Văn nghệ trong nước
Đi xem báu vật phương Đông
08:41 | 20/05/2010
Với hơn 50 bảo vật của 9 quốc gia châu Á, “Báu vật phương Đông” là triển lãm cổ vật đang được quan tâm ở Bảo tàng Lịch sử VN (Hà Nội), vừa khai mạc hôm 19.5.
Đi xem báu vật phương Đông
Trống đồng Đông Sơn, Việt Nam, cách đây 2.500 - 2.000 năm - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, hiện cơ quan này còn đang lưu giữ một bộ sưu tập cổ vật khá lớn và rất có giá trị của các nước Ấn Độ, Campuchia, Lào, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Triều Tiên và Trung Quốc. Đây được xem là những “báu vật quốc gia, là tài sản vô giá của nhân loại”. Trong triển lãm lần này, do không gian hạn hẹp, Bảo tàng Lịch sử chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong bộ sưu tập với hàng ngàn cổ vật nói trên.

Nằm giữa phòng trưng bày là chiếc trống đồng Sao Vàng thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 2.500 - 2.000 năm, cũng là chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn hiện biết ở VN với chiều cao 86 cm, đường kính mặt 116 cm. Điều đáng chú ý là được đúc và chìm trong lòng đất từ cách đây hàng nghìn năm nhưng các họa tiết trên thân trống, mặt trống vẫn gần như nguyên vẹn với hình chim lạc, ngôi sao 12 tia và đính tượng 4 con cóc ngược chiều kim đồng hồ. Chiếc trống này chứng minh cho nghệ thuật đúc đồng của người Việt cổ đã đạt đến mức điêu luyện, không kém gì các dân tộc khác trong vùng văn hóa Lưỡng Quảng, nơi có kỹ thuật đúc đồng đạt trình độ cao trong việc chế tác vật dụng hằng ngày cũng như vũ khí bằng đồng.

Nằm ngay bên trái phòng trưng bày, có bức phù điêu chạm đá, niên đại thế kỷ 12 của Ấn Độ, mô tả nữ thần sông Hằng với những đường nét thân thể khá gần gũi với hệ phù điêu của các nền văn hóa Tây Tạng, Thái Lan, Campuchia. Bằng chất liệu đá và cát, với độ cao khoảng 70 cm, những nữ thần trong tượng dù được chạm khắc từ nhiều thế kỷ trước vẫn bừng lên sức sống mãnh liệt trong từng đường nét tinh tế và gợi cảm của cơ thể.

Khá bất ngờ là sự có mặt của các bảo vật có xuất xứ từ Triều Tiên, một quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhưng ít được biết đến. Chiếc bình sứ hoa lam được chế tác tại Bắc Triều Tiên khoảng thế kỷ 17-18 cho thấy một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ trên bán đảo này. Bình cao 51 cm, đường kính miệng 21 cm. Tuy không láng bóng như các món đồ tương tự của Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng màu men xanh vẽ hình rồng mây nhẹ nhàng và rất mỏng khiến người xem như cảm thấy lớp đất nung bên dưới. Theo ban tổ chức, đây là chiếc bình sứ hoa lam thuộc loại hiếm quý trong dòng sứ hoa lam Triều Tiên đã được thế giới thẩm định.

Pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất trong triển lãm, cao đến 2,22 mét, đúc từ thế kỷ 17-18, thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh là của Thái Lan. Đất nước Chùa Vàng còn có một loạt các bảo vật là những pho tượng bằng đồng mạ vàng cao từ 40 - 70 cm, chế tác rất tinh xảo, sống động. Đặc biệt một tượng Phật dù không lớn nhưng gây được chú ý nhờ hai bên chân có voi và khỉ đứng chầu.

Chỉ có 3 hiện vật góp mặt nhưng Nhật Bản cũng để lại ấn tượng bằng một tượng Phật đúc từ thế kỷ 19, một đĩa sứ hoa lam chịu ảnh hưởng của gốm sứ Minh - Thanh và một bình gốm hoa lam cao đến 46 cm, có hình củ tỏi, trên vẽ cảnh chim đậu cành hoa rất sinh động. Cả hai sản phẩm gốm này đều thuộc dòng gốm Hizen nổi tiếng.

Được biết, triển lãm sẽ kéo dài khoảng 2 tháng và tới tháng 10.2010, Bảo tàng Lịch sử sẽ bổ sung thêm khoảng 150 cổ vật nữa để triển lãm tại Nam Ninh, Trung Quốc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+1.

 

Tượng đồng người cưỡi hổ (Trung Quốc)

 

Phù điêu nữ thần sông Hằng, Ấn Độ, thế kỷ 12

 

Phù điêu Quan âm, đá sa thạch (Ấn Độ)

 

Tượng Phật (Thái Lan) thế kỷ 17-18

 

Đầu ngói và bình gốm Triều Tiên, thế kỷ 17-18 - Ảnh: Lưu Quang Phổ


                                                                             Theo Lưu Quang Phổ - TN


Các bài mới
Các bài đã đăng