Đang bệnh như thế mà vẫn nghĩ về anh em thật là cảm động. Tôi cho ông hay tuy tôi là người viết kịch bản nhưng Đài truyền hình TP.HCM cũng chưa có điều kiện để về miền Trung quay phim cũng như gặp gỡ được nhiều người trong cuộc hơn. Nhưng chắc chắn rồi đây những "bí mật" vàng ròng ông cất giữ sẽ có cơ hội "bật mí". Cao hứng, ông Nhân dọa tôi nếu mọi người đã quên ông thì ông sẽ có cách tự làm một mình. Ông sẽ thực hiện một tác phẩm Đặng Ngọc Khoa theo kiểu của ông đã từng làm cho rất nhiều nhân vật nổi đình đám trong tủ sách Đất Quảng. Cái cuộc chơi "đơn thân độc mã" đã làm nên tên tuổi của Nhân Đông-ki-sốt nhưng cũng bao phen hành ông lên bờ xuống ruộng (!). Nói về chuyện ông Nhân làm sách có thể viết được một cuốn tiểu thuyết. Là một nhà văn Quảng Nam, lăn lộn nhiều năm trong chiến tranh, ký ức, kỷ niệm của ông về bạn bè, anh em báo chí, văn nghệ sĩ "chất đống". Nhưng trước một thực tế cơm áo gạo tiền, ngày nay cũng chẳng mấy người biết. Bạn bè cũ theo thời gian rơi rụng. Sốt ruột, ông muốn tự tay phải làm lại các bộ "niên biểu" văn học, văn hóa. Và ông đặt từng bước đi cho dự định tủ sách Đất Quảng. Có theo dõi từng bước hình thành của tủ sách mới thấy ông thật bền chí. Trong khi người ngoài thấy ông già đi chiếc xe Charly cũ xì, cặp táp căng phồng bản thảo giấy tờ, miệng luôn thao thao bất tuyệt chuyện chữ ký, xuất bản, giấy phép... cứ ngỡ ông bức xúc về chuyện gì đó, chạm mạch hay điên (!). Thực ra, ông tỉnh rụi. Ông khoe vừa ra Hà Nội có giấy phép tái bản tập Thu Bồn, Gói nhân tình và cũng vừa chỉnh lý xong tập Phan Huỳnh Điểu, Thuyền và biển gần 600 trang. Chưa hết, ông vừa tìm thấy một loạt tư liệu "mới rợi"về nhà thơ Hồ Thấu chưa từng công bố ở đâu. Nhà cách mạng lão thành Hồ Nghinh trước đây có điện cho ông trao đổi về một chi tiết trong bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc do chính Hoàng Minh Nhân biên soạn. Ông kể là "rất sướng trước những cú điện thoại đó". Bởi đó là những người anh mà các ông mang ơn, là những tâm hồn lớn, nhân cách đạo đức cách mạng rất lớn trui rèn, hun đúc từ chiến tranh, ảnh hưởng đến bản lĩnh sống nhiều thế hệ. Làm xong những bản thảo này ông cảm thấy "nhẹ cả người". Nếu không kịp, lịch sử bị quên lãng là có tội với đất nước. Cứ thế hết nhân vật này đến nhân vật khác, danh nhân này đến danh nhân khác, Hoàng Minh Nhân miệt mài không mệt mỏi. Ông mê dư địa chí Quảng Nam và quyết dành hết tâm lực cho tủ sách Đất Quảng. Quyển nào quyển nấy qua tay ông chủ biên là “chắc nụi”, phải dày cỡ ba lóng tay, từ năm đến bảy trăm trang trở lên. Đến nay như ông khoe, đã được gần một trăm cuốn, năm mươi nhân vật... *** Tôi hỏi, nghe đâu nhà thơ Phùng Tấn Đông có tặng ông hai câu thơ "Người lo phát hiện thiên tài / Riêng anh rậm rạp không ai phát giùm"? Ông cười he he: "Tau ngày xưa cũng có làm thơ hay đâu kém thằng Đông!". Đúng là ông có công phát hiện nhiều "văn tài" truyện ngắn Quảng Nam như Phan Văn Minh, Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Lộc An... Nhưng chuyện "rậm rạp"như ông làm thơ đã gắn với giai thoại "nhà thơ nghèo nhất Việt Nam" vì không đủ tiền mua một... trái cốc không phải ai cũng biết. Ông có hẳn một tập thơ tình có nhan đề "Trái cốc". Và nguyên bài thơ như sau "Làm sao có được đôi đồng bạc/Đãi bé chiều nay trái cốc xanh/Đưa tay ta hái trời xanh vậy/Trái cốc lòng anh mãi để dành...". Đó là những giai thoại vui về ông và các nhà thơ một thời bao cấp. Nhưng như ông tự trào "thời đó thấy vậy nhưng ai cũng yêu thơ". Tập "Trái Cốc" tái bản đến lần thứ 3 vẫn không đủ sách để bán. Bởi thế, đến giờ trái cốc lòng ông vẫn xanh! Theo Nguyễn Hữu Hồng Minh - TN |