Theo bài báo, cách đây nhiều năm, nhà thơ Hoàng Cầm đã nói và tự thu âm vào 53 băng cassette, chủ yếu là những câu chuyện bạn bè văn nghệ và những sự kiện mà ông trải qua. Sau đó, qua giới thiệu của nhà thơ Hoàng Hưng, cách đây ba năm, Công ty Văn hóa Phương Nam (TP.HCM) đã mua bản quyền 53 cuốn băng nói trên để xuất bản Hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm, bản thân gia đình nhà thơ đã nhận 60 triệu đồng tương đương 50% giá trị hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy cuốn sách được xuất bản. Đã có những lo ngại rằng những tư liệu “sống” (qua giọng nói) quý giá ấy đã bị lãng quên đâu đó… Tuy nhiên, khi phóng viên TT&VH cuối tuần đem thắc mắc này tìm gặp bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc công ty Sách Phương Nam, đơn vị đã mua độc quyền 53 cuốn băng cassette tư liệu của nhà thơ Hoàng Cầm, bà Thủy cho biết: - Ý tưởng và chiến lược làm các loại sách quý với mong muốn giữ lại di cảo có giá trị của những tác giả mang tầm thời đại là mong muốn và tâm huyết của ban tổng giám đốc Công ty Cổ phần văn hóa Phương Nam, được giao cho Công ty sách Phương Nam tổ chức thực hiện. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã hợp tác với nhiều tác giả, ra được những tuyển tập có giá trị như tuyển tập Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Văn Khê, Phùng Quán.v.v... riêng trường hợp nhà thơ Hoàng Cầm, phần tư liệu được thực hiện dưới hình thức thu âm. Những cuốn băng này đang ở chỗ chúng tôi, đã được số hóa và chuyển thành dữ liệu dưới dạng văn bản. Tập dữ liệu văn bản này chúng tôi cũng đã giao cho một nhà thơ có uy tín, người rất hiểu về Hoàng Cầm, bước đầu ông đã nhận lời giúp chúng tôi biên soạn cuốn sách này. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể công bố cụ thể thời gian xuất bản cuốn sách bởi vì làm được một cuốn sách khái quát đầy đủ, chân thực và hấp dẫn về một nhà thơ như Hoàng Cầm từ số tư liệu đồ sộ kia cần rất nhiều thời gian và công sức. * Được biết hợp đồng độc quyền những tư liệu này đã được Phương Nam và gia đình nhà thơ Hoàng Cầm kí cách nay đã 3 năm nhưng đến giờ Phương Nam vẫn chưa có kế hoạch xuất bản cụ thể cho cuốn sách, vậy thời hạn của hợp đồng độc quyền nói trên là bao nhiêu năm, thưa bà? - Thời hạn ghi trong hợp đồng là 20 năm. Hợp đồng được kí vào ngày 01/10/2006, tổng trị giá là 130 triệu đồng. Ngay khi kí kết, công ty chúng tôi đã tạm ứng cho nhà thơ Hoàng Cầm 50% số tiền, tức là 65 triệu đồng, ông đã ký nhận số tiền này vào ngày 25/10/2006. Theo điều khoản thanh toán đã thống nhất trong hợp đồng, 65 triệu còn lại Phương Nam sẽ thanh toán cho nhà thơ khi cả hai bên cùng hoàn thành bản thảo Hồi kí Hoàng Cầm. Tuy thời hạn hợp đồng hết hiệu lực là 01/10/2026 và bản thảo vẫn đang trong thời gian hoàn thiện nhưng khi nghe tin nhà thơ Hoàng Cầm mất, ban giám đốc công ty Sách Phương Nam đã quyết định ứng nốt 50% số tiền còn lại (65 triệu đồng), cho gia đình nhà thơ. * Việc “đặt hàng” bản thảo với nhà thơ Hoàng Cầm được xem là khá kịp thời khi tuổi tác của ông lúc đó đã là vấn đề, tại sao Phương Nam không xúc tiến kế hoạch xuất bản cuốn sách ngay gần thời điểm ông vừa ra đi? - Tôi nghĩ, những cuốn sách như thế này không cần phải gấp gáp làm cho “kịp thời sự”, theo cách nói của báo chí. Dĩ nhiên chúng tôi cũng muốn ra sớm để đáp ứng sự mong mỏi của những người yêu mến nhà thơ. Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu kinh doanh có lãi cho những loại sách như thế này. Thị trường bây giờ những thứ có giá trị thì bán rất chậm. * Thế mạnh của Sách Phương Nam trước giờ vẫn là sách kiếm hiệp, nhưng bên cạnh đó, Phương Nam vẫn quan tâm đến một mảng sách khác ít đơn vị nào quan tâm là hồi kí, tư liệu về các văn nghệ sĩ một thời, những cuốn sách mà như bà vừa nói “giá trị thì bán rất chậm”. Vậy lí do gì khiến Phương Nam cứ “lăn xả” vào địa hạt này? - Một doanh nghiệp, dù là tư nhân, khi tham gia kinh doanh các sản phẩm văn hóa càng phải có tầm nhìn và tâm huyết. Phương Nam là như vậy. Tôi cũng đã nghe nhiều dư luận cho rằng Phương Nam khẳng định vị trí “đại gia” trong làng sách và văn hóa phẩm bằng các dự án kiểu này; có nhà báo còn hỏi tôi có tính mức trượt giá của những hợp đồng độc quyền chúng tôi đã kí với các tác giả như đã kí với nhà thơ Hoàng Cầm hay không… Nhưng tôi khẳng định chúng tôi không phải đại gia, cũng không làm để chứng tỏ mình là đại gia, chúng tôi tâm huyết với những dự án đó là lấy chỗ nọ bù chỗ kia để thực hiện tâm huyết của mình. Cũng phải nói thêm rằng, nếu làm trong ngành xuất bản hoặc hiểu về xuất bản, người ta sẽ thấy việc thu hồi vốn từ những cuốn sách dạng này rất khó. Chưa kể, với số tư liệu dưới dạng băng cassette nói trên, chúng tôi phải thuê người chuyển thành văn bản với số tiền cũng đáng kể, con số cụ thể là 27.300.000 đồng. Nhưng nếu tính toán như thế thì chúng tôi đã không làm. Năm ngoái, khi nghe nhà văn Tô Hoài bệnh, chúng tôi cũng quyết định gửi tạm ứng nốt số tiền còn lại của hợp đồng xuất bản cuốn sách đã kí với ông và gia đình. * Vậy sau những tác giả bà đã kể tên trên đây, Phương Nam còn tiếp tục xuất bản sách hồi kí của những ai nữa? - Chuyện làm đường dài kế hoạch này hiện cũng gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi tạm dừng, chứ trong thời buổi nhà nhà đổ xô làm sách, thị trường bát nháo và khắc nghiệt hiện nay, chúng tôi không thể cứ một mình vác cây thập tự này hoài được. Sắp tới chúng tôi xuất bản cuốn Hồi kí song đôi của Xuân Diệu – Huy Cận, còn những cuốn sách vẫn ở dạng bản thảo thì chưa có kế hoạch cụ thể. Chúng tôi cũng cần tập trung vào những mục tiêu kinh doanh có lãi hơn, nhất là khi cổ phần công ty đã niêm yết trên sàn, những nhà đầu tư đâu phải ai cũng quan tâm đến văn hóa, và khi họ đến họp hội nghị cổ đông thì điều họ quan tâm là họ sẽ lời bao nhiêu chứ không phải chuyện nên xuất bản sách về Nguyễn Khải hay Hoàng Cầm… * Cảm ơn bà đã dành thời gian Theo Huyền Thơ - TT&VH |