Chương trình “Giai điệu mùa thu” được Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM khởi xướng thực hiện từ năm 2005, với tiêu chí tạo một sân khấu trang trọng để các tài năng âm nhạc Việt Nam thành danh trong nước hoặc nước ngoài có nơi gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, trình diễn phục vụ khán giả yêu nghệ thuật. Trải qua 5 mùa biểu diễn, “Giai điệu mùa thu” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng trăm nghệ sĩ trẻ tài năng quy tụ về TPHCM, từ nhiều nước trên thế giới. Điều đó không chỉ là niềm phấn khởi của các nghệ sĩ trẻ, mà còn thể hiện được tầm vóc phát triển của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm Việt Nam, trong thời điểm đất nước vươn mình hội nhập cùng các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, chương trình lâm vào cảnh khó khăn. Trên hết, vì kinh phí thiếu trước hụt sau nên nội dung chương trình bị thu hẹp, ít nghệ sĩ trẻ ở nước ngoài tham gia. Như năm nay, chương trình chỉ mời được 3 nghệ sĩ trẻ về biểu diễn, một số tài năng trẻ khác đang về nước nghỉ hè cũng được vận động tham gia, còn lại là các nghệ sĩ của TPHCM và Hà Nội. Tính ra, kinh phí cho một chương trình “Giai điệu mùa thu” hoành tráng sẽ tiêu tốn khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Năm ngoái, sự hỗ trợ từ phía UBND TPHCM cho chương trình cũng chỉ dừng ở con số 300 triệu đồng. Năm nay, chương trình ước tính chi khoảng 600 triệu đồng nhưng vẫn đang chờ khoản kinh phí hỗ trợ từ UBND TPHCM. Trong khi đó, vấn đề xã hội hóa nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao không thu hút được các nhà tài trợ ủng hộ, ngoại trừ một vài đơn vị có sự gắn bó với nhà hát. Giám đốc Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM, Võ Đăng Tín, chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng giữ nhịp độ tổ chức chương trình với niềm hy vọng những năm sau tình hình sẽ sáng sủa hơn, chương trình sẽ là một festival âm nhạc hàn lâm, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Thế nên, ngay trong thời điểm khó khăn hiện tại, việc duy trì hai đêm diễn đã là một cố gắng rất lớn của nhà hát và anh em nghệ sĩ tâm huyết với nghề, đam mê nghệ thuật”. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng, ưu tư, trăn trở lớn nhất của ban giám đốc nhà hát hiện nay chính là gặp rất nhiều trở ngại trong hoạt động điều hành, quản lý. TPHCM không có được một nhà hát đúng chuẩn, đáp ứng các nhu cầu về tập dợt, rèn nghề, thiếu sân khấu biểu diễn, kho bảo quản những nhạc cụ đắt tiền… Việc xây dựng một nhà hát dành riêng cho âm nhạc hàn lâm trong suốt 10 năm qua vẫn chỉ là dự án trên giấy, lây lất chuyện dời địa điểm từ nơi này sang nơi khác, gần đây nhất là từ công viên 23-9 di dời qua Thủ Thiêm. đó cũng là tâm tư của rất nhiều nghệ sĩ đang gắn bó với nghề, với âm nhạc cổ điển - một loại hình nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có nhiều đam mê, nhiệt huyết và hy sinh để vươn tới sự thăng hoa trong nghệ thuật, đóng góp cho đời những sáng tạo giá trị tinh thần to lớn.
Theo Thúy Bình - SGGP |