Trao đổi với PV Thanh Niên, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết ý tưởng của ông đã xuất phát từ một câu hỏi trăn trở về tâm hồn người Việt: “Trong nhiều năm, tôi đã lặn lội vào Nam ra Bắc, đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu dân ca của các dân tộc và thấy rằng hầu hết đấy là các làn điệu trữ tình đằm thắm nhớ thương da diết. Và tôi tự hỏi: vậy cái tinh thần Đại Việt của dân tộc ta nằm ở đâu, cái tinh thần ba lần phá tan quân xâm lược Nguyên - Mông của cha ông ta nằm ở đâu, dấu vết của tinh thần quật khởi này nằm trong bản hùng ca nào và nằm ở làn điệu dân ca nào? Khi vào Tây Nguyên, tôi chợt thấy trong âm nhạc cồng chiêng của người Ê-đê mang khát vọng và hơi thở mạnh mẽ của trường ca Đam San. Sau đó, tôi đã thấy thấp thoáng tinh thần quật khởi này ở lễ rước pháo Bình Đà. Và phải đến khi vào Thanh Hóa, được nghe tiếng trống đồng, tôi mới nhận ra tinh thần Đại Việt nằm trong âm thanh ấy”. Sau hai tháng làm việc mê mải, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã viết xong bản hợp xướng này. Sau khi hoàn thành, bản hợp xướng đã được thu âm thử và dự kiến ký hợp đồng với 150 người hát của trường Nghệ thuật Quân đội cộng với 150 nhạc công trống đồng. Điều đặc biệt, ở bản hợp xướng này, các ca sĩ chỉ hát với trống đồng. “Trong bản hợp xướng này, tôi dùng một số hư tự trong lời hát như các cụ ta xưa đã dùng trong các bài lễ rước cổ tại Hội pháo làng Đồng Kỵ, Hội pháo làng Bình Đà, các hư tự này khi xướng lên nghe rất hào sảng và hùng tráng” - Nguyễn Cường cho biết. Theo Việt Chiến - TN |