Trong đó, có làng gốm Bát Tràng - một gạch nối thú vị giữa đất võ Bình Định và đất văn Thăng Long - Hà Nội, nhân dịp mừng đại lễ nghìn năm.
Kỳ tích của làng
Hành trình tìm kiếm với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tàng cùng chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) đã đưa đến hy vọng: Có thể phục dựng lại những cổ vật thời Tây Sơn, trên cơ sở những hiện vật tới nay vẫn còn lưu giữ được. Trong đó, đáng kể nhất là 16 bản sắc phong mà các đời vua thuộc vương triều Tây Sơn đã phong cho thành hoàng làng Bát Tràng.
Với bất kỳ triều đại phong kiến nào, những bản sắc phong cũng luôn được coi là những hiện vật gốc, mang trên mình nó nhiều dữ liệu văn hóa - lịch sử. Riêng với Tây Sơn - một triều đại từng bị nhà Nguyễn Gia Long sau đó ra sức tìm cách tận diệt, thì câu chuyện bảo tồn hiện vật còn hàm chứa một ý nghĩa khác: Sức sống của triều đại Tây Sơn trong lòng dân, ngay cả khi nó đã chấm dứt vai trò lịch sử. “Để giữ gìn hiện vật, các bậc tiền nhân của làng chúng tôi đã từng phải đem chôn dưới cát” - cụ Lê Thanh Lợi - Trưởng làng Bát Tràng - cho hay. Không chỉ lòng dân, đó đôi khi còn là ý trời.
Ông Phạm Văn Mai - người làng Bát Tràng - kể: “Năm 1967, khi Mỹ ném bom cầu phao Thiên Lương, đã có một quả bom rơi ngay sát đình làng Bát Tràng - nơi lưu giữ 44 đạo sắc phong mà các triều đại phong kiến đã phong cho thành hoàng làng Bát Tràng, trong đó có 16 đạo sắc phong triều Tây Sơn (riêng đời Vua Quang Trung có 6 sắc, đều vào năm 1792). Nhưng may thay, quả bom đã không phát nổ!”. Đến năm 1970, đình làng bị dỡ bỏ, 44 sắc phong cùng các cổ vật khác của làng đã phải gửi vào nhà dân. “ Suốt hai mươi mấy năm làng không còn đình, cộng với trước đó là chính sách tìm và trả thù của nhà Gia Long với Tây Sơn, vậy mà cho đến nay, người dân quê tôi vẫn còn giữ được những cổ vật ấy - đó có thể coi là một kỳ tích của làng, là lòng dân Bát Tràng với triều đại Tây Sơn và người anh hùng áo vải...” - ông Phạm Văn Mai tự hào.
Từ kỳ tích này, các con cháu đời nay của làng gốm đã gửi tặng tỉnh Bình Định hai tờ sắc phong thời Tây Sơn và 5 mẫu ấn triện phác thảo bằng gốm do nghệ nhân Trần Độ thực hiện để trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, sử học..., từ đó chọn ra phương án phục dựng cuối cùng.
Kỳ vọng của tỉnh
Cuộc tọa đàm khoa học về vấn đề sắc phong, ấn triện thời Tây Sơn do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bảo tàng Lịch sử VN tổ chức vào ngày 5.6 vừa qua tại Hà Nội cũng là nhằm bàn cách làm sống lại những giá trị văn hóa tinh thần vô giá đó, và tìm cách đưa chúng trở về với mảnh đất đã sinh ra “người anh hùng áo vải”, như một hành động “về nguồn”, bày tỏ lòng tôn kính với bậc tiền nhân đã lập lên một triều đại tuy ngắn ngủi, nhưng lẫy lừng trong lịch sử vương triều Việt.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, cho đến nay, các di sản văn hóa vật chất thời Tây Sơn chỉ còn lại lẻ tẻ. Trong đó, các ấn triện thời Quang Trung hiện còn chủ yếu là các loại ấn của võ quan (một số hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN). Các quả ấn của vua (tức là các kim bảo) dưới thời Tây Sơn đến nay đều không còn, mà chỉ có thể biết được hình dấu trên các bản sắc phong, chỉ, truyền. Theo TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật: Trên văn bản, ấn thời Quang Trung để lại cũng rất ít.
Trong đó, ông Quân cho rằng, hai loại ấn được đóng trên sắc phong thần (chẳng hạn, dấu ấn “Hòa nhu chi bảo” - phong thần cho đình làng Bát Tràng) và phong cho người có công (ấn “Sắc mệnh chi bảo”) là đáng quan tâm hơn cả. Nhưng để phục dựng thì theo ông Quân trước hết nên ưu tiên cho ấn triện “Sắc mệnh chi bảo”, là ấn phong cho người có công, chứ không phải là ấn phong thần. Tuy nhiên, bản thân các dấu ấn lưu lại trên các sắc phong chỉ mới cho hình dung về phần đế ấn, chứ không cho biết chất liệu ấn (bằng đồng hay bằng vàng...) cũng như các tiểu tiết khác chẳng hạn như núm ấn...
Giải pháp được các chuyên gia bảo tàng đưa ra là có thể tham khảo bộ sưu tập 85 chiếc ấn bằng vàng, bạc mạ vàng và ngọc đã được Bảo tàng Lịch sử VN công bố năm 2009, cũng như các hình rồng trên chuông Tây Sơn (tính đến năm 1996, tính từ Huế trở ra Bắc Giang đã thống kê được 181 quả chuông). Trong đó, có một quả hiện treo tại chùa Bảo Minh (Bát Tràng).
Trong lịch sử, ấn “Sắc mệnh chi bảo” ở thời Nguyễn nặng khoảng 8kg, làm bằng vàng 10 tuổi. Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, đơn vị nhận trách nhiệm bảo trợ và kêu gọi kinh phí để phục dựng ấn Tây Sơn - thì không nên làm bằng vàng vì sẽ gây tốn kém, chi phí đó nên để dành cho công tác an sinh xã hội; thay vào đó, có thể làm bằng bạc, hoặc đồng mạ vàng. Chữ “vàng” đáng giá hơn cả nằm trong tâm thế của người tưởng nhớ!
Còn một kênh tham khảo đáng tin cậy nữa có thể giúp cho việc phục dựng hiệu quả hơn: Đó là bộ sưu tập 7 ấn triện thời Tây Sơn vô cùng quý hiếm mà nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Phẩm hiện đang nắm giữ. Trong đó, đáng quý nhất là chiếc ấn triện đi kèm chiếu phong chức của một quan tri huyện phong cho một vị hương mục - được đánh giá là món “độc nhất vô nhị”. |
Theo Thiên An - LĐ
|