Văn nghệ trong nước
Những ký họa về ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn lần đầu tiên được công bố
10:10 | 26/04/2010
Lớp sinh viên các trường đại học nhập ngũ ngày 6-9-1971 có rất nhiều người đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quảng Trị vào những năm 1972-1973.
Những ký họa về ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn lần đầu tiên được công bố
Có những người may mắn từ chiến trường trở về, hiện đang giữ những cương vị quan trọng như Đinh Thế Huynh, UVTƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Quốc Triệu, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế... Và nhiều người lại trở về với giảng đường các trường đại học, cơ quan, đơn vị, họ là những cán bộ, công dân bình dị như bao người khác.

Một điều đặc biệt, cả hai đồng chí Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu và lớp sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đều tề tựu trong đội hình của Quân đoàn 2, nhất là Sư đoàn 325A. Sau này họ đều trở thành những người nổi tiếng như họa sĩ Lê Trí Dũng (Lữ đoàn xe tăng 203), Lê Duy Ứng, Trần Luân Tín, Nguyễn Hải Nghiêm, Trung Sơn...
Họa sĩ Trung Sơn (ảnh chụp năm 2005).
Họa sĩ Trung Sơn (Nguyễn Trung Sơn) sinh năm 1952, tại Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Khi nhập ngũ ông đang là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, được biên chế vào đơn vị trinh sát quân báo Sư đoàn 325, theo nguyện vọng của người cha, vốn là cựu chiến binh từng chiến đấu trong lực lượng an ninh quân đội thời kỳ chống Pháp.

Ông đã tham gia các trận chiến ở thành cổ Quảng Trị, thị xã Đông Hà và vùng ven biển Cửa Việt. Năm 1975, theo đội hình sư đoàn ông đã tham gia chiến đấu từ Quảng Trị theo trục quốc lộ 1A vào Thừa Thiên - Huế, đèo Hải Vân, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh và điểm cuối là thành phố Sài Gòn.

Vừa chiến đấu trong đội hình hành tiến, vừa tranh thủ ghi lại những thời khắc của lịch sử bằng nét bút tài hoa của người họa sĩ tương lai. Ông tâm niệm những phác họa, ký họa của người trong cuộc sau này nếu còn sống sẽ là những tư liệu vô cùng quý báu để dựng thành tranh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đi cùng Lữ đoàn 203 thiết giáp tiến vào giải phóng Sài Gòn, với nhiệm vụ phóng viên nhiếp ảnh của Báo Chiến sĩ giải phóng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Sau chiến thắng, cuối năm 1976, ông giải ngũ về trường học tiếp và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội với hai chuyên ngành: thiết kế mỹ thuật ứng dụng về đồ họa và trang trí gốm sứ mỹ thuật truyền thống. Về công tác tại Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông là tác giả sáng tác biểu tượng về du lịch một thời gian khá dài.

Với bản tính khiêm tốn, những ký họa sinh động và đặc sắc, chắc về bố cục, kỹ về chi tiết của họa sĩ Trung Sơn vẽ năm 1975 rất ít người được biết. Thuyết phục nhiều lần, họa sĩ Trung Sơn mới đồng ý cho công bố những ký họa chiến tranh của ông.

Sài Gòn ngày 30-4-1975 (ký họa bằng bút dạ màu).

Họa sĩ Trung Sơn đã tham dự nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế. Tranh của ông có trong sưu tập tại nhiều quốc gia: Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy không còn trẻ nữa, nhưng họa sĩ vẫn rất sung sức và luôn làm mới mình, sáng tác tranh chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ hai, khi ông tròn tuổi 60. 

Theo Cao Minh - SGGP





Các bài mới
Các bài đã đăng