Đó chính là nhà văn Lan Khai (1906 - 1945), nổi tiếng với những tác phẩm chuyện đường rừng như: Đỉnh non thần, Truyện đường rừng, Lầm than... Sau ngày mất của thi sĩ Tản Đà (7.6.1939), trên hầu hết các mặt báo trong Nam, ngoài Bắc đã xuất hiện nhiều bài viết tưởng niệm Tản Đà của các văn thi sĩ đương thời. Riêng nhà văn Lan Khai có các bài viết Bàn qua về nghệ thuật - Thi sĩ Tản Đà (tạp chí Tao Đàn, số 7, 1939), Phác họa hình dung và tâm tính thi sĩ Tản Đà (Tao Đàn số 9, tháng 10.1939) và hồi ký Một tháng với Tản Đà dưới bút danh Lâm Tuyền Khách (bút danh này Lan Khai thường ký khi làm thơ), đăng trên Ngày Nay số 171, ra ngày 22.7.1939. Ở đây, chúng tôi xin lược trích lại hồi ký của “cậu đồ” Lâm Tuyền Khách. “Năm 1929, An Nam tạp chí (ANTC) ra đời ở số 1 Francis Garnier trên một căn gác rộng rãi trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm. Lần này tiên sinh hợp tác với một ông ấm ở Hàng Gai. Sở dĩ có sự hợp tác ấy là do một lẽ về tiền tài. Hồi ấy, tiên sinh còn thiếu ông ấm nói trên một số tiền độ vài trăm đồng nên ông này muốn cho ANTC lại ra đời để có dịp thu lấy nợ. Ông chỉ đứng trông nom về mặt tiền tài, mọi khoản chi tiêu của tòa soạn, còn Tản Đà tiên sinh chỉ trông nom về văn bài. Cho nên trên bìa ANTC hồi đó có những danh từ “chủ nhân” và “chủ sự” rất lôi thôi. Sớm có khuynh hướng về văn chương nên năm đó tôi thường có bài lai cảo trong ANTC, tuy còn đang đi học ở Hà thành. Tôi đang ao ước được gặp tiên sinh thì một hôm, bạn tôi, anh Nguyễn Danh Đăng, cháu gọi tiên sinh bằng chú, đưa tôi đến giới thiệu với tiên sinh. Tôi không còn nhớ rõ cái cảm giác của tôi lúc ấy như thế nào, nhưng tôi, một người vẫn hâm mộ tiên sinh, mê văn tiên sinh hơn mê gái, được tiên sinh tiếp kiến hẳn trong lòng phải thấy sung sướng như có thánh phúc được trông thấy một đấng thiêng liêng mà xưa nay mình vẫn thờ trong tâm tưởng... Tiên sinh tiếp tôi rất niềm nở: “Thưa cụ, tôi đến đây với một ý muốn được cụ thu dụng trong tòa soạn, để được luôn trực tiếp với cụ và mong cụ để tâm rèn luyện cho”. Tiên sinh đáp: “Rất vui lòng, nhưng tôi hỏi thật “cậu đồ” có cần một số lương hàng tháng để cấp đỡ gia đình không?”. “Thưa cụ, vì yêu mến văn chương mà đến đây hầu cụ, thực không dám có một mảy may ý nghĩ về tiền tài. Vả, tôi thực chưa đến tuổi đi kiếm tiền để nuôi gia đình”. “Nếu vậy hay! Cậu đồ ạ, lương chủ bút như tôi đây cũng chỉ có mỗi ngày hai bữa rượu mà thôi! Vậy thì hãy tạm “phong” cho cậu làm thư ký tòa soạn nhé! Cậu đã yêu mến cái nghề văn tự này, tuy nó là một nghề bạc bẽo nhưng cũng phải thành tâm với nó thì mới làm được. Có thành tâm với nghề mới thành nghề. Nếu bây giờ đi buôn gỗ lãi ngay tiền vạn, Hiếu đây cũng không buôn. Bổ đi làm Tổng đốc lương tháng bốn trăm, Hiếu đây cũng không làm. Hiếu chỉ phụng sự nghề thơ văn mà thôi...”. Sau những lời khích lệ ấy, tiên sinh thu dùng tôi như một tiên ông thu dùng đồ đệ... Thế rồi, với cái tuổi còn non nớt, với cái học lực còn thiển cận tôi đã bỏ cái đời học sinh vui thú để làm thư ký riêng cho một ông chủ báo, và hơn nữa, một nhà thi sĩ có danh. Công việc của tôi không lấy gì làm khó khăn, chỉ phải sao chép những bài tiên sinh đã viết ra, nhận thư từ các nơi gởi đến, trả lời khi độc giả hỏi những việc thường, và nhất là khi có khách, đem văn của tiên sinh mới viết ra đọc cho khách nghe. Kể trong mấy trăm lá thư mà tay tôi đã bóc, có một cái khiến tiên sinh, khi nghe tôi đọc phải bồi hồi cảm động. Đó là lá thư của một nữ sinh lớp đệ tứ (4e anée) trường Đồng Khánh (Huế). Trong thư, cô ca tụng thi tài của tiên sinh và chúc mừng ANTC lại ra đời. Ở cuối thư, sau khi xin tiên sinh một tấm ảnh, cô viết: “Thưa tiên sinh, con dám tin rằng tiên sinh cũng như thi hào Vitor Hugo nước Pháp, rất có lòng yêu mến con trẻ. Vậy trước khi dừng bút, tiên sinh cho phép con được nói thế này: “Je vous embrasse tendrement, mon chéri, papa!” (tạm dịch: Cho con được trìu mến ôm cha - Người yêu của con!). Tiên sinh đọc cho tôi viết trả lời bức thư ấy, sau khi cảm ơn những thiện cảm của cô dành cho mình và ANTC, tiên sinh nói bình sinh mình chưa chụp ảnh bao giờ nên không có ảnh để tặng cô. Rồi để tạ lại tấm lòng yêu mến của cô đã coi mình như cha, cuối thư tiên sinh bảo tôi viết: “Je vous embrasse tendrement ma chère enfant.” (tạm dịch: Cha trìu mến ôm con, con gái thân yêu ạ!). Ký tên: “papa Tản Đà”. Tiên sinh coi đó cũng là một chuyện rất lý thú trong đời thi sĩ của mình, cũng như câu chuyện “rau sắng chùa Hương” khi trước vậy! Ngày nào nhiều việc, tiên sinh thường giữ tôi lại, ăn ngủ ở đấy. Ban ngày tiên sinh không làm việc, chỉ uống rượu, nói chuyện hay đọc sách. Cứ vào khoảng hai ba giờ sáng, lúc ấy là lúc thành phố Hà Nội đã ngủ im, tiên sinh mới trở dậy thắp nến viết văn cho đến sáng... Được gần một tháng. Một buổi sáng kia, tôi vừa đến tòa soạn thì... trời ơi, một cảnh tượng đã khiến tôi, hồi ấy mười bảy tuổi, đã thấy đời thực xấu xa, mà ngao ngán cho đời các văn gia, thi sĩ ở cái xã hội Việt Nam thiếu lịch sự và không biết trọng nhân tài này. Tôi thấy một người đàn bà to béo, mặt đanh ác đang nhảy lên như một người hóa dại, sỉa sói những câu nói rất tục tằn, thô bỉ vào trước mặt nhà thi sĩ lúc ấy đang điềm nhiên ngồi trên ghế dựa với một nụ cười khinh bỉ... Thấy tôi đến, tiên sinh gọi: “Đi thôi, cậu đồ ơi!”. Tôi lục trong tủ thấy hai cái tay nải không biết để đấy tự bao giờ. Tôi đem bao nhiêu sách vở (phần nhiều bằng chữ Hán) và quần áo của tiên sinh sắp vào đấy, rồi - như một anh hàng tấm gánh hàng đi chợ - tôi, theo lời tiên sinh dặn, gánh chạy trước ra bến tàu điện Hà Đông. Một khắc sau, tiên sinh áo sa, nón dứa, guốc kinh, ung dung bước lên tàu. Tuy văn chương hạ giới thật có rẻ như bèo, nhưng lần này tôi gánh văn hầu tiên sinh không phải đem lên bán chợ trời, nhưng để đi vào làng Văn Quán trong Hà Đông lánh nạn. Sau này tôi được biết sở dĩ có cuộc xô xát với người đàn bà vạm vỡ và bất lịch sự ấy là vì tiên sinh nhận thấy người ta đã ỷ vào số nợ để bức hãm, lợi dụng mình nên muốn cùng mấy người bạn thân, trong đó có ông Kính Đài Nguyễn Thống, lập lại Tản Đà thư cục, lấy lại ANTC ở trong quyền chi phối của ông ấm Hàng Gai. Miếng mồi ngon nào ai chịu bỏ, nên người ta đã nhẫn tâm phá đám bằng một cách tục tằn đó... Tiên sinh có gia quyến trong Văn Quán. Tôi ở đó với tiên sinh trong ít hôm. Rồi một buổi sáng, ở trước ga Hàng Cỏ, tiên sinh cầm tay tôi ngậm ngùi: “Tôi rất cám ơn cậu đồ đã thành tâm với tôi từ bấy đến nay. Nhưng bây giờ là lúc thầy trò ta phải tạm biệt nhau trong ít lâu...”. Tiên sinh đi Nam. Tôi trở lại Hàng Trống để nối lại cái đời học sinh của tôi bị lũng đoạn. Từ ngày ấy đến nay, đã mười năm rồi...”. (Theo Lâm Tuyền Khách - Chợ Ngọc 29 Juin 1939) H.Đ.N - TN |