Vậy mà đã có một "Quán Trịnh" như một "Cõi riêng" ở số nhà 34 đường Chiến Thắng Sông Lô, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang - nơi nhạc sĩ Dương Thụ với nhiều ca khúc nổi tiếng đã từng là giáo viên một trường cấp 3 của tỉnh. “Cõi riêng” ở Tuyên Quang là ý tưởng của một thiếu nữ trẻ tên Nhân Sơn, tuổi mèo (1987 - Đinh Mão). Vì quá yêu nhạc Trịnh, Nhân Sơn đã “mè nheo” ba mẹ - cũng là những “tín đồ” nhạc Trịnh - cố gắng tạo ra một tụ điểm nhạc Trịnh ở thị xã miền sơn cước này. “Quán Trịnh” Tuyên Quang chỉ nhằm một mục đích khiêm nhường dành cho những người thích âm nhạc Trịnh Công Sơn có nơi để nghe những giai điệu liêu trai này với một tách càphê nhấm nháp cùng chén trà xanh chan chát dân dã, hay thêm vài ba ly rượu núi nồng ấm mỗi khi có bạn bè từ nơi khác tới chơi và lưu trú tại “Cõi riêng”. Quán ở ngay bên bờ sông Lô, nơi đã có chiến thắng sông Lô thu - đông 1947, con sông đã tạo nên cảm hứng cùng chiến thắng khiến cho các nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, Phạm Duy, Văn Cao và Lương Ngọc Trác tạo ra các tác phẩm âm nhạc của mình. Đó là “Chiến sĩ sông Lô” của Nguyễn Đình Phúc, “Bên dòng sông Lô” của Phạm Duy, “Trường ca sông Lô” của Văn Cao và “Lô giang” của Lương Ngọc Trác. Bốn tác phẩm này cùng âm thanh dào dạt dòng sông Lô tạo ra một ngũ hành tương sinh khiến người Tuyên Quang đầy tự hào từ quá vãng tới hôm nay và chắc chắn là mãi mãi. Đem nhạc Trịnh đến bên sông Lô lịch sử dường như đem sông Hương ở Huế, sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Côn ở Quy Nhơn, sông Cái ở Nha Trang, sông Sài Gòn ở TP.Hồ Chí Minh... là những con sông mà Trịnh Công Sơn đã từng đến, từng cảm hứng ra những ca khúc của mình phức điệu cùng những tác phẩm viết về sông Lô. Bởi vậy, nghe nhạc Trịnh ở đây có gì khác biệt nghe nhạc Trịnh ở một nơi khác. Tuy nhiên, ở “Quán Trịnh” khiêm nhường này, người nghe chỉ được thưởng thức nhạc Trịnh qua đĩa CD vì các ca sĩ phố núi dù giọng hát quá hay thì vẫn chưa có đủ thời gian để “ngộ” ra những gì mà Trịnh Công Sơn gửi gắm vào ca khúc của mình. Mà “Quán Trịnh” nhỏ bé thế thì làm sao có thể đủ lực để mời những Hồng Nhung, Thanh Lam, Lô Thuỷ - những ca sĩ hát hay những ca khúc Trịnh Công Sơn cùng ban nhạc về đất Tuyên cho người Tuyên thưởng thức giọng hát mê hồn của mình? Song dù với ý tưởng khiêm nhường ấy, “Quán Trịnh” vẫn có một điều gì đó rất đời như nhạc Trịnh, vẫn mong ước tạo ra một bản xônát văn hoá cùng cổng thành nhà Mạc từ xửa từ xưa, mà giờ đây đã được “phục chế” giống như những chòi gác ở cửa các cơ quan lớn. Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến ở tuổi đã ngoại bát tuần nghe tin ở Tuyên Quang có “Quán Trịnh”, bằng tất cả tình yêu dành cho Trịnh Công Sơn, ông đã quyết tâm khắc phục “tuổi cao, sức yếu” lên tận nơi dòm một lần. Nghe nói Nhân Sơn vốn là cháu ngoại của ông Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ tỉnh Hà Tuyên (cũ) đã về hưu, nay đã ở tuổi 86. Thật may, thời ông ngoại thì đứng trong cơ chế lãnh đạo văn hoá cho xứ sở này, còn thời cháu ngoại thì đứng trong nhân dân cũng gắng tạo ra một nét văn hoá mới cho quê hương hôm nay. Theo Nguyễn Thuỵ Kha - LĐ |