Thông qua các loại hình nghệ thuật như ca, múa, kịch..., hoạt động này từng một thời thu hút khá đông người xem; nhất là bà con vùng nông thôn. Ấy nhưng, vài năm gần đây, khi người dân có nhiều sự lựa chọn các hình thức vui chơi giải trí, hấp lực của hoạt động TTLĐ ngày càng giảm...
Sức thu hút giảm dần
Hiện nay, ngoài Đội TTLĐ TP trực thuộc Trung tâm VHTT TP.Cần Thơ, tất cả 9 quận, huyện ở Cần Thơ đều có đội TTLĐ. Mỗi đội TTLĐ quận, huyện được giao chỉ tiêu lưu diễn trên 80 buổi/năm; riêng Đội TTLĐ TP số buổi lên đến 110. Có thể nói, tuy đối mặt với không ít khó khăn, toàn hệ thống vẫn duy trì được tần suất hoạt động.
Khả năng diễn xuất của một số diễn viên nòng cốt của các đội TTLĐ quận, huyện như Thu Nguyệt, Thùy Trang (Ô Môn); Anh Tuấn, Kim Huyên (Ninh Kiều); Chí Cường, Hồng Phương (Phong Điền); Thiện Ngôn, Cẩm Nhung (Cờ Đỏ)... đã ít nhiều gây được ấn tượng với người xem trong những năm qua.
Dù không nhiều, song vẫn có những kịch bản thông tin tạo được sự thích thú đối với khán giả. Kịch bản Hãy cứu lấy dòng sông của Đội TTLĐ Thốt Nốt với những tình tiết sinh động, chân thực “mô tả” thói quen sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm con sông quê nhà khiến... ai đó đều cảm thấy... chính mình cũng từng là “thủ phạm”!
Riêng hội thi, tới nay, TP.Cần Thơ đã 31 lần tổ chức. Tại hội thi lần thứ 31, theo ông Nguyễn Hoài Vân – Giám đốc Trung tâm VHTT TP.Cần Thơ, ngoài tính chất truyền thống “đến hẹn lại lên”, hội thi còn được xem như một cuộc sơ kết để đánh giá những kết quả bước đầu trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội TTLĐ trong toàn hệ thống.
Quả vậy, tại các hội thi gần đây, ngoài 2 phần thi chính, còn có nhiều hoạt động vệ tinh khác được tổ chức, như: Trưng bày giới thiệu sách, giao lưu (có thưởng) với khán giả, múa lân, tổ chức thi đấu TDTT, trò chơi dân gian...
Ấy nhưng, trong bối cảnh các hình thức nghệ thuật, phương tiện vui chơi giải trí hiện đại ngày càng chiếm lĩnh đời sống văn hóa, phương thức hoạt động truyền thống của các đội TTLĐ tụt hậu dần, số lượng người xem giảm mạnh. Qua các buổi lưu diễn và các chương trình tại hội thi, nhiều người xem cho rằng, hoạt động TTLĐ hiện nay hầu như thiếu kịch bản hay đủ sức tạo “điểm nhấn” cho từng chương trình.
Các chương trình thường rơi vào 2 xu hướng: Khô cứng, thiếu hấp dẫn do quá nặng tính thông tin, tuyên truyền hoặc quá nghiêng về yếu tố giải trí nên nội dung thông tin, tuyên truyền - vốn là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hoạt động TTLĐ – bị hạn chế.
Thiếu... đủ thứ!
|
Một tiết mục TTLĐ tại Hội thi TTLĐ TP.Cần Thơ lần thứ 31 |
Cách đây khoảng 18 năm, biên chế mỗi đội TTLĐ cấp huyện có khoảng 8 thành viên. Còn hiện nay, biên chế của hầu hết các đội chỉ có 2 người (một đội trưởng, một phó đội trưởng). Khi dàn dựng chương trình lưu diễn, các đội phải huy động lực lượng cộng tác viên tham gia với thù lao mỗi đêm diễn 60.000 đồng. Không chỉ thiếu con người, trong số 9 đội TTLĐ quận, huyện hiện mới chỉ 4 đội có xe thông tin. Vì vậy, mỗi chuyến lưu diễn, các đội thường phải thuê mướn phương tiện chuyên chở.
Đã vậy, loại “đồ nghề” không thể không có là thiết bị âm thanh – ánh sáng, chỉ mỗi Đội TTLĐ TP là được trang bị đầy đủ. Tại cuộc tọa đàm “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đội TTLĐ” tổ chức năm 2007, ông Bùi Minh Cưng – Phó Giám đốc Trung tâm VHTT – TT quận Cái Răng – cho rằng: “Chúng ta đang làm nghiệp dư hoạt động của đội TTLĐ chuyên nghiệp cấp quận, huyện. Chỉ khi tham gia các cuộc liên hoan, hội thi thì đội TTLĐ mới được đầu tư một chương trình TTLĐ đúng nghĩa, có kinh phí tạm gọi là đủ để thực hiện một chương trình...”.
Quả vậy, kinh phí hoạt động là chuyện “đau đầu” với các đội TTLĐ. Ông Trương Văn Trọng – Phó Trưởng phòng Tuyên truyền – Cổ động – Triển lãm, Trung tâm VHTT TP – cho biết, chỉ tiêu giao 110 buổi lưu diễn, song kinh phí chỉ đủ để Đội TTLĐ TP tổ chức trên 80 buổi diễn. Đội phải bám vào chủ trương xã hội hóa để... hoàn thành nhiệm vụ.
Đành rằng, xã hội hóa là một hướng đi phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ấy nhưng, kịch bản – yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng chương trình – đang là nỗi băn khoăn của các đội TTLĐ do ngày càng thiếu kịch bản hay.
Vẫn theo ông Trương Văn Trọng, số tác giả viết kịch bản ngày càng ít; chỉ Thới Lai, Thốt Nốt có “tác giả nhà”; còn các quận, huyện khác phải dựa vào lực lượng cộng tác viên. Tuy nhiên, mức nhuận bút 2 triệu đồng (cấp TP), trên 1 triệu đồng (cấp quận, huyện)/kịch bản theo quy định chưa đủ hấp lực thu hút người viết tham gia.
Theo soạn giả Nhâm Hùng (nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô), những năm gần đây, xu hướng đa phương thức trong hoạt động TTLĐ ngày càng lộ rõ theo hướng từ thiết kế đơn lẻ “trình diễn chương trình TTLĐ” đến đầu tư cao hơn cho một buổi “hoạt động VHTT tập trung” (tất nhiên trình diễn TTLĐ vẫn là trọng tâm). Tuy nhiên, nỗ lực tìm lối ra của hoạt động TTLĐ hiện nay không dễ “hiện thực hóa” trong tình hình... thiếu đủ thứ!
Theo Lê Như Giang - LĐ
|