Văn nghệ trong nước
Thận trọng khi đụng chạm vào di sản
09:50 | 07/05/2010
Những ngày này, dư luận, các nhà khoa học và các cơ quan chức năng trong ngành văn hoá đang chứng kiến việc bức tường thành Đại La - Hoàng thành dưới đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) bị bào mòn, bị xâm hại.
Thận trọng khi đụng chạm vào di sản

Và điều đáng nói là việc san ủi vẫn tiến hành bất chấp dư luận.

Dư luận bức xúc…

Dư luận trong giới chuyên môn bày tỏ bức xúc trước thực trạng diễn ra. Nhiều ngày qua, máy ủi đã “vô tư” cào, xúc, san ủi vào mặt, vào thân tường thành mới được phát hiện mà giới chuyên môn gọi là thành Đại La - một đoạn trong các vòng của Hoàng thành Hà Nội.

Phân tích một số di vật tìm thấy tại đây, PGS-TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ - cho rằng: Có di vật thời Lê, sau đó là thời Trần, thời Lý và cả tiền Thăng Long nữa. Đã có thư của một số người dân đề nghị các nhà khoa học lên tiếng để việc đào bới dừng lại.

Theo GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - thì lâu nay với di sản Thăng Long, mới chỉ được chú ý đến các di tích trên mặt đất.
 
Nhưng những cái đó, nhất là về kiến trúc, mới chỉ là những cái trùng tu về sau này. Cái sớm nhất cũng là cuối thời Lê. Có một loại hình di tích là các thành. Thăng Long có 3 - 4 vòng thành. Cấm thành đã bị san bằng rồi, Hoàng thành như vậy chỉ còn một đoạn này.

Đoạn thành này được xác định đắp bằng đất thịt, có trộn lẫn gạch và các mảnh gốm... để tăng thêm độ vững chắc. Theo quy định chung, khi đào thấy di vật, việc thi công phải dừng lại, nhưng ở đây nó vẫn tiếp diễn. Tường thành quý giá của Thăng Long – Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Đặc biệt lại trong thời điểm hướng đến đại lễ kỷ niệm thủ đô nghìn tuổi với tinh thần tôn vinh văn hiến, truyền thống. Chào thành phố thiên niên kỷ bằng việc gấp rút thi công hoàn thành một con đường mới, nhưng lại phá đi một di sản độc đáo, liệu có đáng không?

Việc san, ủi vẫn tiếp tục bất chấp dư luận

Từ mấy năm trước các cơ quan quản lý văn hoá từng đã có ý kiến với TP.Hà Nội, cảnh báo trước việc một đoạn thành Đại La có thể bị san phẳng khi triển khai thi công dự án đường Văn Cao – Hồ Tây. Công văn 679/DSVH-DT của Cục Di sản văn hoá ngày 23.8.2006 có đoạn: “Thành Đại La là di tích kiến trúc thành luỹ cổ, có giá trị về lịch sử, văn hoá đối với Thăng Long – Hà Nội, việc quy hoạch dự án đường Đội Cấn – Hồ Tây giai đoạn 2 (đoạn đường Hoàng Hoa Thám – Hồ Tây) có nguy cơ xoá sổ đoạn di tích quan trọng này. 

Công văn 751/VHTT&DL-BQLDT của Sở VHTTDL Hà Nội ngày 9.4.2010 trước khi khẳng định dấu tích thành dưới đường Hoàng Hoa Thám, đã phản ánh thực trạng: “Việc triển khai dự án đường Văn Cao – Hồ Tây bằng máy xúc cắt ngang thân đường Hoàng Hoa Thám với chiều rộng đoạn bị cắt lên tới gần 10m, chiều cao 3m”.

Ngày 20.4 vừa qua, Bộ VHTTDL tiếp tục gửi công văn tới UBND TP.Hà Nội đề nghị “chỉ đạo các cơ quan liên quan có kế hoạch nghiên cứu về di tích này, trường hợp phát hiện di tích khảo cổ học, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cần tổ chức thăm dò thám sát, khai quật khảo cổ học theo Luật Di sản văn hoá...”.

Các nhà chuyên môn đã lên tiếng và chứng minh có sở cứ khoa học về sự hiện diện của bức tường thành đã tồn tại qua nhiều triều đại. Các cơ quan quản lý về văn hoá đã từng cảnh báo và đang tiếp tục có ý kiến đề nghị khai quật, phân tích di sản hiếm hoi này.

Vậy mà tình hình vẫn chưa có biến chuyển gì tích cực theo hướng “cứu lấy di sản văn hoá”. Đây phải chăng là một “chuyện lạ” ngay trong lòng Hà Nội? Chủ đầu tư dự án là Sở GTVT Hà Nội, ở cấp trên là UBND thành phố đang nghĩ gì, và liệu bao giờ mới giải quyết sự việc này?

                                                                                                                   Theo LĐ










Các bài mới
Các bài đã đăng