Văn nghệ trong nước
Làm phim về Nguyễn Du là một trách nhiệm to lớn!
10:25 | 13/05/2010
Lần đầu tiên, hình tượng đại thi hào Nguyễn Du sẽ được thể hiện trong bộ phim "Long Thành cầm giả ca".
Làm phim về Nguyễn Du là một trách nhiệm to lớn!
Nhân vật Tố Như (Ngọc Ngoan) và nàng Cầm (Nhật Kim Anh) trong phim. Ảnh Đ.B.S
Hãng phim Giải Phóng chịu trách nhiệm về sản xuất, kịch bản phim do nhà văn, ĐD Văn Lê phóng tác từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Du, đã đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội do Bộ VHTTDL và UBND TP.Hà Nội phát động.

Hiện, phim trong giai đoạn hậu kỳ. Đây cũng là một tác phẩm được làm nhân 245 năm ngày sinh đại thi hào. Chúng tôi đã trao đổi với đạo diễn  Đào Bá Sơn. 

Ông chọn diễn viên cho phim ra sao?

- “Long Thành cầm giả ca” (LTCGC) là một trong 250 bài thơ chữ Hán, nằm trong tập “Bắc hành tạp lục”, được sáng tác trong vòng một năm - Quý Dậu 1813 - khi nhà thơ Nguyễn Du 49 tuổi. Bài thơ là tâm sự cùng với nghĩ suy của nhà thơ về số phận chìm nổi của một danh cầm tài sắc đất Thăng Long qua hai lần gặp gỡ trên trục thời gian 20 năm.

Tôi nghĩ, nếu có một triệu người đọc LTCGC, sẽ có một triệu cách hình dung về nhân vật Cầm cũng như về Tố Như. Đây là sự thách thức rất lớn đối với chúng tôi. Ngay việc chọn diễn viên đóng vai cô Cầm cũng nhiều thú vị.
 
Trong phần tiểu dẫn, tả cô Cầm khi lần đầu gặp (khoảng năm 1791-1793), cụ viết: “Nàng người thấp, má bầu, trán dô, mặt gãy, không đẹp lắm...”, 20 năm sau khi cụ gặp lại ở dinh Tuyên Phủ: “... một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần vải thô bạc thếch”. Nhưng trong bài thơ, câu mở đầu cụ viết: “Long Thành giai nhân (người đẹp Long Thành - bản dịch của Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính).
 
Theo “Từ điển Hán - Việt từ nguyên” của Bửu Kế giải thích, từ nguyên gốc Hán “giai nhân“ là “người đẹp “. Chúng tôi hiểu, trong tiểu dẫn là “hiện thực mục thị” còn trong bài thơ là sự thăng hoa, nơi đó có được tình yêu, sự cảm phục, có cả xót xa về kiếp người nghệ sĩ. 

Hai trăm năm qua, người Việt mường tượng, hình dung về Nguyễn Du có lẽ chủ yếu từ việc đọc những gì ông viết và những gì người ta viết về ông. Ông thì hình dung ra sao về Nguyễn Du?

- Tôi biết Nguyễn Du qua “Kiều”, mà cũng chỉ qua lối cắt lát. Được làm phim về Nguyễn Du, dù chỉ là dựa trên một bài thơ của cụ, đối với chúng tôi là may mắn, là trách nhiệm. Cá nhân tôi, trong các tác phẩm của cụ, thích nhất “Chiêu hồn thập loại chúng sinh” (“Văn chiêu hồn”). Đọc “Văn chiêu hồn”, tôi thấy tầm vóc Nguyễn Du lớn lao quá! Một con người sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc lúc bấy giờ mà thấm đẫm tình thương tới chúng sinh...

Bộ phim của chúng tôi chỉ khoanh vùng lại trong phạm vi câu chuyện của nhà thơ và nhân vật của ông trên phông nền lịch sử cuối Lê đầu Nguyễn. Nói “ khoanh vùng” vì tư tưởng của Nguyễn Du khá phức tạp. Nhưng, ông có thể phức tạp trong tư tưởng trung quân, nhưng rất rõ ràng tư tưởng vi dân.

Ông yêu thương con người, vượt qua thái độ phong kiến đương thời. Ông đứng về phía những kiếp người nhỏ bé bị đọa đày...Ông đứng về phía những con người chịu đựng lịch sử chứ  không đứng về phía những con người làm ra lịch sử. Và ông đã trở thành nhà thơ lớn của dân tộc. Về ngoại hình của Nguyễn Du, ta cũng không biết gì nhiều.
 
Trong 250 bài thơ chữ Hán ở 3 tập: “Thanh Hiên tiền hậu tập”, “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”, nhiều bài nhà thơ Nguyễn Du nói tới cái đầu bạc của mình, như trong LTCGC: “Ta từ Nam Hà trở ra, đầu bạc trắng hết, không trách nhan sắc người đẹp tàn tạ”. Chất chứa biết bao nỗi niềm! 

Trong LTCGC, Nguyễn Du tả tiếng đàn của cô Cầm tuyệt hay: “Khoan như tiếng gió thoảng ngàn thông/Trong như tiếng hạc vọng từng không”…! Phần nhạc của phim ra sao, thưa ông?

- Nhạc sĩ Quốc Trung lo phần âm nhạc. 200 năm trước, các cụ đàn ra sao, không ai rõ, nhưng lớp hậu sinh bây giờ không thể tìm được một danh cầm nào gảy đàn nguyệt hay như Nguyễn Du tả. Sau, chúng tôi hiểu được, chỉ có nghe tiếng đàn bằng trái tim yêu Nguyễn Du mới rung động, viết những câu thơ tài tình tới vậy. Có những khi điện ảnh, âm nhạc cũng bị giới hạn trước văn chương là vậy...

Làm phim lịch sử, có những người làm phim hay có tham vọng “gửi gắm”, mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Điều này có khi cũng có cái tiện lợi, nhưng có mặt bất tiện?

- Chúng tôi làm phim về Nguyễn Du cho khán giả của ngày hôm nay xem. Có thấy được vấn đề của người xưa gắn với thời đại hôm nay không, là cảm nhận của khán giả.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lâm Tuyền - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng