Văn nghệ trong nước
Tấm ảnh quý của người M’Nông
10:58 | 18/05/2010
Ở một buôn làng M’Nông gần hồ Lắk, có đôi vợ chồng già luôn tự hào kể với con cháu những kỷ niệm khó quên khi được vinh dự gặp Bác Hồ hơn 40 năm trước. Riêng cụ bà vẫn giữ tấm ảnh chụp chung với Bác như một kỷ vật quý.
Tấm ảnh quý của người M’Nông
Tấm ảnh bà H’Yiêng chụp chung với Bác Hồ năm 1964 (bà H’Yiêng đứng bên phải Bác)
Nghe chúng tôi đến thăm và hỏi chuyện về kỷ niệm gặp Bác, ông Y Săm Niê và bà H’Yiêng Buôn Krông ở buôn Bu Yuk, xã Đắk Phơi, H.Lắk (Đắk Lắk) tỏ ra hết sức xúc động. Bà H’Yiêng lẳng lặng đến đầu giường mở chiếc rương bằng gỗ đen bóng, lấy một chiếc túi ni-lông rồi cẩn thận rút ra tấm ảnh đen trắng. Bà nói: “Đây là thứ quý hơn vàng bạc mà vợ chồng già giữ gìn bao năm nay”.

Bức ảnh quý giá

Tấm ảnh còn khá rõ nét, trong ảnh Bác Hồ trong bộ ka ki trắng đang cười hồn hậu cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ... Bà H’Yiêng đưa tay chỉ vào cô gái mặc trang phục dân tộc M’Nông đứng nép mình bên Bác trong tấm ảnh: “Mình đó! Ôi chao, nhớ lại giây phút bên cạnh Bác mà vui cái bụng vô cùng!”.

Năm cô gái H’Yiêng bước vào tuổi đôi mươi, Đắk Phơi đã là một trong những vùng căn cứ kháng chiến kiên cường của tỉnh Đắk Lắk, người dân một lòng đi theo cách mạng, dù cuộc sống hết sức gian khổ, buôn làng luôn bị bom đạn của địch tàn phá. Cũng như nhiều thanh niên M’Nông, H’Yiêng ra rừng, trở thành cô giao liên dũng cảm, băng rừng lội suối đưa đường cho cán bộ, bộ đội, làm dân công gánh gùi đạn dược, lương thực phục vụ kháng chiến... Giữa năm 1963, trong một lần gùi hàng tiếp tế cho khu căn cứ, nhóm dân công của H’Yiêng bất ngờ bị địch phục kích, ba người đi cùng hy sinh, H’Yiêng và hai người nữa bị thương nặng, may mắn được bộ đội chủ lực của ta ứng cứu kịp thời. H’Yiêng được đưa về tuyến sau chữa trị vết thương và sau đó được bộ đội đưa ra miền Bắc theo đường Trường Sơn để tiếp tục điều trị và học tập.

Sau khi hồi phục sức khỏe, H’Yiêng được học văn hóa ở một trường ngoại thành Hà Nội cùng nhiều chị em người dân tộc thiểu số khác. Một buổi sáng tháng 3.1964, trời vẫn còn rét căm căm, H’Yiêng và một số bạn cùng lớp sung sướng khi nghe nhà trường thông báo chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. Giọng kể của bà H’Yiêng vẫn ngập tràn cảm xúc: “Ôi, lúc đó đi trên xe mình thấy hồi hộp lắm, không ngờ có ngày được gặp Bác. Đến nơi, Bác vẫn còn họp với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nên mọi người đều đứng cả ở bên ngoài chờ Bác. Đến giờ giải lao, thấy Bác bước ra cửa, ai nấy đều ùa đến vây quanh, muốn được gần Bác, nghe Bác nói chuyện. Mình được Bác ân cần hỏi han về đời sống đồng bào Tây Nguyên, Bác dặn dò mình phải học thật giỏi để mai này về giúp đồng bào thoát khỏi đói khổ, xây dựng quê hương giàu đẹp. Rồi sau đó, Bác đề nghị tất cả mọi người cùng chụp ảnh chung, mình may mắn được xếp đứng cạnh Bác như trong tấm ảnh này, một bên là chị người dân tộc Vân Kiều”... Bà H’Yiêng cho biết, tấm ảnh quý đã được bà cất giữ cẩn thận 46 năm nay, hằng năm chỉ vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, hai vợ chồng mới đem ảnh ra để cả gia đình, bà con trong buôn cùng ngắm và tưởng nhớ Bác, rồi sau đó cất ảnh vào chỗ cũ. Bà nói: “Đây là vật quý nên không thể treo ra ngoài, sợ nó cũ, xấu đi, hoặc có ai lấy mất”.

Cả vợ chồng đều được gặp Bác

Những năm sau ngày gặp Bác, H’Yiêng vừa học tập, vừa được đi công tác nhiều nơi ở miền Bắc. Tại Cao Bằng, cô gái M’Nông đã gặp người đồng hương là Y Săm Niê, người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, lúc đó là tiểu đội trưởng của Trung đoàn 120 và sau đó kết thành vợ chồng. H’Yiêng theo chồng làm nhiệm vụ hậu cần trong đơn vị và sau năm 1975, trở về quê hương Đắk Lắk.

Ông bà Y Săm - H’Yiêng cùng xem lại tấm ảnh quý - Ảnh: T.Chuyên


Điều trùng hợp ngẫu nhiên là ông Y Săm cũng đã từng được gặp Bác Hồ. Ông Y Săm xúc động không kém khi nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác. Ông bảo: “Mình cũng vinh dự được Bác thăm hỏi, chỉ bảo ân cần nhưng không may mắn được chụp ảnh cùng Bác như Mí Sơn (tên thường gọi của bà H’Yiêng - NV) đâu”. Nói rồi, ông kể lại những năm tháng khó quên: Năm 1946, toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, chàng trai Y Săm thoát ly theo bộ đội, tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên. Đến năm 1954, Y Săm được ra Bắc theo đơn vị là Trung đoàn 120 có nhiều chiến sĩ dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Trung đoàn trưởng là Y Blốk Êban. Một ngày giữa tháng 2.1957, khi đang huấn luyện tại Nam Đàn (Nghệ An), trung đoàn đã được vinh dự đón Bác đến thăm.

Ông Y Săm nhớ như in: Sau khi nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, Bác đã ân cần hỏi thăm từng người xung quanh. Bác nắm tay Y Săm hỏi: “Chú người dân tộc gì?”, ông thưa: “Thưa Bác, cháu dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk ạ!”. Bác còn hỏi: “Chú có nhớ nhà không?”, “Thưa Bác, nhớ nhà lắm ạ!”. Bác cười hiền hậu, rồi ôn tồn căn dặn: “Các chú đi bộ đội xa nhà, nhớ nhà là đúng. Làm cách mạng xa gia đình, càng nhớ nhà càng phấn đấu học tập tốt để phục vụ kháng chiến mau thành công. Tây Nguyên đang thiếu nhiều cán bộ, các chú phải cố gắng rèn luyện, tiếp thu nhiều kiến thức để sau này về trở thành cán bộ cốt cán của Tây Nguyên”. Y Săm cùng các chiến sĩ chăm chú nghe như uống từng lời của Bác...

Giờ đây, ông Y Săm bước vào tuổi 86, còn bà H’Yiêng đã 72 tuổi, cả hai đều già yếu, sống trong căn nhà tình nghĩa nhỏ do Chi hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk đóng góp xây tặng. Ba người con của ông bà đã có gia đình riêng nhưng vẫn sống quây quần ở buôn Bu Yúk. Nhiều người ở Đắk Lắk không biết tấm ảnh mà bà H’Yiêng cất giữ cho đến đầu năm nay, khi bà làm khách mời trong chương trình giao lưu "Mẹ cũng là chiến sĩ" do Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Khi được hỏi kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời hoạt động của mình, bà H’Yiêng đã rút tấm ảnh quý ra và kể lại câu chuyện gặp Bác đầy cảm động.

Theo Trung Chuyên - TN




Các bài mới
Các bài đã đăng