Văn nghệ trong nước
Truyện tranh suy thoái
09:04 | 27/05/2010
Truyện tranh, một loại hình văn hóa đặc biệt, một sản phẩm được xem là trung gian giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giải trí của giới trẻ. Đã có lúc, 2/3 tác phẩm truyện tranh là “bạn” của thiếu nhi và thiếu niên. Nhưng hiện nay sản phẩm văn hóa này đang đứng trước sự suy thoái đáng quan ngại.
Truyện tranh suy thoái
Ảnh: Gian hàng truyện tranh của NXB Kim Đồng tại Hội sách TPHCM lần thứ 6
Khó khăn muôn trùng

Truyện tranh có vai trò quan trọng trong nền văn hóa đọc ở Việt Nam dù luôn bị xem là đứa con lai của văn hóa đọc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của truyện tranh là không thể phủ nhận đối với việc thưởng thức văn hóa của giới trẻ trong nước cả về sự đa dạng nội dung và số lượng sản phẩm. Cả nước có hơn 50 NXB, ngoại trừ NXB Giáo dục mang tính đặc thù có 2 NXB chọn sở trường làm truyện tranh là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ.

Tuy nhiên, đã qua rồi thời truyện tranh làm mưa làm gió trên thị trường sách. Nếu trước đây, truyện tranh đóng vai trò quyết định doanh thu của NXB Kim Đồng thì nay doanh số truyện tranh chỉ còn chiếm từ 40% - 50% doanh số. Với NXB Trẻ, con số suy giảm kinh ngạc hơn, từ việc chiếm 90% - 95% doanh số, nay chỉ còn 5% - 10% doanh số của đơn vị.

Điều gì đã xảy ra với truyện tranh? Về khách quan, hiện giới trẻ có thể dễ dàng tìm đọc truyện tranh trên Internet, thậm chí sau một thời gian phát triển, các nhóm mê truyện tranh còn tổ chức dịch thuật các bộ truyện hay cung cấp miễn phí cho bạn đọc. Do lấy trực tiếp từ nước ngoài, không qua nhiều khâu xuất bản nên truyện tranh trên mạng luôn luôn gây khó khăn cho các NXB.

Một lý do khách quan khác là hậu quả của một thời làm sách không bản quyền. Nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài từ chối bán bản quyền cho các đơn vị trong nước chừng nào chưa thỏa thuận xong việc đền bù những tác phẩm mà các đơn vị trong nước từng vi phạm bản quyền. Điều này rất khó khăn do thời gian đã qua lâu, vấn đề tiền bạc, con người đã thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến sự suy thoái truyện tranh lại nằm ở các nguyên nhân chủ quan mà chủ yếu từ việc vi phạm bản quyền. Lấy ví dụ như khi NXB Trẻ mua bản quyền bộ truyện tranh Thần Điêu đại hiệp (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Kim Dung), tốn kém dịch thuật, biên tập, in ấn…, nhưng khi xuất bản lại tiêu thụ rất ít, do trước đó Nhà sách Nhân văn đã tung ra thị trường trọn bộ tác phẩm này, dĩ nhiên là không bản quyền. Điều này còn diễn ra ở nhiều tác phẩm khác khiến các NXB chân chính chịu nhiều thiệt hại về kinh tế…

Tìm con đường mới

Việc suy thoái truyện tranh xuất bản chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa đọc của giới trẻ. Truyện tranh chính thức giảm trong khi nhu cầu đọc vẫn cao khiến các đầu nậu làm sách, các nhóm làm sách qua mạng ồ ạt bung ra. Khác với sách chính thức, các loại truyện tranh theo những nguồn trên hoàn toàn không được kiểm tra, biên tập nên tràn ngập những nội dung phản cảm như bạo lực, khiêu dâm hay thậm chí phản động. Điều này khiến một thời gian truyện tranh bị xếp vào loại sản phẩm dễ gây đầu độc bạn đọc trẻ. Từ đó càng làm thị trường truyện tranh lâm vào khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Trí Đức, Trưởng ban truyện tranh NXB Trẻ, giữa những khó khăn như hiện nay cũng đồng thời xuất hiện cơ hội cho truyện tranh Việt phát triển. Bạn đọc, nhất là các bậc phụ huynh đã có cái nhìn tiêu cực với truyện tranh Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… Do đó, các NXB đang hướng đến khai thác truyện tranh Việt Nam do các họa sĩ, tác giả trong nước sáng tác. Dự kiến trong tương lai gần, các NXB, đơn vị làm truyện tranh sẽ “thổi làn gió mới” này vào thị trường truyện tranh trong nước.

Để làm được điều đó, bên cạnh tính chuyên nghiệp thì một trong những vấn đề cần tác động đầu tiên là cách nhìn nhận và phát hành truyện tranh đòi hỏi phải có sự thay đổi. Truyện tranh không chỉ là sản phẩm thuần túy dành cho thiếu nhi mà còn dành cho cả người lớn nên đòi hỏi phải có những đột phá mới

Theo TƯỜNG VY - SGGP



Các bài mới
Các bài đã đăng