Văn nghệ trong nước
Dịch giả Tetr Komer: Đến Việt Nam để... dịch sách
08:59 | 07/05/2010
Giao tiếp được mười ngoại ngữ, thông thạo năm thứ tiếng nhưng lại quyết tâm chọn tiếng Việt để học thật tốt, lại chọn thơ Hồ Xuân Hương - một trong những tác giả có tác phẩm khó dịch bậc nhất Việt Nam - để dịch..., đó chính là Tetr Komer - dịch giả đến từ Cộng hòa Czech.
Dịch giả Tetr Komer: Đến Việt Nam để... dịch sách
Tetr Komer trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Hoàng Điệp

Tetr Komer (bút danh Petr Komer), 39 tuổi, bắt đầu làm quen với Việt Nam qua một vài người bạn là sinh viên Việt Nam du học tại Czech.

Tetr Komer đã dịch các tập thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn BínhTuyển tập năm tác giả truyện ngắn đương đại. Hiện Tetr đang bắt tay vào dịch cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tên tác giả và tác phẩm vẫn còn "bí mật" vì chưa biết khi nào sẽ xong, nhưng theo anh, đây là cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn.

Với những đóng góp cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, đầu tháng 1-2010 Tetr Komer đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng kỷ niệm chương sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nghe các bạn kể về Hà Nội với phố cổ có mái ngói xếp lớp, những con ngõ nhỏ phải thắp đèn suốt ngày đêm, có sự tích hồ Gươm gắn với một cụ rùa hiện vẫn đang sống dưới hồ, có những hàng ăn vỉa hè với những món ăn rất ngon..., Tetr yêu Việt Nam từ những điều giản dị như thế để rồi chọn tiếng Việt để học, sang Việt Nam du học và... dịch sách.

Lý giải về việc chọn thơ Hồ Xuân Hương để dịch, Tetr nói: “Việc dịch thơ của bà Hồ Xuân Hương rất khó và trình độ tiếng Việt của tôi không phải là xuất sắc. Khi dịch, tôi phải vận dụng tất cả những bản phân tích ngữ nghĩa của các nhà phê bình văn học Việt Nam, và tất nhiên phải dùng tất cả những loại từ điển mà tôi có. Tôi cũng sử dụng cuốn sách phân tích cuộc đời, sự nghiệp và phần lớn thơ Hồ Xuân Hương của Maurice Durand (một dịch giả người Pháp). Tuy nhiên, tôi đã cố gắng dịch một cách đầy đủ, kể cả những từ nghĩa bóng, để chuyển thành thơ tiếng Czech mà vẫn giữ được không khí dễ đọc và vui của nguyên bản”.

Yêu Việt Nam, yêu phố cổ, Tetr biết ngồi uống trà đá ở quán cóc, uống cà phê vỉa hè. Mỗi khi đến Việt Nam Tetr đều ở khu phố cổ. Gọi vài người bạn Việt Nam mới quen để làm vài ly bia cỏ, hỏi các bạn về những đổi thay nơi đây.

Nếu một ngày bên quán trà đá vỉa hè nào đó, bạn gặp một anh Tây cao lớn ăn mặc bụi bặm, nói tiếng Việt hết sức tự tin thì rất có thể đó là Tetr Komer!

                                                                                                                     Theo TT








Các bài mới
Các bài đã đăng