sưu tập ấm chén thuốc và bình trà, bộ sưu tập các hiện vật sử dụng rộng rãi trong các tiệm thuốc như chày cối, cân ta, cân tây, bàn tính, bản ván khắc toa thuốc.

Nơi đây còn sưu tầm và lưu trữ một kho tàng tư liệu sách Hán - Nôm về y học cổ truyền Việt Nam trên 100.000 trang, trong đó có bộ sách quý Y tông tâm lĩnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông; bộ tranh “Việt Nam bản thảo” dày 12 trang, mỗi trang có kích thước 0,5mx1,6m vẽ hình gần 2.000 cây thuốc Việt Nam

Công trình tốn nhiều công sức nhất của bảo tàng là bức tranh cây đại thụ Việt Nam Bách gia y được khắc chạm bằng gỗ, vinh danh tên tuổi 100 danh y có công đóng góp cho y học cổ truyền Việt Nam từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX… Tham quan xong, khách thưởng lãm còn được xem phim tài liệu về lịch sử y học cổ truyền Việt Nam.

Cuối cùng, Bảo tàng FiTo sẽ tiễn chân khách bằng một cốc trà linh chi sóng sánh đỏ, ấm áp... Nơi đây đã làm ngạc nhiên nhiều du khách quốc tế, cả những chuyên gia từ các nước có nền y học cổ truyền nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản…
Bảo tàng FiTo ra đời từ ý tưởng, lòng đam mê và quá trình sưu tập trong vòng 10 năm của chủ nhân Lê Khắc Tâm – làm việc ở ngành dược phẩm, với mong muốn góp phần bảo tồn những tài sản quý giá của ngành y học cổ truyền, đồng thời giúp cho những người quan tâm đến lịch sử y học cổ truyền Việt có thể tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.
Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận đây là bảo tàng y học cổ truyền đầu tiên của Việt Nam. Hơn 3 năm đi vào hoạt động, bảo tàng ngày càng được du khách quan tâm tìm đến. Năm 2009, Bảo tàng FiTo đón trên 3.500 lượt khách, du khách nước ngoài chiếm hơn 55%...

Theo Minh An - SGGP


Các bài mới
Các bài đã đăng