Điều khá đặc biệt, ở liên hoan lần này, TPHCM có duy nhất một đơn vị nghệ thuật được chọn tham dự, Nhà hát Kịch TPHCM, với vở rối đen “Vì sao thuồng luồng hóa rồng” của tác giả - đạo diễn Hoàng Duẩn. Trước thềm liên hoan, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng tác giả - đạo diễn Hoàng Duẩn… - PV: Sao anh lại chọn loại hình rối đen để giới thiệu với bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước? Tác giả - đạo diễn HOÀNG DUẨN: Diễn vở nào, loại hình gì là do ban tổ chức liên hoan quyết định hoàn toàn. Thực ra, để có được lời mời chính thức thì ban tổ chức liên hoan đã có một cuộc “khảo sát chất lượng” của từng vở diễn. Vở diễn “Vì sao thuồng luồng hóa rồng” trước đây đã từng đoạt giải thưởng trong liên hoan sân khấu thiếu nhi trong nước với các giải đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, tạo hình, âm nhạc. Vở diễn cũng nằm trong khuôn khổ dự án sân khấu quốc tế “Tiếng nói trẻ thơ” do Hiệp hội Sân khấu quốc tế và Quỹ Hỗ trợ và Phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ. Trong những năm qua, vở diễn cũng đã được bạn bè quốc tế, là những nhà làm sân khấu, đánh giá cao khi họ được xem trong dự án này… Riêng với rối đen thì đây là một loại hình còn khá mới mẻ, hơn nữa rối đen có những kỹ thuật và trò diễn khá thú vị, và có “nó” thì màu sắc của liên hoan sẽ phong phú hơn bên cạnh các loại hình khác như kịch câm, kịch nói, rối cạn, rối nước… - Được biết “Vì sao thuồng luồng hóa rồng” từng diễn, phục vụ khá nhiều khán giả trong nước, vậy lần này mang đến liên hoan mang tầm quốc tế, anh có đầu tư hay chỉnh sửa nào đáng kể để xứng đáng là đại diện duy nhất của TPHCM tham gia liên hoan? Với vai trò là tác giả và đạo diễn, đương nhiên tôi sẽ có những chỉnh sửa cho đặc sắc hơn, quy mô hơn và chỉn chu hơn từ khâu âm nhạc, cảnh trí, tạo hình, kỹ thuật biểu diễn... Hơn nữa, đây là vở diễn của Nhà hát Kịch TPHCM nên về mặt chuyên môn đạo diễn Khánh Hoàng - Giám đốc Nhà hát và là chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn, cũng có những yêu cầu khắt khe hơn, tham gia chỉ đạo trực tiếp vào việc nâng tầm cho vở diễn. Các bạn diễn viên cũng đang muốn chứng tỏ khả năng biểu diễn của mình, vì vậy tôi nghĩ là “Vì sao thuồng luồng hóa rồng” sẽ xứng tầm. - Loại hình rối đen được nhiều người đánh giá là khá độc đáo, nhưng hiện nay lại chưa được phổ biến nhiều trên sân khấu thành phố, cũng như của cả nước. Vậy anh có nghĩ, sau liên hoan mình sẽ dành nhiều thời gian cho việc phát triển rối đen? Phổ biến rối đen, đưa rối đen đến với thiếu nhi đó là tâm huyết của tôi. Sau chuyến đi này chúng tôi sẽ tìm cách phát huy nó nhiều hơn. Thực chất việc có một sân khấu đủ tiêu chuẩn cho thiếu nhi ngồi xem (hiện nay thiếu nhi đang xem ké người lớn từ rạp hát, ghế ngồi…, kể cả tư duy), đủ tiêu chuẩn về trang thiết bị kỹ thuật là điều chúng tôi đang cần. Tôi cũng sợ nếu không phát triển thì sẽ rất uổng công sức mà mình đã bỏ ra trước đó trong việc sưu tầm, đưa về và phát triển nó. - Là một đạo diễn có nhiều gắn bó với sân khấu thiếu nhi, chắc hẳn anh cũng khá trăn trở về sự phát triển chưa đồng bộ của sân khấu thiếu nhi hiện nay? Chúng ta chưa có cái gọi là “nền sân khấu cho trẻ em”. Đó là thực tế. Vì vậy sự phát triển chưa đồng bộ, manh mún mạnh ai nấy làm là điều dễ hiểu. Dù gì thì chúng ta cũng phải cám ơn các sân khấu đã tạo ra thói quen xem sân khấu của thiếu nhi Việt Nam trong một vài dịp tết, lễ trong năm. Tuy nhiên, sự phát triển của sân khấu dành cho thiếu nhi cần phải có sự tham gia đồng bộ từ các nhà làm chính sách, giáo dục, nghệ thuật, đoàn thể và phụ huynh, khi ấy chúng ta mới nghĩ đến một nền sân khấu cho trẻ. Ở các nước phát triển, thiếu nhi được xem sân khấu nhiều hơn, ngoài các dịp lễ, tết thì tuần nào các nhà hát cũng sáng đèn phục vụ các em và các nhà hát đó được xây dựng là chỉ để phục vụ riêng cho trẻ em. Tại Thụy Điển có 9 triệu dân, gần 200 nhà hát, trong đó có đến 140 nhà hát từ trung ương đến địa phương và các nhóm sân khấu chuyên biểu diễn cho thiếu nhi. Đặc biệt có nhà hát lưu động quốc gia (có nhiệm vụ đi khắp nơi biểu diễn, lịch diễn có trước cả năm trời...), trong nhà hát này lại có gần 10 nhà hát nhỏ, trong đó có 1 nhà hát nổi tiếng dành cho người khiếm thính Silent theatre (Nhà hát im lặng). Còn ta thì sao? Đó là điều trăn trở. - Cảm ơn và chúc anh thành công! Theo Đỗ Hạnh - SGGP |